Tôi muốn đẻ nhưng sợ nuôi con, có ai phụ tôi không?

07/07/2017 - 15:06

PNO - Có rất nhiều người mẹ ngay trong kỳ thai sản đã phải làm việc trở lại dù ngực căng sữa, đau nhức trong khi con thì khát sữa phải uống sữa bò ở nhà.

Hiếm khi người đứng đầu thành phố nói về chuyện sinh đẻ nên mấy nay tự nhiên chị em bàn chuyện rất “vĩ mô” là Bí thư khuyên đẻ đủ hai con, hội gái một con có dám hay vẫn sợ?

Mấy nàng chưa con, chưa chồng ra vẻ “am hiểu” rằng chuyện đẻ nữa hay không thì về nghe lời khuyên của chồng mình, chứ sao lại đi nghe lời chồng người khác, dù người đó có là Bí thư đi chăng nữa.

Toi muon de nhung so nuoi con, co ai phu toi khong?
Ai cũng muốn làm mẹ

Vâng! Chồng tôi thì tôi bàn bạc mấy năm nay rồi với cả ngàn tiếng thở dài mà không có lối ra. Giấc mơ đẻ thêm một đứa con nữa ngày càng xa khi tuổi 35 của tôi nó đến gần.

Năm tôi 28 tuổi, sinh con đầu lòng, thời gian ở cữ, vợ chồng cứ nhìn con cười, nhìn con chơi và nuôi mộng đẻ thêm đứa nữa. Vậy nên, trong năm đầu, đồ con chị xài xong chúng tôi vệ sinh sạch sẽ từ tấm tã đến quần áo, đồ chơi cất kỹ, để dành cho đứa em.

Nhưng rồi thời gian dần qua, những lần dọn nhà, những khó khăn cơm áo gạo tiền, những vất vả khi nuôi con khiến những vật dụng mang đầy kỷ niệm kia cứ nối gót ra đi vì xem ra sẽ chẳng có đứa con thứ hai để dùng nữa.

Người ngoài cuộc thường hay phán, đàn bà bây giờ ích kỷ, sợ mất dáng, sợ xấu, sợ không đi chơi được nên không chịu đẻ, để sướng cái thân. Đương nhiên xã hội có người này người kia tôi tin rằng đấy chỉ là thiểu số. Còn nữa thì như tôi đây, muốn đẻ lắm nhưng sợ, sợ không nuôi nổi con.

Toi muon de nhung so nuoi con, co ai phu toi khong?
Chỉ sợ nuôi con không nổi. Ảnh minh họa

Người ta vẫn hay chê trách mẹ nuôi con mà tính toán này nọ. Những hỡi ơi, mẹ không tính với con nhưng tiền trường, tiền sữa, tiền chơi, không có gì là miễn phí và mọi thứ luôn có xu hướng tăng trong khi thị trường lao động, mặt bằng chung thì thu nhập cứ thế mà ổn định và cạnh tranh thì ngày càng gay gắt.

Tôi biết có rất nhiều người mẹ ngay trong kỳ thai sản đã phải làm việc trở lại dù ngực căng sữa, đau nhức trong khi con thì khát sữa phải uống sữa bò ở nhà. Nhưng mẹ không làm vậy thì mẹ mất việc, mất việc rồi thì lấy gì nuôi con đường dài.

Chuyện chắc nhiều người đã biết nhưng cũng có người không để ý là thông thường thì mẹ đi làm có đóng bảo hiểm thì nghỉ sinh được hưởng 100% lương, nghe 100% lương tưởng khỏe rồi nhưng đấy phần lớn là mức lương tối thiểu ba cọc ba đồng thì làm sao mà sống được?

Rồi nữa, tuổi sinh đẻ của chị em là cũng là quãng thời gian bắt đầu lập nghiệp, lo chốn an cư cho gia đình nhỏ. Nhà nào cha mẹ khá giả, cho sẵn cái nhà thì đỡ không thì vợ chồng phải cày. Không cày để sở hữu một cái nhà riêng thì không mơ được cái hộ khẩu, không hộ khẩu tại nơi đang thực sống thì lo mà “chạy trường” đi nhé. Nơi không phải chạy thì học phí cực cao, cỡ 100% thu nhập của mẹ vậy; hoặc là trường sẽ rất là xa, đưa đón kiểu gì khi cha mẹ vẫn phải đi làm mà con thì không thể tự đến trường. Nếu cha mẹ không tự làm việc này thì sẽ phải thuê, thuê thì lại tốn tiền, làm sao mà không tính toán được.

Vậy nên, thời bây giờ, phụ nữ 40 mà nói có 3, 4 con là biết ngay nhà ấy phải giàu hoặc cực giàu thì mới lo nổi chi phí cho một gia đình như vậy.

Chuyện phụ nữ sợ đẻ đã có ở các nước phát triển, giờ là đến các đô thị Việt Nam khi cuộc sống quá vất vả, thị trường lao động thì khắc nghiệt với chị em. Phụ nữ Việt thì chưa “tân thời” đến mức không thèm đẻ để đi chơi mà vẫn rất mê con nhưng không dám đẻ vì sợ nuôi không nổi. Nhà quản lý đã nhận ra hệ lụy của chuyện đẻ một con cho xã hội sau này nhưng nếu khuyến đẻ suông thì những gia đình trẻ không nhúc nhích được đâu!

An Na

*Ngày 4-7, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa IX, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ về vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình với khuyến nghị phụ nữ sinh đủ 2 con để đảm bảo mức sinh thay thế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI