Tội nghiệp đàn ông

11/09/2017 - 13:00

PNO - Đàn ông đưa đón con, đàn ông đi chợ, đàn ông làm việc nhà... chị em nhìn thấy cảnh ấy thường bỗng thốt lên câu cảm thán: bà vợ ổng đâu, sao tội nghiệp thế!

Buổi sáng, trên đường đi làm, tôi nhìn thấy một người đàn ông đang đèo hai cô con gái nhỏ bằng xe máy. Đứa lớn cột đai phía sau chỉ chừng ba tuổi. Cô nhóc ngồi ghế phụ phía trước đang ngủ gật chắc chỉ mới thôi nôi. Ông bố trẻ vừa chạy xe vừa phải dùng một tay để giữ đầu đứa bé. Chiếc xe anh đang chạy có lẽ là của vợ, một loại xe số rẻ tiền, màu hồng phấn.

Toi nghiep dan ong

Tôi quay qua nói với chị bạn đồng hành: “Nhìn mấy cha con họ thấy tội chưa kìa!”. Chị gật gù, ngó theo chiếc xe chở ba đầy thương cảm. 

Sau khoảnh khắc cảm tính đầy đàn bà ấy, cả tôi và chị bạn cùng gào lên: Ồ bình thường thôi mà, trên đường hằng ngày nhan nhản phụ nữ chở theo con cái, bỉm sữa, đồ ăn, túi to túi bé. Có đứa lớn tướng, chân còn dài hơn chân mẹ, leo lên một phát là chao đảo cả xe đấy thôi. Có ai tội nghiệp, xót xa giùm họ đâu. Do nhìn quen mắt quá rồi mà!

Đàn ông tay chân vững vàng, cầm lái giữ thăng bằng xe ổn hơn, nên họ đưa đón con là an toàn, hợp lý rồi. Sao chúng ta cứ giữ mãi thái độ, nhìn người cha đùm túm đèo con trên đường là “thấy tội” cơ chứ! Cứ như thể, đấy là việc đương nhiên của các bà mẹ vậy. Còn chuyện anh ta phải chạy chiếc xe của vợ, nếu là do bản thân không sắm nổi phương tiện di chuyển riêng, thì lại càng quá tệ. Chả có gì đáng mủi lòng, đúng không nào?

Để ý mà xem, phụ nữ thường tỏ ra ái ngại, tội nghiệp lẫn ác cảm với… vợ của các ông chồng, khi thấy đàn ông đi chợ, chăm con, nấu ăn, rửa chén. Rồi cũng chính các bà các cô ấy mạnh miệng la làng đòi bình đẳng, là sao? Bởi đàn bà dễ mềm lòng, thương “mấy chả” bù đầu, còn mình túi bụi không kịp thở cũng là chuyện bình thường. Hay do bản năng “làm mẹ” đã phát huy tác dụng khá mạnh, nên tâm lý muốn ôm đồm lo lắng từ con sang chồng đã lây lan, mẹ truyền con nối từ đời nay sang đời khác, tới tận bây giờ vẫn khó mà thay đổi?

Toi nghiep dan ong
Ảnh minh họa

Tôi chợt nhớ tới mẹ. Thuở tôi còn bé vẫn nghe mẹ dặn: “Là chị hai, con đừng để tụi nó phải động tay vào mấy chuyện vặt vãnh trong bếp, kẻo người ta cười cho, con gái con đứa…”. Tụi nó tức là hai cậu em trai tôi đấy! Dẫu hai đứa có lười biếng, chuyên ngủ nướng, bề bộn, ở dơ, vô tâm ích kỷ, cũng nên du di, vì một lý do đơn giản: chúng là con trai, có sao đâu!

Nên chẳng ngạc nhiên khi sau này, hai cô em dâu của tôi khó hòa hợp với mẹ chồng. Em kể, đã vác thau đồ nặng tới chân cầu thang, chỉ ới chồng mang lên lầu giùm để phơi, mà mẹ tôi đã phản ứng. Rằng sao lại phải kêu réo chồng trong mấy việc nhỏ nhặt ấy! Các em trai tôi, muốn phụ giúp vợ chút chuyện nhà, cũng ngại ngần bởi quan niệm, mình là đàn ông, có nên không nhỉ? Hoặc sợ lỡ mẹ trông thấy, lại ồn ào nhà cửa. Thôi thì chọn cách mặc kệ vợ con loay hoay với mấy cái việc "vặt vãnh đàn bà"…

Để rồi, cũng chính mẹ tôi thi thoảng kể chuyện đời mình, lại buột miệng than, bố tôi ít biết đỡ đần. Cả đời mẹ phải xoay xở vun vén một mình, nghĩ mà tủi thân. Tôi nhân cơ hội vàng ấy, đã tỉ tê khuyên mẹ, đừng để các con trai mình đi theo nếp nhà của bố, luôn thờ ơ coi nuôi dạy con, chăm sóc tổ ấm là chuyện của riêng phụ nữ. Mẹ tôi chỉ im lặng, thở dài. Có lẽ mẹ cũng hiểu, mọi thứ chắc đã khá muộn màng. Khi cậu con trai lớn lên trong môi trường luôn thấy mẹ và chị em gái phải cáng đáng tất cả, mặc nhiên hưởng thụ mọi sự phục vụ, thì mai này rất khó tự giác cùng vợ con việc gì...

Toi nghiep dan ong
Đàn ông làm việc nhà thì bình thường thôi, sao phải thương cảm? Ảnh minh họa

Tới lượt tôi, đã biết rút kinh nghiệm sâu sắc, khi dạy cả con trai con gái biết tự chăm sóc bản thân, chia sẻ trách nhiệm với nữ giới. Thế nhưng, tôi cũng có khi bất công với con gái mình, khi buông lời: “Là con gái, con phải nhường em chứ”. May mà tôi thường kịp thời nhận ra và điều chỉnh. Chính chúng ta, những người phụ nữ sẽ quyết định bình đẳng mai này, nếu chịu khó bắt đầu từ chuyện tưởng đâu bé mọn: dạy dỗ các cậu con trai…

Để ý mà xem, chẳng phải khi chị em đi làm vẫn hay giành làm hết các “việc của đàn bà” trong cơ quan, để các ông không phải nhúng tay vào đó sao? Chẳng phải chúng ta vẫn nhắc nhau, đừng để các ông ấy phải tay xách nách mang hay ẵm con nơi công cộng, mặc nhiên coi đấy là bổn phận của các bà mẹ. Xã hội bao giờ mới khác được nhỉ? Khi tôi và bạn, những phụ nữ vẫn tự tin cho rằng mình hiện đại, tiến bộ, luôn hô hào kêu gọi bình đẳng, mà nhất thời vẫn không thoát được thói quen lẫn suy nghĩ vô cùng “cổ điển” và “truyền thống”. Kiểu như, để đàn ông phải làm việc nhà là sự thiệt thòi hoặc đáng xấu hổ của họ. Rằng mẹ của bọn trẻ đâu mà để cha phải vất vả giữ con thế này? 

Như để sửa chữa cho sự ngớ ngẩn vừa rồi của mình, bạn tôi chép miệng kết luận: “Chúng ta khéo thương vay khóc mướn. Đâu có gì mà phải tội. Con của mấy ông thì mấy ông đưa rước là chuẩn rồi!”. 

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI