Tôi nợ Sài Gòn những cưu mang

16/11/2023 - 16:09

PNO - Với Sài Gòn , tôi có đủ duyên và nợ. Duyên đưa tôi đến Sài Gòn, nợ đưa tôi gặp những con người quá đỗi tử tế và bao dung.

 

Ấn tượng của tôi về Sài Gòn là... quá đông (ảnh: Nguyễn Quang)
Ấn tượng của tôi về Sài Gòn là... quá đông (ảnh: Nguyễn Quang)

Tôi đặt chân đến Sài Gòn những ngày đầu tháng 9 năm 1996 để làm thủ tục nhập học. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn là một chốn xa hoa đến… “đáng ghét” (!).

Cảm nhận của tôi khi ấy là Sài Gòn không thuộc về tôi, không có chỗ cho một đứa sinh viên nhà quê cơm không đủ ngày 2 bữa đeo mộng kiến trúc sư. Trong tôi luôn đau đáu nỗi lo không biết sẽ trọ ở đâu, ăn uống ra sao, trên hết là có thể duy trì việc học đại học trong bao lâu nữa. 

Bác Việt kiều đồng hương hữu duyên sống cách nửa vòng trái đất sau khi giúp tôi tiền học phí năm đầu đã nhiệt tâm liên hệ gửi tôi vào ở chùa trọ học nhằm tiết kiệm chừng nào đỡ chừng ấy. Thế là ngôi chùa Đại Hạnh trong con hẻm lầy lội khu Cư xá Đường sắt (đường Lý Thái Tổ, Q3) đã trở thành mái nhà thứ hai của tôi. Có lẽ tính nhút nhát và mặc cảm nhà nghèo khiến bộ dạng tôi trông “hiền hiền”, do vậy dễ gây thiện cảm nơi quý Phật tử đến chùa, đặc biệt với thầy trụ trì (?). Tôi nhanh chóng vượt qua thử thách (chỉ được ở trọ, ăn uống tự túc trong tháng đầu) sau 3 ngày, thầy trụ trì cho tôi cùng ăn với nhà chùa và sinh viên chung trọ. 

Những ngày đầu theo quý thầy ra chợ “hóa duyên” (thực chất là xin rau củ quả) với tôi là áp lực lớn lao. Đường thì đông mà rau củ chất lỉnh kỉnh trên xe khiến tôi chỉ dám dắt bộ giữa dòng người ken đặc trên đường chiều nhá nhem.

Bác tiểu thương ở chợ Chuồng Bò (chợ phường 10, quận 10) thấy vậy mau mắn dỡ những bó rau cười hiền: “Lính mới hả? Hèn gì sợ đường Sài Gòn. Thôi con về trước đi, tí chú chở về chùa cho”.

Từ áp lực, tôi đi đến ngạc nhiên trong đầu: “Người gì tốt dữ. Đã cho đồ ăn còn mang đến tận nơi!”. Thế là khoảng tháng đầu, mỗi khi đến lịch tôi đi hóa duyên là y như rằng chiều đó, chiếc giỏ lỉnh kỉnh rau củ quả đặt sẵn nơi cổng chùa, cạnh gốc sứ già. 

Sài Gòn ngày ấy điện thoại bàn còn hiếm. Sinh viên đâu chỉ dừng ở mỗi việc chỉ cần nơi ăn chốn ở. Những năm học về sau, nhu cầu liên hệ bạn bè, kết nối gia đình là có thật. Điều kiện tài chính khiến chiếc điện thoại để bàn của nhà chùa bị khóa cẩn thận bằng chiếc hộp gỗ ở phần nút bấm, chỉ chừa mỗi ống nghe. Sinh viên do vậy chỉ có thể nhận cuộc gọi đến mà không thể gọi đi.

Bà Ba phật tử nhà kế chùa thương tình ra chỉ tiêu cho mỗi sinh viên được 5 phút trong tuần sang nhà gọi miễn phí. Bà chẳng khá giả gì, “đầu tư” được mỗi chiếc điện thoại gọi tính phút kiếm tiền nuôi đứa cháu nội cha mẹ để lại sau nhiều phen bất đồng. Bà cẩn trọng: “Chỉ nói chuyện học hành, không “mèo chuột” lê thê nghe hôn!”.  

Có cô Diệu Hiếu nhà mặt tiền đường Lý Thái Tổ, chuyên đánh máy in ấn tài liệu cho khách hàng hay lân la hỏi việc học của bọn sinh viên trọ chùa. Cô ân cần và nhiệt tình: “Đứa nào cần in hay photo tài liệu nếu hổng dám đem ra tiệm thì cô đem về làm cho nghen. Đừng ngại!”. 

Ấn tượng nhất và cũng là kỷ niệm đẹp nhất với tôi khi làm cư dân của Sài Gòn nghĩa tình, là lúc ngôi chùa mình trọ học được cải tạo lại phần chính điện. Chùa ở trung tâm thành phố, lại trong hẻm sâu, trong khi xe chở vật tư chỉ được phép vào nội thành sau 21 giờ đêm. Thế là bọn sinh viên sau giờ cơm tối chỉ có thể học bài trong tâm thế thấp thỏm để chờ giúp quý thầy vận chuyển vật tư từ đường lớn vào sân chùa. Không ít lần kẹt xe nơi cửa ngõ thành phố, sinh viên và quý thầy sau khi tập kết vật tư vào chùa xong đã giữa đêm. Ây vậy mà bác nhà cạnh chùa tuy lớn tuổi vẫn thức canh bọn sinh viên sau khi chuyển nốt xe cát đá cuối cùng vào sân chùa bèn khệ nệ bưng qua cả nồi chè nghi ngút khói. “Ăn đi mấy đứa, rồi tranh thủ ngủ sớm mai tụi bây còn đi học nữa” …  

Từ trường kiến trúc về chùa khá xa, quanh trường quán cơm không thiếu, nhưng vượt túi tiền của đứa sinh viên trọ chùa. Về chùa ăn trưa không mất tiền nhưng tôi thường không kịp đạp xe trở lại cho tiết đầu chiều. Sau thời gian gặm bánh mì buổi trưa, tôi được đứa bạn đồng hương giới thiệu quán cơm má Năm trong khuôn viên một trường trung cấp đường Tôn Đức Thắng.

Không hiểu sao ai cũng gọi người phụ nữ trung niên vóc người hơi gầy này là “má”, song điều tôi dễ nhận ra là má hay cười, thường hỏi han việc học của sinh viên đến ăn cơm và đặc biệt quan tâm trước mỗi sự vắng mặt bất thường của ai đó. “Thằng H. thiếu má nhiều, nó ngại không đến ăn nữa đâu má ơi!”. “Trời đất! Gì mà dại vậy. Bây kêu nó lại ăn đi, má có đòi đâu. Đứa nào thiếu thì tự nhớ, khi nào có tiền thì trả má…”. “Má nghe hình như thằng N. bị bệnh rồi. M., con cầm ít tiền chiều học ra ghé mua chục cam cho nó, nói má gửi; má bận quá với hổng biết nó trọ ở đâu”.

Những tờ tiền được má Năm vuốt cẩn thận, chìa cho thằng M… Ở quán cơm vốn là chiếc phòng trống cuối dãy, nơi người phụ nữ lạ được gọi bằng má luôn tay bới những đĩa cơm nóng hổi cho từng đứa sinh viên tứ xứ. Tôi và những sinh viên nghèo được thoải mái bới cơm thêm và thường được khuyến mãi món “bữa nay má lỡ tay nấu nhiều, tụi bây cứ lấy ăn”.    

Tôi và bạn bè nợ Sài Gòn rất nhiều (ảnh )
Tôi và bạn bè nợ Sài Gòn rất nhiều ân tình (ảnh minh họa)

Có lúc tôi hoài nghi về sự tử tế của cư dân nói riêng, sự bao dung của Sài Gòn nói chung. Tôi vẫn cứ muốn xác tín rằng tình thương của sư trụ trì, của bà con Phật tử đến chùa ngẫm ra cũng… bình thường, bởi xét cho cùng đó là đức tính của người con Phật. Nhưng tôi không lý giải được sự tử tế và tình thương vô điều kiện của má Năm, của bà bác nhà gần chùa nhưng chưa một lần vào lễ Phật vẫn thường canh bọn sinh viên đi học ngang để dúi vào túi vài chục ngàn: “Ra ngoài ăn thêm bồi dưỡng cho đủ sức. Ăn chay không đủ sức học nghen con. Tội!”… 

Đi qua mỗi vùng đất, gặp gỡ những con người rõ ràng là do duyên. Với Sài Gòn, tôi có đủ duyên và nợ. Duyên đưa tôi đến Sài Gòn, nợ đưa tôi gặp những con người quá đỗi tử tế và bao dung. Tôi nợ Sài Gòn những cưu mang…

KTS Lê Công Sĩ (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh)

 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: 
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI