Tôi muốn đứng tên sổ đỏ với chồng, vì cũng có chút đóng góp mua đất, xây nhà

01/11/2022 - 11:29

PNO - Yêu cầu của em không có gì là sai, nhưng đòi hỏi phải có sự tinh tế, cách yêu cầu hợp lý, hợp tình

Chị Hạnh Dung thân mến!

Em năm nay 30 tuổi. Em đã kết hôn được ba năm. Em có một khúc mắc trong lòng mà không biết nên làm như thế nào.

Chuyện là trước khi cưới, chồng em có vay tiền chị gái chồng và họ hàng nhà chồng mua một mảnh đất. Vì số tiền vay của chị gái chồng khá lớn, nên anh chị đòi đứng tên sổ đỏ, và chồng em phải trả lại số tiền trong 5 năm, nếu không, mảnh đất sẽ thuộc về anh chị ấy.

Khi ấy tụi em cũng quyết định cưới rồi nên em cũng góp một chút vào đó, cộng với hàng tháng em cũng phụ anh trả nợ. May mắn là công việc của chồng em thuận lợi, nên tụi em đã trả hết sau ba năm.Trong thời gian đó tụi em cũng đã cưới nhau và sinh con.

Gần đây, anh chị cũng đã sang nhượng lại đất bằng hình thức chị gái cho em để không bị mất thuế. Sau đó tụi em vay tiền gia đình anh chị bên nhà em để xây nhà. Hiện tại nhà cửa đã ổn định, nhưng em luôn có cảm giác bất an sợ một ngày ra đi hai bàn tay trắng.

Em có nên đề nghị được cùng đứng tên sổ đỏ hay không? Vì nhiều lần vợ chồng cãi vã, chồng em có nói bóng gió về việc tiền trả nợ chủ yếu do ảnh làm ra, em không có đóng góp gì. Mong nhận được phản hồi của chị ạ.

Nguyễn Hoàng Oanh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Hoàng Oanh thân mến,

Có rất nhiều người bắt đầu cảm thấy những sự lấn cấn trong hôn nhân của mình từ những vấn đề như thế này. Có lẽ đầu tiên là vấn đề tài sản, sự đóng góp vào tài sản không rõ ràng phần nào và của ai. Bởi cái thưở ban đầu còn khó khăn, người ta luôn nghĩ đến việc nương tựa vào nhau, cùng nhau. Khi đó tình cảm còn nồng thắm, cái chuyện "của anh cũng là của em, của em cũng là của anh" nó ấm áp, dễ thương và đầy tin tưởng.

Nhưng rồi những va chạm, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện, và một trong hai người hay cả hai bắt đầu mất đi sự tin tưởng từ những dấu hiệu không tốt lành về sự chiếm hữu, ích kỷ, toan tính của bên kia. Từ đó, những lo lắng, bất an bắt đầu. Cuộc sống hôn nhân cũng dần rạn nứt.

Trong câu chuyện của em, Hạnh Dung thấy những nguy cơ rạn nứt đó đang hình thành trong sự lo lắng của em. Tuy nhiên, chỉ từ vào lời tâm sự ngắn ngủi và không rõ ràng của em, nên Hạnh Dung khó có thể cho em những lời khuyên cụ thể như em mong muốn.

Vấn đề đầu tiên em cần tinh tường nhận xét là thái độ của chồng em. Nếu những điều khiến em nghi ngờ chỉ xuất hiện trong các cuộc cãi vã, thì đó chưa hẳn là dấu hiệu của việc chồng em đã có "mưu đồ" gì trong việc đẩy em ra đường với hai bàn tay trắng. 

Có thể đây chỉ là những cách nói của một người đàn ông trong lúc tức giận, muốn nhắc lại cho vợ mình về công sức, những lo toan, thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm một cách tốt nhất của anh ấy cho gia đình, vợ con mà thôi. Và em, thay vì hiểu anh ấy đúng như vậy, lại nghĩ quá xa xôi, tiên đoán mọi chuyện theo chiều hướng quá xấu để rổi bản thân thấy mất lòng tin, bất an.

Điều đáng buồn là khi thấy lo lắng, bất an về tình cảm gia đình thì hình như việc em nghĩ đến nhiều hơn cả không phải là tự phân tích xem những mâu thuẫn đó đến từ đâu, vì sao, cần phải làm gì để gia đình được êm ấm, hạnh phúc và tránh mâu thuẫn tiếp nối.

Điều làm em lo lắng hơn cả lại là phần đóng góp của mình vào tài sản đó, mà theo Hạnh Dung hiểu là ngoại trừ tiền vay mượn của anh chị em để xây nhà, thì phần đóng góp của em cũng không phải là quá nhiều (như em đã dùng từ "một chút").

Tuy nhiên, dù nhiều hay ít, theo chị hiểu, những tài sản làm ra, có được trong thời gian hôn nhân, nếu vợ chồng ly hôn thì sẽ luôn được tòa án xem xét và phán xét một cách công bằng, nhất là khi cả hai bên có thể chứng minh được một cách rõ ràng phần đóng góp của mình.

Riêng về phần nợ nần của anh chị em, chị không hiểu rằng vợ chồng em đã trả hay chưa. Nếu chưa thì em và chồng nên có giấy tờ vay nợ đàng hoàng. Đó là điều bình thường vì nó tránh đi được mọi sự rủi ro cho khoản tiền nợ của người khác. Với riêng em, nó cũng giúp em bớt phần lo lắng, thêm phần chứng minh rằng em có những đóng góp nhất định vào tài sản chung trong thời gian hôn nhân.

Nói tóm lại, việc hai vợ chồng cùng đứng tên trong một tài sản chung có giá trị là điều hết sức bình thường mà cả hai cùng phải nghĩ đến ngay từ đầu cuộc hôn nhân, khi cả hai bắt đầu cùng nhau gầy dựng sự nghiệp. Yêu cầu của em lúc này vì thế cũng không có gì là sai, nhưng đòi hỏi phải có sự tinh tế, cách yêu cầu hợp lý, hợp tình để chính chồng em không cảm thấy giống như em bây giờ: Cô ấy đang toan tính đến chuyện ly hôn.

Việc quan trọng hơn, lớn hơn mà em cần làm, theo Hạnh Dung chính là cố gắng vun đắp, giữ gìn những ngày vui của gia đình, cố gắng để giảm bớt những mâu thuẫn, cãi vã, tranh phần hơn thua, toan tính với nhau. Đó chính là phần đóng góp lớn nhất mà em cần phải đầu tư cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI