Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ...

13/10/2016 - 06:00

PNO - Nếu không mang theo ý chí “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ”, thì hẳn những cháu con bà Triệu đã không thể “cưỡi voi đánh cồng”, làm rạng danh non nước bằng sức mạnh thương trường và giá trị thương hiệu mang tên:...

● Đêm 20/8/2016, trong Giấc mơ sữa Việt, ngoài những con số minh chứng cho tầm vóc vươn cao Việt Nam của Vinamilk mà cái mốc trị giá 9 tỷ USD trên thị trường chứng khoán là một ví dụ sống động về giá trị của thương hiệu này, chập chờn tôi nhìn thấy những con người đang đi giữa… chiến trường, theo cả nghĩa đen lẫn bóng.

Cửa khẩu Trebil, biên giới Jordan - Iraq, đạn pháo vun vút trên đầu, năm 1998. Đoàn ngoại giao các nước đều trở lui, riêng đoàn Việt Nam vẫn tiến vào lãnh địa Iraq, thực hiện cuộc đấu thầu quốc tế trong chương trình đổi dầu lấy lương thực của Iraq. Cuộc đàm phán diễn ra ngay dưới tầng hầm, không có điện đóm, chỉ có những tia sáng của phi cơ, tên lửa quét ngang quét dọc. Cuộc đàm phán kết thúc lúc 2 giờ sáng, Vinamilk ký được hợp đồng 100 triệu USD (vào thời điểm năm 1998, xin nhấn mạnh - NV).

Toi muon cuoi con gio manh, dap luong song du...
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk.

Họ, những thành viên đến từ Việt Nam, hầu hết đều sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh nên không xa lạ, chẳng nao núng khi tiến vào giữa làn bom, thương thảo dưới cơn bão đạn để cuối cùng là đối tác cung cấp lương thực thực phẩm lớn nhất cho Iraq thời điểm đó. Một thương trường ngay giữa chiến trường, họ tồn tại và vượt qua bằng ý chí tự cường, bằng bản lĩnh tự lập, họ chiếm lĩnh những cơ hội ngay trong chân tơ kẽ tóc. Nữ tướng Mai Kiều Liên đã vẽ một nét trong bức tranh khởi nghiệp quốc tế đầu tiên của Vinamilk như thế!

● Sáng 21/9/2016, trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh với cán bộ Hội và phụ nữ tiêu biểu, sau lời mời của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, bà chậm rãi đứng lên, nói giọng từ tốn, vẫn cái tâm niệm mà một đời bà theo đuổi, tui chỉ mong mỏi tất cả chúng ta hãy quan tâm, hãy tìm cách giúp đỡ bà con quê mình, cho chị em có được cái nghề đặng nuôi sống bản thân...

Ngay cả khi được vinh danh là một trong bảy “Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu” năm 2016, mọi người vẫn gọi bà bằng cái tên đúng chất Nam bộ, Ba Huân. Bà có vẻ… ngượng ngịu khi bị ai đó lỡ phong cho cái gọi là “nữ hoàng trứng”! Bởi như bà bộc bạch: “Tôi chỉ là một người buôn trứng bình thường, làm công việc nối dòng chảy từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng. Chính nhờ cái nghề này tôi đã nuôi các em mình ăn học thành tài. Đó chính là điều làm tôi hài lòng nhất trong cuộc đời của mình. Tôi sẽ không bao giờ hối hận khi đã chọn mang cái nghiệp buôn trứng này”.

Toi muon cuoi con gio manh, dap luong song du...
Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ba Huân.

Không hối hận. Hay đúng ra nó là sức mạnh để bà sống sót và sống vững qua hai cơn bão dịch cúm H5N1 bùng phát năm 2003 và tái phát năm 2005. Sinh ra từ rơm rạ, nay giữa cơn thất bát, bà cũng chỉ biết tìm về rơm rạ, đi đâu, dòm đâu cũng thấy xơ xác, tiêu điều, gà chết, vịt lăn quay, nông dân tay trắng, bà còn lòng dạ nào mà đòi nợ nông dân, nợ chồng nợ, bà đổ bệnh, tưởng chừng phải chuyển nghề. Nhưng “từ trước tới nay, mình chỉ biết quả trứng gà, trứng vịt, hơn nữa, nếu mình bỏ cuộc thì hàng vạn nông dân từng gắn bó với mình, họ sẽ ra sao?”. Cái ơn nghĩa có trước có sau ấy cộng với cái nhìn thấu suốt, dũng cảm đã giúp bà đi đến quyết định: đầu tư công nghệ, vận hành hệ thống kiểm định chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như kiểm soát hệ thống vận chuyển một cách bài bản, hiện đại.

Giờ thì có lẽ bà đã an yên đôi chút khi đi về chuồng trại của nông dân hay đi giữa những trang trại bạt ngàn, bởi đầu tư công nghệ - với bà, không ngoài tích lũy và gìn giữ sự yên ổn, bền vững tập quán làm ăn, sinh sống cho hàng vạn nông dân, trong đó có bà - Ba Huân.

● 11 giờ 40 phút trưa ngày 23/5/2016, tại Phủ Chủ tịch, sau khi kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng giữa Vietjet Air và hãng sản xuất máy bay Boeing, theo đó, phía Vietjet Air đặt mua 100 máy bay B737 MAX 200, có trị giá lên tới 11,3 tỷ USD. Hình ảnh vị nữ giám đốc điều hành (CEO) Nguyễn Thị Phương Thảo, với tà áo dài đỏ thắm hòa trong màu quốc kỳ Việt Nam, vừa trang trọng vừa bặt thiệp, đằm thắm đã thật sự truyền đi nguồn cảm hứng mạnh mẽ: một thương vụ quốc tế khổng lồ được đặt bút ký bởi một người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, dịu dàng.

Toi muon cuoi con gio manh, dap luong song du...
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (phải) - Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không Vietjet.

Gạt qua một bên những trễ nãi bất đắc dĩ đến từ giới hạn của dịch vụ mặt đất, của “lộ giới” trên không thì việc càng ngày nhiều người dân Việt Nam có cơ hội sử dụng phương tiện hàng không, được bay cùng những máy bay mới, hiện đại là một thành công đáng ghi nhận của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Để sau gần 5 năm hoạt động, Vietjet Air vươn lên dẫn đầu thị phần hàng không nội địa với trên 90% khách hàng thường xuyên quay lại sử dụng dịch vụ.

Sau những lịch trình làm việc xuyên lục địa, người - đàn - bà - bay ấy lại bất ngờ có mặt trên những khoang máy bay ngay giữa mùa cao điểm. Vị nữ CEO quyền lực cầm giẻ lau máy bay, lật từng chiếc ghế lên để hút bụi, nhặt những sợi tóc nhỏ dưới sàn tàu. Trong những phiên thị sát thầm lặng đó, chị bắt gặp những nhân viên lớn tuổi, họ lao động miệt mài, cần mẫn trong nhiều năm, không quản ngại ngày đêm, lập tức, chị đã yêu cầu bộ phận nhân sự rà soát để đặc cách tăng lương cho họ.

Trong một trật tự xã hội mà gốc rễ tập quán vẫn ít nhiều nặng tính tiểu nông, lấy sĩ làm trọng, công - thương bị đẩy xuống hàng… phế phẩm thì việc những người phụ nữ bươn mình theo nghiệp thương nhân, định đoạt giá trị bản thân thông qua giá trị sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ phục vụ cộng đồng - đấy là cả một lộ trình không quản bao nhọc nhằn, vượt ải mà “lộ phí” có khi được trả bằng cả cuộc đời, cả sinh mệnh đàn bà “Toan lấy yếm khăn đùm vũ trụ/ Quản gì son phấn nhuốm tang thương”…

Sau cú ngã ngay bậc cửa phòng khách sạn của Dominique Strauss-Kahn, Christine Lagarde trở thành người đàn bà quyền lực, điều hành dòng chảy tiền tệ thế giới IMF. Hay những dự cảm và cảnh báo khá sớm về bong bóng bất động sản tại Mỹ cùng sự quyết liệt bảo vệ gói QE, kích thích, mua lại trái phiếu chính phủ và một số công cụ cứu vãn khác như chương trình cho vay - liên kết với kho bạc để tạo ra một thị trường tín dụng tư rộng mở, đã đưa Janet Yellen trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Không phải ngẫu nhiên khi có nhiều gương mặt doanh nhân nữ và nhà điều hành kinh tế tài chính cao cấp thuộc về giới nữ đang thống lĩnh toàn cầu. Có hay không một sự lạc quan về chủ nghĩa nữ quyền đang trỗi dậy?

Thay vì đi tìm câu trả lời, tôi quay về thực trạng đầy rẫy khó khăn, thách thức và bất an như hiện nay, quay về với những phụ nữ “công - thương” nhỏ bé mà cả đời mua bán của họ chỉ là con gà, cái trứng, lon sữa hay cửa hàng tiện ích… Và tôi nhận ra, phải chăng, trong thế sự ba bên bốn bề ấy, cái “phẩm chất” vừa ăn chắc mặc bền, gói ghém, cẩn trọng, nhìn trước ngó sau theo kiểu "văn minh thôn dã ", lại vừa ưa chuộng tính thời thượng, đề cao sáng tạo - một biểu hiện của tính viễn du, phiêu lưu và đầy phát kiến của những cư dân đô thị hiện đại - mà những người phụ nữ ấy đã vững tay chèo để vượt sóng; và cũng chính họ, biết mình biết ta, luồn trong sóng, nương theo sóng mà lướt gió cả, sóng to. Để chỉ khi đủ đầy nội lực, họ sẽ cưỡi sóng ra khơi…

Ngắm nhìn hành trình và gia sản của nhiều gương mặt nữ doanh nhân Việt, sẽ không thấy họ cố tình hay máy móc phân biệt, giới hạn những cái thuộc về “sức mạnh cứng” hay “quyền lực mềm”. Họ tỉnh táo, uyển chuyển để chọn lựa kết hợp đúng đắn các công cụ, hình thức, giải pháp cho từng tình huống, từng giai đoạn; mà cựu ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton gọi đó là “quyền lực thông minh”.

Thay cho áp đặt - là có khi từng bước áp đặt - họ dùng sức ảnh hưởng. Trước khi ban hành - hoặc có khi song hành - những định chế, chính sách - họ trò chuyện, ứng xử, bày tỏ những mẩu chuyện, những đối đãi, suy nghĩ đầy tính nhân văn… Họ nhìn thấy sự khiếm khuyết và bất toàn của nhân viên, của đối tác, của thị trường như một phần trách nhiệm của chính họ; và họ hướng tới cái toàn thể trong khả năng của họ. Không viển vông. Không định kiến. Không thỏa hiệp. Chính họ - từ hình ảnh đời thường đến tác phong điều hành doanh nghiệp - đã thật sự làm nên cuộc trỗi dậy nữ quyền, vượt khỏi những giới hạn trong suốt của “trần nhà kính”, để định đoạt một cơ đồ, một hướng đi, truyền dẫn một nguồn cảm hứng “lạc nghiệp” (vui nghề) cùng ý thức “an cư” (ở yên) mạnh mẽ, lôi cuốn.

Nếu không mang theo ý chí “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ”, cái khát vọng “chém cá kình ở biển Đông” thì hẳn những cháu con bà Triệu đã không thể “cưỡi voi đánh cồng”, làm rạng danh non nước bằng sức mạnh thương trường và giá trị thương hiệu mang tên: Việt Nam.

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI