Tôi nay ở trọ trần gian

24/08/2018 - 10:05

PNO - Mấy hôm nay, tin cô diễn viên M.P. bị ung thư khiến bao người xót xa. Rồi ai đó nói, cuộc sống này chỉ là chốn trọ thôi mà, còn cuộc sống khác ở một chốn nào đó, thênh thang hơn đang chờ phía trước.

Có lần tôi lang thang ngồi cà phê thật khuya để làm một đề tài xã hội. Ngồi cạnh tôi trong một góc quán ngay đường Pasteur (TP.HCM) là một cô gái trẻ, ăn mặc sành điệu, giày hai chiếc hai màu. Em ngồi một mình. 

Toi nay o tro tran gian
Sài Gòn như ngôi nhà lớn của bao người. 

Thật lạ là em không cắm đầu vào điện thoại như những người trẻ quanh đó. Tôi hỏi em “sao phải ở đây giờ này mà không về ngủ?”.

Em cười giòn, không trả lời mà hỏi lại tôi: “Sao chị không xem toàn thành phố này đâu cũng là nhà. Các bạn ngồi đây cũng vậy mà, nhà chỉ là một chỗ trọ như nơi nào đó, chỉ khác là ai ở cùng ba mẹ thì có thêm ba mẹ thôi”. Câu trả lời của cô gái khiến tôi suy nghĩ, phải chăng suy nghĩ của em đang đại diện cho một thực tế xã hội?

“Con ước gì mình đủ 18 tuổi, để ra ngoài đi chơi thật khuya mà không phải về nhà”, cô con gái 12 tuổi của tôi nói thế. Không phải vì con ghét bỏ gia đình, không phải vì con không yêu thương nhà mình.

Với con, được đi ra ngoài vật vạ đâu đó một đêm, mới chứng tỏ mình đủ tuổi trưởng thành. Đó là tâm lý của các bạn trẻ muốn cho cả thế giới này biết mình đã lớn, sành điệu, dám chơi, dám chịu. Họ coi nhà không là nơi để về, để tìm kiếm bình yên, mà có khi chỉ là chỗ để về thay một bộ quần áo, quăng đồ dơ vào sọt rồi đi tiếp. 

Họ có phải là những đứa trẻ hư hay không? Thưa rằng, không. Họ có học thức, có công việc đàng hoàng, ý thức được bản thân mình đang làm gì. Nhưng việc thoát ly khỏi gia đình mới cho họ cảm giác rằng họ hoàn toàn làm chủ cuộc đời. Điều này có gì “sai sai” với văn hóa Á Đông xưa nay xem gia đình là nền tảng phát triển.

Một thế hệ trẻ với khát khao thể hiện mình, chứng tỏ mình đủ sức tự lập, không lệ thuộc vào ngôi nhà cụ thể. Họ thích sống một mình, xem bốn bể là nhà. Thích tự thân, tự chăm sóc mình, không phải nhờ vả bất cứ ai. Lúc bấy giờ, nhà chỉ như quán trọ. 

Tôi cho một cô gái trẻ, Phi Yến - là nhân viên truyền thông của một công ty bảo hiểm - thuê căn phòng còn trống trong nhà. Thực ra, chỉ cần chạy thêm một đoạn nữa ra khỏi cầu Bình Triệu là đến nhà em, nhưng Yến không thích về nhà.

Yến dàn xếp với mẹ để dọn ra ở riêng. Mẹ Yến nói với tôi rằng: “Con bé chưa đủ trải nghiệm để biết nhà là nơi quan trọng nhất, chưa vấp ngã để thấy cần chạy về. Nhưng thôi, cứ kệ cho con được sống theo ý nó”.

Tôi thích cái ý của các cô gái trẻ, xem “cuộc sống này chỉ là chốn trọ”, nên cho dù là nhà mình hay là nơi nào đó, cũng chỉ là nơi ta ghé tạm qua và dừng lại một khoảng thời gian ngắn. Miễn sao trong khoảng thời gian ngắn đó, chúng ta kịp sống cho đúng ý mình, làm điều mình thích.

Toi nay o tro tran gian
Với nhiều bạn trẻ, bốn phương bốn bể đều là nhà, miễn ở đâu họ thấy hạnh phúc. Hình minh họa.

Mấy hôm nay, tin cô diễn viên M.P. bị ung thư giai đoạn cuối khiến bao nhiêu người xót xa. Họ xót xa vì tuổi đời của cô ấy còn quá trẻ. Rồi ai đó nói, cuộc sống này chỉ là chốn trọ thôi mà, còn cuộc sống khác ở một chốn nào đó, thênh thang hơn đang chờ phía trước.

Nói để xoa dịu chính mình. Để tin rằng, việc mình đến và đi trong cuộc sống này chỉ là tạm bợ, không luyến tiếc, không trách hờn. Chỉ là sống sao cho “đủ”, để mai mốt đến tuổi rời xa chốn trọ trần gian này, mọi thứ đã thật trọn vẹn. 

Nhà hay chốn trọ, rồi cũng chỉ là những khái niệm do chính chúng ta định nghĩa mà thôi. 

Nhật Linh

(*) Lời bài hát Ở trọ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI