Tôi nghĩ gì về Indonesia?

22/06/2017 - 08:32

PNO - Tôi - một cô gái 20 tuổi đã tìm đến Surabaya với tâm thế háo hức như đứa trẻ lần đầu đến trường.

Indonesia trong lòng đa số người Việt Nam là gì? Bali, Jakarta, đất nước vạn đảo hay Hồi giáo… Với bản tính liều lĩnh “không sợ chết” đặc thù của tuổi trẻ, lại sinh ra vào thời đại của xu hướng công dân toàn cầu, tôi - một cô gái 20 tuổi đã tìm đến Surabaya với tâm thế háo hức như đứa trẻ lần đầu đến trường. 

Toi nghi gì ve Indonesia?
 

Trước khi sang đây, tôi từng ấn tượng trước một bức ảnh đoạt giải khá cao của một cuộc thi nhiếp ảnh uy tín quy mô quốc tế. Đó là một bức ảnh trắng đen được chụp tại núi Bromo, sáng bừng lên giữa bức ảnh đơn giản là một người dắt ngựa và con ngựa của ông ta. Đó là động lực lớn thôi thúc tôi đến với ngọn núi nổi tiếng này, để được tận mắt thấy, được cảm và tìm ra một điều gì đó đằng sau khoảnh khắc của bức ảnh đầy ám ảnh kia. Và quả thật, tôi đã tìm ra “điều đó”.

Đó là những số phận bươn chải mỗi ngày giữa cái lạnh se se của vùng núi, cái thở nặng nhọc của tuổi tác và gánh nặng mưu sinh dồn xuống mỗi bước chân người dắt ngựa lên dốc. Là quãng thời gian ngắn ngủi tầm vài phút để người và ngựa cùng nghỉ ngơi, là chuyến đường lên dốc núi nhọc nhằn nhưng sợi dây kết nối vô hình giữa người và ngựa đã xóa nhòa tất cả. Tất cả ghi dấu trong tôi với những ấn tượng rất chân thật như chỉ mới xảy ra hôm qua.

Và trên hết, chuyến đi ấy là một bài học lớn về cách hòa mình cùng từng nhịp thở khe khẽ của cuộc sống, thả lỏng để tâm hồn nhạy cảm hơn trước từng nỗi niềm của người khác, kể cả những người tôi chưa từng quen và không biết tôi là ai. 

Và, điều tuyệt vời nhất mà tôi nhớ mãi về Indonesia chính là vẻ đẹp trong nếp sống - tuy giản dị mà tinh tế. Lần ấy, tôi đi dạo trong một khu chợ cùng với một nhóm bạn từ nhiều nước khác nhau. Sau khi mua phần mình xong, tôi lặng lẽ quan sát những anh bạn, cô bạn đang tỉ mỉ lựa chọn và… trả giá cho từng món quà lưu niệm. Bất chợt, tôi muốn kể lể đôi chút:

“Ở Việt Nam, khi biết ai đó sắp đi du lịch, bạn bè hay người thân của họ thường nói câu: “Về nhớ mua quà nhé!”, nhưng thực chất câu nói đó không có ý vòi quà, mà chỉ là một cách nói khác của “thượng lộ bình an” thôi!”.

Những người bạn ồ à và gật gù. Thế rồi, một cô bạn Indonesia tiếp lời:

“Còn ở Indonesia của mình, việc tặng một món quà lưu niệm được mang về từ một đất nước nào đó được coi là sự khuyến khích cho người nhận quà rằng một ngày nào đó, họ sẽ đặt chân đến đất nước đó”.

Thảo nào mà tôi thấy có mấy người bạn Indonesia của mình thường được bạn bè của họ tặng một món quà tinh thần: viết dòng chữ “(Tên) was here” lên một mẩu giấy nhỏ và chụp mẩu giấy đó với phông nền là một địa điểm nổi tiếng của đất nước mà người bạn đó đang đi du lịch. Thì ra, văn hóa quà lưu niệm của người Indonesia là “khuyến khích”.

Rồi, trước câu trả lời của cô bạn Indonesia nọ, tôi nghiệm lại bản thân mình. Trước đây, tôi thường tỏ ra khó chịu với câu “đi nhớ mua quà” từ những người bạn của mình. Nhưng sau này, tôi nhận ra rằng, với người Việt, “đi nhớ mua quà” nghĩa là “thượng lộ bình an” và “quà của tao đâu?” khi thấy mặt mình vừa “chường” về Việt Nam ngầm chứa sự quan tâm: “Về rồi đấy à?”. Vậy, văn hóa quà lưu niệm của Việt Nam là “quan tâm”.

Nói về cái duyên với Indonesia thì có lẽ sẽ dài bằng cả một quyển tự truyện, bởi những giá trị mà đất nước này đã mang lại cho tôi là không đong đếm được. Nhưng trên tất cả, Indonesia giúp tôi tìm ra một phần của chính mình, thay đổi tư duy, giúp tôi trưởng thành hơn và thấm thía cái tình người ấm áp mà đất nước này đã mang lại cho tôi qua từng điều nhỏ bé, giản đơn nhất.

Vĩnh Trinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI