Tôi phải ráng "bằng mặt" với con dâu

05/12/2023 - 06:10

PNO - Ở với con dâu, tôi phải chú ý từng lời ăn tiếng nói vì sợ con dâu giận và bế cháu nội về thành phố.

Ảnh mang tính minh họa - Pixabay
Ảnh mang tính minh họa - Pixabay

Vợ chồng tôi chỉ sinh 1 đứa con. Từ nhỏ, con trai tôi đã yếu ớt, hay đau bệnh. Vì quá vất vả với đứa con đầu lòng, tôi e ngại không dám sinh thêm đứa nữa. Có bao nhiêu tình thương lẫn kinh tế, tôi đều dồn hết cho con, không để con thua kém bạn bè.

Lớn lên, con đậu đại học và vào thành phố học. Ra trường, con có bạn gái rồi tiến đến hôn nhân. Vợ chồng đôi trẻ lúc nào cũng quấn quýt lấy nhau nhưng đợi hoài, 3 năm vẫn chưa thấy tin vui. Tôi đâm ra lo lắng, hối 2 con đi khám hiếm muộn nhưng cả 2 đứa đều từ chối. Rồi một ngày cuối năm, con trai gọi điện về báo tin "Mẹ ơi, mẹ sắp lên chức bà nội rồi". Tôi mừng như bắt được vàng.

Từ đó, tuần nào tôi cũng bắt ba nó lái xe chở tôi lên thành phố, nấu đủ món ăn tẩm bổ cho con dâu, trông chờ ngày đứa bé chào đời. 

Ngày sinh cũng đến. Cháu tôi sinh ra đủ ký nhưng bị vàng da nên phải ở trong lồng kính chăm sóc đặc biệt. May thay, bé chỉ bị vàng da sinh lý, chiếu đèn 1 ngày thì sẽ được về với mẹ.

Con dâu tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, nên ngày xuất viện, tôi đón cả mẹ lẫn con về quê để tiện bề chăm sóc. Tôi thương con, thương cháu nên không tính toán, chuyện gì tôi cũng lo tròn vo.

Ảnh mang tính minh họa - IStock
Ảnh mang tính minh họa - iStock

Tôi không tự khen, nhưng có thể nói mình là bà mẹ chồng hợp thời. Tôi mới ngoài 50 tuổi, là dân kinh doanh, có nhiều mối quan hệ xã hội, cũng hiểu chuyện. Tôi chưa bao giờ xét nét con dâu từ chuyện tóc tai, đi đứng, ăn mặc… Tôi để các con thoải mái bởi ai cũng cần sống cho cuộc đời của mình.

Nhưng rồi sự khác biệt giữa 2 thế hệ trong việc chăm sóc đứa trẻ đã khiến mối quan hệ mẹ con không còn được tốt đẹp. Tôi biết tôi và con dâu chỉ bằng mặt chứ không còn bằng lòng.

Chỉ mới hơn 1 tháng chăm con dâu sau sinh, chăm cháu nội mà tôi đã thấy rất áp lực. Ở với con dâu nhưng tôi lại là người phải xét nét, để ý từng lời ăn tiếng nói cũng không dám rầy la. Thêm phần, mọi chuyện trong nhà, tiền bạc chi tiêu hàng ngày, tiền tã sữa cho đứa nhỏ đều một mình tôi lo liệu.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Ngày nào, tôi cũng đi chợ nấu cơm, thay đổi thực đơn cho bữa ăn nhiều dinh dưỡng, nhưng con dâu quá kén ăn. Thấy con dâu ít sữa nhưng lười cho con bú, tôi cũng nhắc con cố gắng cho bé bú nhiều lần để kích tuyến sữa, nhưng có vẻ con dâu không nghe lời. Chỉ vài tuần sau sinh thì tắt sữa.

Hay như chuyện ngại giặt tã, con dâu cho đứa trẻ mặc tã quần suốt ngày dẫn đến hăm, nổi sảy.  Khi thấy cháu nội khóc, con dâu không buồn bế lên, tôi lại túc trực ngày đêm bên cạnh vỗ về.

Dẫu xót cháu, nhưng mỗi chuyện tôi chỉ dám nhắc nhở con dâu 1 - 2 lần chứ không can dự quá sâu vào cách nuôi con. Tôi sợ con dâu khó chịu, sợ mang tiếng “mẹ chồng khó tính” và sợ nhất là con giận lẫy bế cháu tôi về thành phố.

Tôi nín nhịn, nhưng lòng rất bức bối. Chị em của tôi biết chuyện, liền phán: “Đúng là thời buổi bây giờ, mẹ chồng mới là người đi làm dâu, làm gì cũng phải nhìn sắc mặt con dâu”.

Trong tôi đang rối bời. Tôi không nỡ xa cháu, nhưng vì bức bối, có lúc tôi lại muốn các con về lại thành phố. Rồi nhớ chuyện con trai từng “cầu cứu” mẹ khi tôi chỉ mới đi xa nhà 2 ngày vì đứa trẻ quấy khóc, tôi lại lo, không muốn rời xa cháu nội...

Tú Linh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • M.Y 05-12-2023 11:11:51

    ao mà khổ vậy mẹ chồng ơi ! Dù mình có vì thương con cháu mà đưa về quê để tiện hỗ trợ chăm sóc, thì cũng không thể ôm đồm hết để rồi cảm thấy bức xúc. Con dâu sinh con là bước vào trách nhiệm chăm con của nó, vậy khi dâu tròn tháng sinh, cứng cáp rồi thì ngoài chuyện đỡ đần cơm nước (mà chỉ tươm tất theo ý mình thôi chứ sao phải theo ý con dâu ? Nó muốn ăn theo ý thì nó ngỏ lời với mẹ chồng hay tự lo chứ?), chuyện chăm con nó thì mình chỉ góp ý, không nghe thì thôi.
    Bởi vậy, bởi người làm cha mẹ và ông bà nặng lòng vì con cháu quá, nên mới có quan điểm :" Tôi nuôi con tôi, và con tôi phải có trách nhiệm nuôi con của nó".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI