Bản Lác thuộc xã Chiềng Châu, H.Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đó là thung lũng đẹp như tranh, cách Hà Nội 135km. Theo các già làng, bản Lác được hình thành từ thời nhà Trần - thế kỷ XIII, chủ yếu sống bằng nghề lúa nương và dệt thổ cẩm. Người Thái ở bản Lác là Thái trắng với các dòng họ: Hà, Lò, Vi, Mác, Lộc.
Hè 2011
Lần đầu tiên, tôi đưa khách đến bản Lác. Dù đã đọc, đã nghe nhiều vẫn ngạc nhiên. Lúc đó bản Lác là homestay mẫu mực về đặc trưng văn hóa và sinh thái thuần Việt với “năm không” ấn tượng: không ăn xin, không bán hàng rong, không nhậu nhẹt, không karaoke, không trộm cắp. Nửa đêm trăng tràn vào cửa sổ, tôi giật mình thức giấc, cùng trăng rảo chơi quanh bản. Trong bảng lảng sương giăng, các cửa hàng vẫn y nguyên như ban ngày. Không có cửa để đóng, cũng không có tủ bỏ hàng. Cứ tự nhiên trưng bày. Bản không có chỗ cho lòng tham, sự đố kỵ và những toan tính hẹp hòi.
Du lịch là nguồn thu chủ yếu mang đến sự sung túc cho bản. Nhiều nhà sắm được xe hơi nhưng không để dưới nhà mà phải gửi vào bãi. Xe chủ, xe khách đều vậy. Bản làm du lịch kiểu gia đình nhưng rất khoa học. Chủ nhà cũng là nhân viên phục vụ, đầu bếp và cả diễn viên. Con trai con gái trong bản hiếu khách, giỏi nấu ăn, hát hay, múa dẻo. Sau bữa ăn chiều, loáng cái, như có phép lạ, các nhân viên phục vụ hóa thành những diễn viên múa xòe, múa sạp, múa cồng chiêng, giã gạo, đợi bạn, hát “khap tay”... lúng liếng đưa tình. Ngoài tiếng Việt và tiếng Thái - gần giống tiếng Thái Lan và Lào, nhiều người ở bản còn nói được tiếng Anh, Pháp, Hoa.
Đến bản Lác, người Việt có thể tự hào về loại hình homestay của mình. Chỉ có điều băn khoăn là bắt đầu thấy hàng Trung Quốc trà trộn trong các cửa hàng. Từ túi xách, búp bê đế n đồ chơi đủ loại. Phải giữ được sự thuần khiết của hàng lưu niệm Mai Châu trước khi quá muộn. Tôi cứ nhớ mãi lần bị nhắc nhở vì nghe điện thoại. Đang biểu diễn văn nghệ, tôi có điện thoại rung. Đi xa cách 10m nghe điện thoại vẫn bị đuổi vì làm khách phân tâm. Bị phê bình mà tâm phục và mừng cho du lịch Việt Nam. Bản chưa có wifi nên các máy móc hiện đại hiếm thấy khách sử dụng. Ăn thường phải đặt trước vì chủ nhà không có tủ trữ thực phẩm.
Khách ngủ trên nhà sàn, có chiếu với mùng đơn từng người, từng cặp hoặc tập thể kiểu từng người sát vào nhau cho ấm. Có rúc rích chuyện trò thì sau 22g cũng phải im lặng để không làm phiền người khác. Đồ đạc cứ để ngay chỗ ngủ. Khăn tắm, bàn chải, dầu gội khách phải tự lo. Nhà tắm chung với bồn cầu, hơi bất tiện nhưng có sao dùng vậy. Do được trải nghiệm nhiều điều thú vị, mọi người dễ bỏ qua những thiếu thốn tiện nghi. Về Sài Gòn, đi đâu, tôi cũng quả quyết: “Bản Lác, Mai Châu còn hơn cả homestay các nước”.
5 năm sau
Chủ nhật ngày 24/4/2016, tôi trở lại bản Lác và ngạc nhiên đến sững sờ. Ngay đầu bản, xe điện tấp nập, nhộn nhịp khách ăn uống. Đồ lưu niệm và hàng hóa tràn từ trong nhà ra sân, toàn của Trung Quốc. Mấy cô gái đi phượt thuê đồ, giả làm người dân tộc nhí nhố chụp ảnh tự sướng. Những anh chị Tây ba lô và ta ba lô ồn ào bên bàn nhậu hoặc nghênh ngang bàn tán. Nhà nào cũng homestay, cũng nhà hàng… Đúng là du lịch ba lô chính hiệu, giống như mấy chợ trời.
Nhà cửa bề ngoài có vẻ khang trang hơn trước nhưng vào trong thì hỡi ôi, nhà nào cũng có dàn karaoke hoành tráng. Nhà này thi với nhà kia, ai cũng muốn âm thanh nhà mình oai nhất. Vẫn chiếu, mùng cũ kỹ, thêm vài tấm nệm mỏng cuộn tròn, ngai ngái mùi ẩm. Cả nhà sàn mênh mông chỉ vài ổ cắm điện. Nhà vệ sinh vẫn vậy, chật chội, nhà tắm chung bồn cầu và bí rị. Cô sơn nữ xinh đẹp, sắc sảo, lịch lãm ngày nào giờ luộm thuộm, nhếch nhác đến thảm hại.
Đêm xuống, các nhóm sinh viên, du lịch phượt… tập trung theo từng cụm, đốt lửa trại, ca hát nhảy múa đủ các loại hình thập cẩm, từ ca múa dân tộc đến rap, disco, múa xòe… thi nhau vang động cả góc trời đến tận 24g. Nhiều hộ dân kêu ca vì nếp sống bị đảo lộn. Nhưng cũng khó làm khác vì đó là dịch vụ mang lại lợi nhuận cho họ.
Hỏi thêm thông tin, càng ngỡ ngàng vì giá chỗ ngủ qua đêm chỉ 20.000đ mỗi người, bèo hơn cả lều trại ở mấy khu dã ngoại. Nghe nói, có khi còn giảm xuống 15.000đ để cạnh tranh. Chủ yếu là thu từ nguồn ăn nhậu. Giá như vậy làm sao có chất lượng, làm sao cải thiện chỗ ngủ? Bản Lác giờ ngày thường vắng hoe. Cuối tuần mới nhộn nhịp nhưng toàn khách ba lô và dân phượt. Khách các tập đoàn lớn, các công ty lữ hành tên tuổi đều qua hết các CBT (community based tourism - du lịch cộng đồng) homestay gần đó.
Nhà sàn của CBT không đẹp bằng nhưng dịch vụ một trời một vực. Giá lưu trú qua đêm 80.000đ/người nhưng có nệm và gối như khách sạn, drap giường và khăn tắm sạch sẽ. Từng chỗ ngủ có màn ngăn cách. Nhà vệ sinh thoáng mát, sạch đẹp, chuẩn ba sao. Khách đến là có welcome drink tươm tất. Toàn khách đoàn các công ty lớn. Nghĩ mà thương cho homestay bản Lác.
Bài học đắt giá
Đó là sự buông lỏng quản lý. Người dân bản Lác cứ mạnh ai nấy làm. Khi cung vượt cầu thì xuất hiện tình trạng giảm giá để giành khách. Giá giảm dưới giá thành, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm dịch vụ tối đa để cân đối. Các chủ hộ từ bỏ những giá trị độc đáo từng làm nên thương hiệu bản Lác,“năm không” thành “năm có”, xô bồ và nhếch nhác.
Không có loại hình lưu trú nào có thể phục vụ mọi loại khách. Vì cái lợi nhỏ trước mắt, các chủ nhân homestay đã tự làm hại mình và cộng đồng, không dám từ chối những đòi hỏi vô lý của một số khách hàng. Hậu quả là được lòng mấy khách quậy nhưng mất cả trăm khách cần yên tĩnh. Cũng khó trách người dân vì bản chưa có quy hoạch homestay. Chuẩn homestay hiện nay cũng rất chung, mỗi người hiểu một cách. Cũng không thể trách du khách vì đó là tính cách, với lại luật pháp đâu có cấm.
Có cách gì giúp bản Lác trở lại như xưa? Quá khó và tốn kém. Làm sao đồng loạt dẹp được các dàn máy karaoke? Làm sao nâng cấp đồng bộ dịch vụ? Đưa xe hơi và xe điện ra khỏi bản? Làm sao quét được hàng lưu niệm Trung Quốc? Làm sao dẹp được nạn ăn nhậu?… Điều này chỉ có thể giải quyết từng bước với sự quyết tâm và đồng lòng của Nhà nước lẫn người dân. Làm gì cũng cần có quy hoạch và chuẩn mực, du lịch lại càng phải nghiêm túc.
Bài học bản Lác là lời cảnh tỉnh cho các địa phương đang loay hoay tìm cách phát triển du lịch homestay. Xin đừng bao giờ lặp lại!
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.