Diễn đàn: Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát?

Tôi phải thoát khỏi cuộc hôn nhân này

02/09/2024 - 13:30

PNO - Ý nghĩ phải thoát khỏi cuộc hôn nhân nhen nhúm từ khi tôi nhận ra lối sống của tôi và anh quá khác nhau.

Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái.

Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình.

Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn.

Ly hôn một thời gian, trở về quê trong tâm thế gần như đã được “chữa lành”, tôi mới sẵn sàng đối diện với người thân khi có ai đó hỏi lý do chúng tôi ly hôn.

Chồng Chi có thể chơi game trên điện thoại từ ngày này qua ngày khác (ảnh minh họa)
Chồng tôi có thể chơi game trên điện thoại ngày này qua ngày khác (ảnh minh họa)

Về sống chung với gia đình chồng, đó cũng là lần đầu trong đời tôi biết đến một “thế giới khác", đó là họ không phải đi làm mỗi ngày như mình, vậy mà mỗi tháng vẫn thu về không biết bao nhiêu là tiền.

Nhà chồng tôi có rất nhiều nhà, căn hộ cho thuê. Có những căn cho thuê và tự quản lý, cũng có những căn khoán cho người khác thuê, để họ cho thuê lại. Mỗi tháng, việc của chồng tôi chỉ là đi thu tiền thuê nhà. Gọi là “đi thu” nhưng hầu hết khách thuê sẽ chuyển khoản. Thỉnh thoảng có những căn cần sửa chữa, bổ sung thêm trang thiết bị, chồng tôi mới phải đến tận nơi giám sát. Thời gian rảnh rỗi ở nhà, anh chỉ ôm điện thoại chơi game.

Những người bạn thân của tôi lần lượt biết về sự khác biệt tính cách vợ chồng tôi, họ đều bật ra câu hỏi: “Sao lại lấy ổng?”. Chính tôi cũng không ngờ “phiên bản” của anh thời yêu nhau và khi đã thành vợ chồng lại khác biệt đến vậy. Hồi yêu nhau, anh ở xa nên mỗi lần hẹn hò anh phải đi chặng đường dài. Thấy anh chân thành, tha thiết nên tôi đồng ý.

Nhà chồng có một "nét văn hóa" mà khi về làm dâu tôi mới biết, đó là phụ nữ trong nhà không phải đi làm, chỉ sinh con và ở nhà chăm con. "Ở không" mà vẫn có tiền xài, ai lại không thích. Vậy, lý do gì khiến tôi quyết định ly hôn như câu “bỏ của chạy lấy người”?

Tôi nghĩ, nếu như một người chỉ biết “vâng, dạ”, chẳng có bất cứ ước mơ hoài bão gì thì về làm dâu nơi ấy quả là thiên đường, nhưng tôi thì khác. Tôi có những ước mơ để theo đuổi, muốn phấn đấu trong lĩnh vực chuyên môn, tự do với cuộc sống của chính mình, thứ mà tôi chẳng thể có khi sống trong nhà chồng.

Nhà chồng có người giúp việc, cuối tuần thường tổ chức tiệc tùng và còn thuê hẳn đầu bếp về nấu theo khẩu vị. Vì vậy, tôi và những cô con dâu khác chẳng phải động tay việc gì. Đến năm thứ 3 làm dâu, tôi nhận ra không phải cuộc sống như mình mong ước về một gia đình nhỏ.

Tôi chia sẻ với chồng mong muốn được trở lại đi làm, tưởng anh ủng hộ, nhưng nào ngờ anh phản đối quyết liệt. Anh nói của cải để ăn đến đời con, cháu không hết, sao phải vất vả đi làm? Nếu cần tiền, cứ nói với anh.

Tiền thì ai cũng cần, nhưng thứ tôi cần hơn là một cuộc sống ý nghĩa, thú vị, chứ không phải đóng khung trong căn biệt thự, chẳng biết gì đến thế giới bên ngoài. Rồi sau này, thế hệ con cái sẽ như thế nào? Nếu như người lớn vẫn giữ quan điểm: không cần làm gì vẫn có tiền xài, liệu ý chí phấn đấu, khả năng độc lập, tư duy của những đứa trẻ ấy có hay không? Sự cảm thông, thấu hiểu có hay không, khi chúng chỉ sống trong nhung lụa chẳng biết đến khó khăn, áp lực là gì?

Điều tôi lo lắng không thừa, đỉnh điểm là lần mâu thuẫn phát sinh trong việc giáo dục con cái trong gia đình. Người anh trai của chồng tôi có cậu con trai 8 tuổi, nghiện game, học hành thụt lùi, mặt mũi lúc nào cũng đờ đẫn đến mức phải nhờ chuyên gia tâm lý can thiệp. Lạ ở chỗ, người lớn trong nhà chẳng lấy đó làm bài học để rút kinh nghiệm, vẫn nuông chiều con cháu trong nhà.

Sự nuông chiều của người lớn làm hư trẻ (ảnh minh họa)
Sự nuông chiều của người lớn làm hư trẻ (ảnh minh họa)

Vợ chồng tôi định sang năm sẽ có con, nên tôi đề cập nghiêm túc với chồng về việc giáo dục con cái sau này, để xem cả 2 có đi đến quan điểm chung được không. Ngờ đâu, chồng tôi giữ quan điểm của gia đình: "Trẻ nhỏ thích gì làm đấy, sao phải gò bó?".

Ý nghĩ phải thoát khỏi cuộc hôn nhân này nhen nhúm trong tôi từ khi tôi nhận ra lối sống của cả 2 quá khác nhau. Tôi muốn trở về với chính tôi khi xưa: tự đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống, gom góp từng viên gạch để xây lên căn nhà của mình, chứ không phải sống trong cơ ngơi có sẵn. Hơn hết, tôi muốn thắp lửa đam mê trong tôi để sống một cuộc đời đầy đủ gia vị.

“Cửa ải” khó khăn nhất để thực hiện cuộc ra đi là mẹ ruột tôi. Bà không thể hiểu tại sao với một điều kiện kinh tế gia đình tốt như vậy, mà tôi nhất quyết ly hôn? Nhưng rồi, với sự quyết tâm và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình, tôi đã thực hiện được.

Phía trước chắc chắn sẽ không ít khó khăn nhưng tôi tin đó mới chính là cuộc đời tôi muốn sống.

Anh N. (TP Thủ Đức, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI