|
Một góc tết Việt trường tôi tổ chức cho du học sinh |
Đối với tất cả những đứa con xa nhà, tôi nghĩ rằng tết và gia đình có lẽ là những điểm yếu mềm nhất trong lòng. Khi còn nhỏ, tôi không rõ tết là gì. Sau này lớn lên tôi mới hiểu rằng tết đơn giản là dịp đoàn viên, sum vầy bên gia đình. Từ đó, trong tôi, tết trở thành điều gì đó vừa thiêng liêng vừa xa vời. Mạng xã hội dịp tết cũng trở thành thứ tôi vừa mong chờ vừa sợ hãi mỗi khi mở ra xem. Tôi tò mò tết này mọi người làm gì, nhưng cũng lo rằng mình sẽ ganh tị.
Những năm du học, tôi cũng đã thấy những người như tôi, đau lòng và rơi lệ nhớ nhà khi không được về, không được gặp gia đình trong một khoảng thời gian dài. Họ biết người thân tóc ngày càng bạc, da ngày càng nhiều nếp nhăn, và sợ hãi nhìn người thân sắp rời xa, đôi khi còn không thể nói lời tiễn biệt cuối cùng. Họ mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, họ xoay xở để sống ở một đất nước xa lạ, muốn về thăm nhưng không có tiền, bận bịu với trăm công nghìn việc.
Chỗ tôi giờ đây cũng đã có bánh Danisa (hãng bánh ngày tết tôi thích nhất), có bún bò Huế, có bao lì xì, có pháo hoa, nhưng nó sẽ mãi mãi không bao giờ là cái tết như trong trí nhớ của tôi. Đã là cái tết thứ 5 xa quê, tôi mạnh miệng nói rằng mình quen rồi, nhưng tôi biết tôi cũng sẽ thổn thức. Thổn thức khi ngâm nga theo những bài nhạc tết, thổn thức khi tôi bỗng thấy như ngửi được mùi đồ ăn Việt Nam, thổn thức khi thấy những người cũng xa nhà như tôi mua được vé máy bay về ăn tết.
Dạo trước tôi thấy trên mạng xã hội, có một người chỉ ra một điểm rất hay, nếu đã sinh sống ở nơi xa, hãy tạo ra cho bạn những truyền thống mới vào các dịp lễ. Những người bạn bên này, chúng tôi vì không muốn mình rảnh để rồi buồn, nên chúng tôi vẫn đi làm chăm chỉ trong cái giá rét mùa đông, vẫn hẹn nhau ăn những bữa cơm mừng năm mới, vui vẻ tặng nhau những bao lì xì mừng tuổi. Nhưng chúng tôi rồi sẽ thật cố gắng thu xếp mọi thứ để chờ một cuộc gọi về gia đình chúc tết vào ngày mùng Một, sẽ mỉm cười nhìn gia đình và họ hàng sum họp với nhau, để lại những nỗi niềm và giọt nước mắt cho riêng mình.
|
Tác giả đã đón cái tết thứ 5 xa quê |
Năm trước tôi chợt nhận ra có một điều khiến tôi rất sợ hãi. Tôi đọc một quyển sách, nhân vật trong sách sắp chết. Và rồi tôi tự hỏi, nếu như tôi cũng có chuyện thì khi đó tôi muốn làm gì nhất? Có lẽ tôi sẽ khóc lóc xin gọi về cho gia đình, nhờ ba mẹ quay từng góc trong nhà, trò chuyện với ông bà và người thân.
Rồi ai sẽ nhận ra việc tôi không còn nữa? Có lẽ nơi làm việc sẽ khai trừ tôi vì tôi trốn việc và họ không liên lạc được. Ai sẽ buồn? Ba mẹ tôi chắc chắn sẽ buồn. Ông bà, người thân và bạn bè sẽ buồn. Mọi người sẽ buồn bao lâu? Ai cũng sẽ có một cuộc sống phía trước mà họ phải cố gắng mỗi ngày.
Nếu như tôi được hoá thành linh hồn, chắc tôi sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng, rất muốn bay về với mái nhà xưa. Nhưng tôi phải đi hướng nào mới được? Nó xa xôi như thế, trái đất rộng lớn như vậy. Nếu về được đến nhà, tôi sẽ muốn lại mở cửa bước vào nhà như những ngày xưa đi học về, la thật lớn: “Thưa ba mẹ con mới về”. Tôi sẽ nhìn thấy bàn học mà ngày ngày tôi làm bài vẽ vời ở đó; thấy phòng ngủ 3 chị em cùng đùa giỡn, cùng nhau ngủ; thấy phòng ăn với những bữa cơm mẹ nấu, những buổi đoàn tụ gia đình; sẽ thấy ba đang phụ lau dọn nhà cửa.
Và tôi nhận ra, không, tôi không cam tâm, tôi còn chưa về mà, sao mà có thể như thế được! Thời gian đang dần trôi, dịp để cả nhà đoàn tụ sẽ ngày càng khó. Vậy nên, tôi chúc cho tôi và cả những người con xa nhà, trong một tương lai gần nhất sẽ được về Việt Nam ăn một cái tết đoàn tụ cùng người thân.
“Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền
con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương...”.
Nguyễn Thanh Mai
(Halifax, Nova Scotia, Canada)