Câu chuyện tình yêu

"Tôi phải sống trọn nghĩa, vẹn tình với anh"

27/07/2023 - 11:29

PNO - Gần 50 năm qua, bà Lương một mình nuôi con để giữ trọn lời thề với người chồng liệt sĩ.

Lời hẹn sum họp không thành

Cầm tấm ảnh đen trắng đã ố nhoè theo năm tháng, bà Nguyễn Thị Lương (76 tuổi, trú phường Đội Cung, TP. Vinh, Nghệ An) cho biết đây là tấm ảnh chung hiếm hoi của bà và liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền. Đó là dịp vợ chồng bà đi chơi sau ngày cưới. Bà ngồi dựa vào lòng chồng, cả 2 rạng ngời hạnh phúc. 

“Cưới rồi nhưng chúng tôi có mấy ngày được sống đúng nghĩa vợ chồng đâu. Chúng tôi không có phòng riêng, mỗi người vẫn ở phòng tập thể của cơ quan nên gặp nhau cũng ít” - bà Lương kể.

Mỗi lần lại những kỷ niệm với chồng, bà Lương lại khóc nghẹn - Ảnh: Phan Ngọc
Mỗi lần lại những kỷ niệm với chồng, bà Lương lại nghẹn ngào (ảnh: Phan Ngọc)

Vợ chồng bà yêu nhanh, quyết định đến với nhau cũng nhanh. Tháng 7/1970, bà Lương cùng ông Kiền chính thức trở thành vợ chồng sau một đám cưới đơn giản, có sự chứng kiến của 2 bên gia đình. Cuối năm 1970, ông Kiền lên đường nhập ngũ với lời hẹn ước “Khi nào đất nước thống nhất, anh sẽ về!”.

Lúc đó, bà Lương mang bầu được 4 tháng. Giữa năm 1971, bà sinh con gái đầu lòng.

“Anh cứ thương em không tả nổi, có khi anh suy nghĩ đến cuồng điên, muốn về ngay với em, với con, hôn con một tý và muốn làm tất cả những gì trong lúc em sinh đẻ, thổi lửa, nhóm than, giặt giũ... để em đỡ vất vả. Em ơi, nhiều đêm anh nằm mơ quá mức tưởng tượng. Anh thấy anh đang lai em đi sinh, thấy anh đem cơm cho em, thấy anh đang bồng con ngồi bên bếp lửa đượm...”, liệt sĩ Kiền viết như vậy trong lá thư gửi vợ.

Khi con gái 3 tháng tuổi, ông Kiền mới có dịp về thăm nhà, được bế con gái bé bỏng trên tay cho thỏa niềm vui làm cha. “Anh cưng con lắm, cứ ôm con cười nói cả ngày” - bà Lương nhớ về những ngày gia đình sum họp. 

Tấm ảnh chung của 2 vợ chồng chụp sau ngày cưới được bà Lương đóng khung cẩn thận, treo ở đầu giường - Ảnh: Phan Ngọc
Tấm ảnh chung của 2 vợ chồng chụp sau ngày cưới được bà Lương đóng khung cẩn thận, treo ở đầu giường - Ảnh: Phan Ngọc

Tháng 12/1971, đơn vị ông Kiền được lệnh vào chiến trường miền Nam. Đến huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đơn vị tạm dừng chân nghỉ ngơi, ông Kiều tranh thủ thời gian ngắn ngủi này xin về thăm vợ con. Đó cũng là lần cuối cùng vợ chồng bà gặp nhau.

“Trước lúc lên đường, anh nắm tay tôi bảo Nếu 10 năm nữa anh không về, em đừng đợi mà hãy đi lấy chồng...” - bà Lương nhớ lại cảm giác hụt hẫng khi nghe chồng nói vậy, nhưng bà đã nhìn thẳng vào mắt chồng và nói: “Đời em, chỉ một lần cưới chồng!” để khẳng định sẽ đợi ông về.

Trong lá thư được viết vội trên đường hành quân cuối năm 1971, ông Kiền thông báo với vợ đã đặt chân đến Quảng Bình. Lá thư chỉ có vài dòng, kết thúc bằng lời hẹn ước “Thống nhất anh sẽ về!”.

Những lá thư của chồng được bà Lương cất giữ cẩn thận suốt hàng chục năm qua - Ảnh: Phan Ngọc
Những lá thư của chồng được bà Lương cất giữ cẩn thận suốt hàng chục năm qua (ảnh: Phan Ngọc)

Nhưng lời hẹn ấy không trở thành hiện thực. “Anh ấy hy sinh ở Tây Ninh trước một ngày đất nước thống nhất” - bà Lương vẫn nhớ như in ngày nhận tin dữ. 

Nửa thế kỷ vẹn nguyên lời thề

Cầm trên tay tập thư đã úa màu thời gian, chất chứa bao yêu thương, bà Lương bảo rằng, những trang giấy mỏng manh ấy là nguồn động viên, điểm tựa để bà có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, nỗi nhớ để tiếp tục nuôi con, chu toàn bổn phận của người con dâu.

Từ chối những lời dạm hỏi, bà Lương quyết ở vậy nuôi con để giữ trọn lời thề Đời em chỉ một lần cưới chồng - Ảnh: Phan Ngọc
Từ chối những lời dạm hỏi, bà Lương quyết ở vậy nuôi con để giữ trọn lời thề "Đời em chỉ một lần cưới chồng" (ảnh: Phan Ngọc)

“Em ạ, cái nguồn động viên nhất cho chúng ta lúc này là ai? Là đứa con gái đầu lòng của ta đó. Anh vui vẻ, anh phấn khởi, an tâm công tác để lên đường đi đánh Mỹ. Chính đứa con đầu lòng đó thôi thúc anh vượt qua chông gai, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ, mai sau sẽ trở về hôn con, gần em được thoải mái… Anh vào tiền tuyến, em ở lại hậu phương cố gắng công tác, đảm nhiệm nuôi con thay anh” - bà Lương đọc lại những lời căn dặn của chồng viết trong thư.

Khó có thể nói hết những vất vả, thiếu thốn của người vợ trẻ trong cảnh một mình nuôi con mọn. “Cũng không ít lần người thân khuyên nhủ tôi đi thêm bước nữa nhưng tôi nhất định phải sống trọn nghĩa, vẹn tình với anh ấy, với lời thề năm xưa” - bà Lương nói. 

Bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền luôn được vợ lo tươm tất mỗi ngày - Ảnh: Phan Ngọc
Bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền luôn được vợ lo tươm tất mỗi ngày (ảnh: Phan Ngọc)

Ngắm bức ảnh gia đình 4 thế hệ, bà Lương mỉm cười: “2 cháu ngoại nay cũng đã lập gia đình, có công việc ổn định. Vậy là tôi yên tâm với lời căn dặn nuôi con thay anh ấy rồi”. Bà Lương vẫn luôn gọi chồng là anh, bởi hình ảnh chàng trai trẻ hết lòng yêu thương vợ con đã in sâu vào trong tâm trí.

Sau hàng chục năm trời lưu giữ như báu vật, bà Lương quyết định trao tặng 10 lá thư từ chiến trường tới Bảo tàng Quân khu 4. Trong đó có 9 lá là của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền (được chọn lọc ra từ hàng chục lá thư của liệt sĩ Kiền gửi về) và 1 lá thư bà Lương gửi chồng.

“Tôi tặng cho Bảo tàng, để thư của anh được lưu giữ tốt hơn, và để thế hệ trẻ sau này có cơ hội biết được chuyện tình yêu thời chiến tranh vất vả ra sao” - bà Lương chia sẻ.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI