Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi và chồng bằng tuổi nhau, 38 tuổi. Chúng tôi cùng chỉ là người đi làm thuê, và công ty chúng tôi làm việc đều là những công ty nhỏ. Nhưng dù nhỏ và ít người, công ty cũng vẫn phải có những vị trí bắt buộc, nên chồng tôi được gắn chức danh giám đốc, dù lương của anh chỉ có hai mươi mấy triệu đồng.
Thế nhưng chồng tôi rất tự hào với chức danh đó. Nó khiến anh thấy mình thuộc đẳng cấp cao trong xã hội. Nhiều lần anh có khả năng có công việc ở những nơi khác, lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn, nhưng anh đều từ chối vì tiếc cái chức danh giám đốc in trên danh thiếp.
Anh nói với tôi rằng công ty hiện nay dù không có lương cao như nơi khác, nhưng đang trên đà phát triển, và nếu nhân viên trung thành, hết lòng, thì sẽ có lúc được đền công xứng đáng.
Nếu chỉ là chuyện danh hão thì tôi còn có thể chịu được, nhưng điều làm tôi tức giận nhất là anh luôn muốn gia đình tôi phải sống sao cho xứng cái danh giám đốc đó.
Anh đua đòi theo kiểu sống của các giám đốc khác mà anh nhìn thấy, như là nhà phải có quầy rượu, có tủ đựng rượu, có ly cốc pha lê uống rượu và phải luôn luôn có vài chai rượu mạnh.
Thỉnh thoảng anh thích mời khách đến nhà, muốn tôi phải nấu những món ăn kiểu tây, ăn bằng muỗng nĩa, tráng miệng bằng kem hay bánh ngọt. Đi tiệc cưới hay họp mặt bạn bè, anh nhất định không chịu đi xe máy, mà đòi đi taxi, dù đoạn đường gần không đáng phải bắt xe, hay xa đến mức tiền taxi còn hơn tiền mừng đám.
Mới đây nhất, anh đòi mua xe hơi dù chúng tôi còn đang trả nợ mua nhà. Tôi biết anh bắt đầu nghĩ đến chuyện này vì có lần đến cuộc họp lớp, bạn bè trêu anh là giám đốc mà đi Grab, nhìn không sang trọng.
Tôi không đồng ý vì nếu mua xe, cộng cả tiền nhà, tiền xe thì đời sống sẽ vô cùng chật vật. Rồi mỗi tháng, tiền gửi xe tới 2 triệu đồng cũng là khoản lớn... Nhưng anh nhất định nói phải mua, không thể để cho bạn bè coi thường khinh rẻ mình được. Anh nói sẽ mượn tiền tiết kiệm của ba má anh để trả.
Tôi nghe vậy càng phản đối, vì ba má anh cũng không giàu có gì, sống bằng lương hưu, chỉ có ít tiền gửi ngân hàng để lo cho tuổi già, phòng khi bệnh tật. Vợ chồng tôi cũng chẳng lo gì được cho ông bà, lại mượn tiền ông bà thì rất khó coi. Vả lại mượn thì cũng phải trả, phải trả cả lãi ngân hàng cho ông bà, chứ không thể lờ đi được.
Chồng tôi từ đó mà gây thành chuyện lớn, nói rằng tôi không làm được câu "Giàu vì bạn, sang vì vợ". Anh đã tự lo mọi việc, không mong gì sự giúp đỡ của tôi, mà tôi còn phản đối chỉ vì ích kỷ, muốn sống bình thường, không phấn đấu gì, tới đâu thì tới. Rằng anh mua xe thì cả nhà cùng hưởng, con cái được đưa đón đi học an toàn và giữ gìn sức khỏe, thỉnh thoảng cả nhà còn đi chơi xa....
Quá tức giận, tôi tuyên bố rằng nếu anh tự ý mua xe hơi thì tôi sẽ ly hôn với anh, vì tôi không muốn gánh quá nhiều khoản nợ do tính sĩ diện hão của anh. Chỉ vì chuyện này mà vợ chồng tôi cãi nhau suốt cả tuần nay, và tôi thấy anh vẫn đang tiến hành việc tìm mua chiếc xe vừa ý, thấy anh đã hỏi ba mẹ anh mượn tiền, và mẹ anh mới gọi hỏi tôi về chuyện này.
Tôi không biết có nên nói ba mẹ anh đừng cho anh mượn tiền hay không? Và nếu anh cứ nhất định mua xe hơi bất chấp ý kiến của tôi, thì tôi có nên giữ lời mà ly hôn với anh hay không?
Vì nếu tôi không làm như mình tuyên bố, sẽ bị anh coi thường, và sau này chắc sẽ còn lấn lướt, coi thường tôi hơn. Còn nếu ly hôn thì tôi cũng thật sự không muốn gia đình phải ly tán, con cái phải chia lìa vì chuyện này. Xin chị Hạnh Dung góp ý.
Bích Ngọc
Chị Bích Ngọc thân mến,
Thật ra hiện nay, việc một gia đình có từ hai con trở lên mua một chiếc xe đã không còn là việc quá khó, nặng nề hay là xa xỉ như trước kia, nhất là khi cả hai vợ chồng có tài chính ổn định. Đúng như anh nói, điều đó cũng hết sức phù hợp với nhu cầu gia đình của anh chị, khi cả nhà có phương tiện đi lại an toàn, thuận tiện, hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe và phục vụ cho những nhu cầu nâng cao chất lượng đời sống của gia đình.
Có thể khẳng định một điều rằng, ly hôn khi cả hai đều tính toán, suy nghĩ cho gia đình, cho các con, một người muốn mua xe vì các con, người kia vì lo kinh tế gia đình, thì quả thật là buồn cười. Lại còn buồn cười hơn khi quyết định ly hôn chỉ vì tự ái, vì ngượng "đã tuyên bố rồi mà không dám làm"!
Khi quyết định mua xe, anh có thể có nhiều lý do riêng, mà trong đó, lý do vì gia đình không phải là không có thật, như chị đổ tội cho anh. Và ngay cả lý do vì công việc, vì bộ mặt của chính mình thì cũng không phải là sai trái, nếu anh cũng đã có những phương án vay tiền, tự lo của riêng anh, không yêu cầu, đòi hỏi chị phải chịu trách nhiệm.
Mâu thuẫn trong gia đình chị lúc này, đằng sau lý do vì chuyện chiếc xe hơi, thì là điều mấu chốt lớn hơn: cách bàn bạc, thống nhất, lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của nhau. Là việc cả hai bên đôi khi phải biết chấp nhận tôn trọng những mong muốn riêng của nhau ở một chừng mực nhẹ nhàng: "Anh (hay em) nếu đã quyết tâm thì sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều đó nhé", và âm thầm, giúp đỡ người kia trong khả năng của mình.
Riêng về phần ba mẹ anh, khi hỏi ý kiến chị, là ông bà đã muốn biết nghĩa vụ và trách nhiệm của cả hai trong việc mượn khoản tiền duy nhất của ông bà. Chị cũng chẳng nên im lặng, ngó lơ vì tự ái, vì tức giận.
Hãy "lợi dụng" cơ hội này để cùng anh bàn bạc lại một lần nữa những khả năng phù hợp hay không của cả hai, khả năng trả nợ cho ba mẹ hay góp ý cùng chồng "nhịn" thêm một thời gian nữa, giúp chồng cảm nhận rằng đó là ước mơ, mục đích chung của cả hai, "em cũng muốn lắm", để lên kế hoạch thực hiện nó đúng đắn hơn, kiểu như: hãy để dành tới khi có 1/2 hay 1/3 giá trị chiếc xe, rồi hẵng mua...
Mua xe là một niềm vui của cả gia đình, hãy nhẹ nhàng, thuyết phục, cân nhắc khi bàn bạc cùng anh thời điểm mua, cách thức mua. Vẽ ra một viễn cảnh sao cho anh thấy ngày đi mua chiếc xe sẽ là ngày vui chung của vợ chồng, của con cái... để anh dễ chấp nhận việc phản đối của chị hơn, chị nhé.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn