Tôi muốn đón cha về phụng dưỡng, nhưng không biết làm sao mở lời với mẹ

30/12/2022 - 19:00

PNO - Ba chị hiểu tấm lòng của chị và yêu thương chị nhiều như thế suốt bao nhiêu năm dài, chắc ông sẽ không trách giận hay đòi hỏi gì nhiều ở chị.

Chị Hạnh Dung kính,

Ba mẹ tôi ly hôn cách đây cũng nhiều năm. Khi đó tôi còn nhỏ. Sau đó tôi ở với mẹ, nhưng ba tôi luôn chăm lo cho tôi. Ông đóng tiền học, cho tôi tiền tiêu vặt, tiền mua sắm. Tôi rất thương ông vì bao nhiêu năm ông hy sinh cho tôi, sống trong một căn nhà trọ tồi tàn, nhưng vẫn cho tôi đủ mọi thứ mà con nhà người ta có.

Trong khi đó, mẹ tôi suốt bao nhiêu năm qua chỉ chăm chăm kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình. Khi bà đòi ly hôn ba tôi, cũng là do bà hy vọng vào sự giàu có của một người đàn ông khác. Nhưng sau khi bà ly hôn ba tôi thì ông ta cũng không cưới bà.

Vừa rồi, ba tôi cho tôi 1 tỷ đồng để mua trả góp một căn hộ chung cư. Tôi biết đây là số tiền ông dành dụm tiết kiệm nhiều năm. Tôi cũng mong ước mua được nhà để ra ở riêng, đón ông về chăm sóc. Chứ mẹ tôi thì từ xưa tới giờ vẫn ở với gia đình bên ngoại. Nhà rộng và mẹ con tôi cũng có phòng riêng bên đó. Sau này, nghe bà ngoại nói căn nhà đó sẽ được chia đều cho anh em trong nhà.

Thế nhưng vừa nhận nhà, sửa chữa, trang trí xong là mẹ tôi xách va ly, chuyển đồ đạc tới ở. Bà nói bao nhiêu năm mới được ở nhà của mình, thoải mái quá. Bà hứa nếu được chia tiền nhà của ông bà ngoại, bà sẽ cho tôi một ít...

Không phải là chuyện tiền bạc, nhưng tôi nhìn ba mà thương quá. Bao nhiêu năm ông ở trong nhà trọ của khu lao động. Ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu. Ông cũng từng nói về già muốn được sống với tôi. Mà tôi biết, chỉ có sống với ông, tôi mới được chăm sóc, thương yêu thật sự. Tôi cũng muốn chăm sóc ông, bù đắp cho những vất vả của ông.

Còn mẹ tôi, tôi biết, tính bà vốn ích kỷ, ham ăn, ham chơi bài. Xưa giờ bà chẳng quan tâm gì tới tôi mấy vì biết ba tôi lo cho tôi đầy đủ. Nhiều khi tôi đi làm về còn phải qua ba ăn cơm chứ bà không nấu. Lúc trước, nhiều lần tôi muốn qua ở với ba mà ba không cho. Ông nói khu lao động này không thích hợp với con.

Giờ tôi có nhà đẹp, cuộc sống dễ dàng hơn... mà nghĩ tới ba là tôi trào nước mắt. Bảo mẹ đi thì không được. Tôi chắc bà sẽ không đi, mà có khi còn nói nặng nhẹ khó nghe. Tôi buồn mà không biết làm gì cho ba, chị Hạnh Dung à.

Liên Hoa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Liên Hoa thân mến,

Đọc thư của chị từ hôm qua, mà Hạnh Dung  mãi không thể nào trả lời được. Ngẫm lại... thương cho những đứa con bị chia lìa tình cảm gia đình... Từ bé, có lẽ đã phải vật lộn trong lựa chọn bất đắc dĩ của tình cảm: chọn cha hay chọn mẹ... để mà thương.

Bởi tình thương cha mẹ không thể phụ thuộc vào lý trí được, không thể nào xét ai sai, ai đúng để mà thương. Thương yêu là tự nhiên thương mà thôi.  Thế mà bây giờ, khi hai người đứng về hai phía, có nhiều khi đứa trẻ buộc phải chọn lựa, hay tự dưng trong đầu cũng nghĩ tới sự chọn lựa... rất đau lòng.

Đến tận khi lớn lên, cha mẹ đã già, sự chia lìa ngày còn nhỏ vẫn còn đó vết tích đau đớn, vì một lần nữa đôi khi con trẻ lại phải rơi vào thế chọn lựa: phụng dưỡng ai đây khi cả hai cùng cần đến mình?

Đã trải qua thời gian thử thách, trải nghiệm, nhận biết và tự nhiên chọn lựa, con người ta đã biết rõ phải trái, đúng sai, nên trái tim chắc chắn sẽ có phần nghiêng về một ai đó nhiều hơn, và chính vì thế mà những đứa con càng bị đẩy vào những tình thế đau lòng.

Cân nhắc câu chuyện của chị qua nay, Hạnh Dung hiểu nỗi đau lòng của chị, và chỉ biết nói một điều: là con, chị chẳng có quyền chọn lựa một cách lý trí trong câu chuyện này, chỉ có một cách, là dựa vào lòng bao dung, rộng rãi, tha thứ của một trong hai người, mà ở đây chắc chắn là của cha chị.

Chị có thể có một lần trò chuyện với mẹ chị, phân tích cho bà thấy chỉ một điều: nếu không có nhà chị, thì bà vẫn có một mái ấm để ở, với những người thân của mình, và còn có tương lai sẽ có điều kiện thay đổi chỗ ở.

Còn hoàn cảnh ba chị khó khăn hơn nhiều, hơn nữa, ông cũng đã giao hết toàn bộ tiền bạc cho chị, nghĩa là không còn có khả năng thay đổi điều kiện sống của chính ông, vì chị.

Hãy cố gắng gợi trong mẹ những suy nghĩ về sự công bằng, hiểu cho chị về nghĩa hiếu thảo, để nếu không phải là nhường nhịn, thì cũng là sự chia sẻ phần nào những khả năng chị có thể giúp ba sống tốt hơn.

Dù sao, Hạnh Dung nghĩ, ba chị rất hiểu tấm lòng của chị, và với đức tính nhân hậu, yêu thương chị nhiều như thế suốt bao nhiêu năm dài, chắc ông sẽ không trách giận hay đòi hỏi gì nhiều ở chị, mà cho chị thêm thời gian để chị có thể thật sự báo hiếu cho ông.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Cường mạnh 05-01-2023 04:53:29

    Tại sao mà bạn phải suy nghĩ? Bao năm qua chỉ có ba bạn chăm lo cho bạn, rồi lại gom góp hết tiền để mua nhà cho bạn. Đó là một người cha mà ai cũng muốn có trong cuộc đời. Bạn phải đón cha về ở cùng và chăm sóc. Còn mẹ bạn không muốn cũng phải chịu, vì đó chính là nhà của cha mình góp tiền mua, nên cha bạn chắc chắn sẽ ở cùng bạn.

  • Anh Dũng 02-01-2023 16:21:18

    Theo chú nghĩ con nên chuyển tên sở hữu nhà cho ba để ba ở nói với mẹ ba đòi lại và trở lại nhà bà ngoại sống như trước sau đó thường xuyên đến chăm sóc ba

  • Trương Mỹ Hương 31-12-2022 06:42:30

    Thật sự mình không đồng ý với câu trả lời của chị Hạnh Dung. Nhờ toàn bộ tiền dành dụm của Ba mà bạn có nhà riêng. Bạn nên có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với Mẹ và tỏ rõ ý định cương quyết đón Ba về ở chung để chăm sóc. Vì Ba cũng đã lo cho bạn nhiều rồi.. Nếu bạn không làm được điều ấy, khi ông mất đi, bạn sẽ ân hận cả đời.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI