Tôi muốn ly hôn người chồng lương cao, nhưng không mua được quần áo giày dép cho vợ

28/11/2022 - 20:01

PNO - Lương hưu của một người lớn tuổi, theo chị là cao, nhưng Hạnh Dung nghĩ chắc cũng không quá cao đến mức có thể chiều chuộng những mong muốn quá xa xỉ.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và chồng cả hai đều đã đổ vỡ hôn nhân, rồi qua mai mối chúng tôi đến với nhau và có đăng ký kết hôn. Nhưng trong quá trình sống với nhau, chồng rất ích kỷ. Lương quân đội về hưu cao, nhưng chồng tôi chỉ cho tôi được ngày ba bữa cơm no. Muốn mua quần áo hay giày dép phải nhờ người khác nói giúp.

Tôi muốn ly hôn đơn phương thì quyền lợi của tôi thế nào?

Vuong Thị Minh Chung

Chị Vương Thị Minh Chung thân mến,

Chat với Hạnh Dung là chuyên mục dành cho việc trò chuyện, hỏi đáp về tâm lý tình cảm hôn nhân gia đình. Câu hỏi của chị lại là về những quyền lợi khi ly hôn, những vấn đề này chị nên tìm tới các luật sư thì sẽ được giúp đỡ tốt hơn. 

Quyền lợi là một vấn đề lớn và quan trọng, cần được giải quyết một cách rạch ròi, rõ ràng và đảm bảo tính công bằng, chính xác. Để được như vậy, chỉ có các luật sư mới có thể tư vấn được cho chị, căn cứ từ khá nhiều vấn đề, như những thỏa thuận có trước đó, những đóng góp của hai người vào cuộc hôn nhân chung...

Tuy nhiên, vì chị đã "đi lạc" vào chuyên mục của Hạnh Dung, nên Hạnh Dung ngoài việc chỉ dẫn chị đi lại cho đúng đường, cũng xin được có vài lời chia sẻ, hầu mong giải tỏa bớt những điều chị ấm ức về một người chồng theo chị là ích kỷ.

Hạnh Dung không biết trước khi gặp anh và được giới thiệu cho anh, chị có đặt ra mục đích hôn nhân của mình hay không? Những điều kiện về ăn uống, quần áo giày dép chị có đưa ra cho anh biết hay không? Những vấn đề về kinh tế chung và riêng của hai người có được đề cập tới hay chưa? Nghĩa là chính chị có đóng góp gì vào cuộc sống chung của hai người hay không?

Theo Hạnh Dung hiểu, hôn nhân thông thường là sự gắn bó của hai con người, để có thể sống bên nhau, cùng giúp đỡ nhau, cùng mang lại cho nhau niềm vui, hạnh phúc, sự ấm áp, cảm giác an toàn, vững chắc... Chứ không đơn giản là chuyện cho nhau ăn ngày ba bữa hay mua sắm cho nhau cái quần, cái áo.

Huống hồ là trong thời đại hiện nay, với đại đa số gia đình dù trẻ hay già, vợ chồng thường cùng có nghĩa vụ đóng góp của mình, cả về tình nghĩa, tình cảm, lẫn nghĩa vụ về kinh tế. Khi một trong hai có khả năng kinh tế yếu hơn, ít hơn, thì việc người còn lại chu toàn tất cả cho người kia thì phải trên cơ sở khả năng của họ, sự tự nguyện của họ, và tình cảm của họ.

Nếu như chị có những mục đích, mong muốn, đòi hỏi khác hơn từ việc kết hôn, nghĩa là với chị đơn giản chỉ là anh phải dùng tất cả lương hưu để nuôi chị không chỉ ăn no ngày ba bữa, mà còn phải mua sắm quần áo, giày dép cho chị, thì có phải là hơi làm khó cho anh hay không?

Lương hưu của một người lớn tuổi, theo chị là cao, nhưng Hạnh Dung nghĩ chắc cũng không quá cao đến mức có thể chiều chuộng những mong muốn quá xa xỉ.

Bởi với người lớn tuổi, ngoài chuyện chi dùng ăn uống cho ít nhất là hai người (anh và chị), còn có nhiều việc khác như chăm sóc cho sức khỏe bản thân, dành dụm cho những lúc đau ốm tuổi già, hay đồng quà tấm bánh cho con cháu, ly cà phê với bạn bè... Không biết chị có nhìn được hết mọi vấn đề khó khăn của anh để mà thông cảm cho anh?

Tất nhiên, khi chị đã đặt ra mục đích hôn nhân là có được tất cả những điều kiện vật chất kia, và đã nói trước, yêu cầu trước với anh, bây giờ anh không đáp ứng được, thì có nghĩa là "mục đích hôn nhân của chị không đạt được", chị có quyền nghĩ tới việc ly hôn, có quyền đi tới luật sư, tòa án để được đòi hỏi, tranh chấp...

Tuy nhiên, Hạnh Dung nghĩ rằng, hai người già đến với nhau trong tuổi xế chiều là để có được sự yên ấm. Chia tay nếu hôn nhân không thể đạt được mục đích của mình, thì cũng mong có sự nhẹ nhàng, tôn trọng, để lại bình an cho nhau. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI