Tôi nghẹt thở vì phải sống với người vợ tằn tiện quá mức

12/12/2018 - 19:05

PNO - Tôi khuyên vợ, biết sống tiết kiệm là tốt nhưng quá chi li, tính toán đến mức bần tiện là không nên. Nhưng cô ấy gần như không có một sự thay đổi nào.

Vợ chồng tôi lấy nhau hơn 20 năm, con trai đầu đã tốt nghiệp đại học còn con út đang học năm nhất. Về kinh tế, gia đình tôi thuộc vào hàng khá giả. Hai bên gia đình nội ngoại đều thành đạt nên không phải hỗ trợ gì.

Hai vợ chồng có mức lương cao cộng với tiền cho thuê nhà, hàng tháng thu nhập không dưới 50 triệu. Nói rõ như thế để biết gia đình tôi không phải khó khăn nhưng vợ tôi lại sống cực kì tằn tiện.

Toi nghet tho vi phai song voi nguoi vo tan tien qua muc
Vợ chỉ muốn tiền thu vào chứ không muốn chi tiền ra. (Ảnh minh họa)

Thà rằng cô ấy xuất thân trong hoàn cảnh nghèo khó, đằng này, bố vợ từng làm giám đốc, vợ sống sung sướng từ nhỏ. Đến khi lấy tôi, kinh tế vững vàng, không phải lo lắng gì.

Dù biết tiết kiệm là tốt nhưng đến mức chi li tính toán từng đồng lại rất mệt mỏi. Dường như vợ chỉ muốn tiền thu vào mà không muốn chi ra. Bao nhiêu tiền, vợ đều gửi tiết kiệm vào ngân hàng còn lại chi tiêu dè sẻn từng đồng.

Hầu như chăn gối nệm và đồ đạc trong nhà đã dùng mấy chục năm, vợ cũng không chịu thay. Chiếc chăn rách bươm vẫn cố gắng đắp cho đến khi tôi lén đem vứt mới mua cái mới.

Nồi niêu, bát đũa, ấm chén cũng vậy, toàn những thứ cũ rích vẫn đem dùng. Trong khi đó, mỗi lần hội nghị khách hàng, các doanh nghiệp tặng rất nhiều đồ dùng gia đình, tôi mang về cô ấy lại đem cất hết vào kho.

Tôi thật sự xấu hổ khi khách đến nhà mà một bộ ly uống nước cũng có tới năm, bảy loại. Chuyện ăn mặc cũng thế, nhiều lúc cần vợ đi “ngoại giao” cùng nhưng nhìn cách ăn mặc quê kệch tôi lại không dám. Áo quần tôi chủ yếu được biếu, tặng hoặc tự mua chứ vợ ít khi mua sắm cho.

Điều tôi ngán nhất là vì tính toán quá chi li nên vợ làm nhiều người ái ngại. Như hôm chúng tôi chuyển nhà thay vì thuê dịch vụ trọn gói, vợ lại nhờ mấy anh em trong công ty đến giúp.

Họ làm xong cũng chỉ cảm ơn suông chứ không mời đi ăn uống gì. Tôi thấy ngại mới mời họ đi ăn bữa trưa ở quán. Vợ thấy thế dấm dẳng đòi đi cùng. Đến lúc gọi món, tôi muốn mỗi người chọn một món nhưng vợ cứ tranh quyền “đi chợ”.

Vợ chọn toàn những món rẻ nhất, ăn mà chẳng thấy ngon. Có lẽ biết ý nên mọi người đều xin phép về trước. Tôi thấy bẽ mặt trong khi vợ càu nhàu: “Biết ăn uống tốn kém thế này thì thuê dịch vụ còn hơn”. Mỗi lần nhà có việc cần phải mời khách tới ăn là một cực hình với tôi. Bởi vợ nấu rất ít đồ ăn và toàn những món bình thường. Nhìn qua, giữa mâm không có gì để mời cả.

Toi nghet tho vi phai song voi nguoi vo tan tien qua muc
Vì cách sống của vợ mà các mối quan hệ cứ thu hẹp dần. (Ảnh minh họa)

Có lần, biết tính vợ như thế nên tôi có mua thêm một số món ngon về dọn. Cứ đinh ninh trong bụng bữa cơm đó sẽ đỡ hơn. Nhưng vợ chỉ dọn ra một phần nhỏ, phần còn lại cất trong tủ lạnh ăn dần mà lại thái quá mỏng và quá nhỏ khiến chẳng ai dám đụng đũa. Nhìn dĩa thức ăn ít ỏi, không đủ một người ăn mà tôi chán ngán.

Hầu như người quen đều biết tính của vợ như thế nên chẳng ai muốn đến chơi. Nhiều khi tôi muốn mời bạn bè về nhà ăn cơm thân mật nhưng lại sợ xấu hổ. Bởi thế, có việc gì, tôi đều lặng lẽ mời khách ra nhà hàng, tự chi trả để giữ các mối quan hệ.

Sống với nhau 20 năm, tôi thực sự cảm thấy tù tùng, các mối quan hệ cứ thu hẹp dần vì cách sống tằn tiện của vợ. Chuyện vợ đi chợ trả giá quá thấp, mua quá ít ỏi hay xin thêm thứ này thứ kia trở thành chủ đề bàn tán của trong ngõ ngoài xóm.

Đi đâu nghe nhắc đến tên vợ, mọi người đều biết đó là “điển hình” của tính chi li, tằn tiện. Bởi thế, khi nhà tôi bị trộm đột nhập, mọi người không mấy cảm thông mà còn hả hê bảo: “Phải thế cho của nả đi bớt”.

Tôi góp ý với vợ, sống là phải biết hưởng thụ. Vả lại, người ta bảo: “xở lởi trời cho, so đo trời co lại”. Tính toán chi li, tằn tiện quá mức lại trở nên bần tiện chứ chẳng phải tiết kiệm. Nhưng hình như, mấy chục năm rồi, vợ vẫn chẳng có gì thay đổi cả còn tôi ngày càng cảm thấy nghẹt thở.

Duy Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI