Tôi muốn cho con học trường quốc tế nhưng chồng chì chiết can ngăn

25/07/2018 - 18:00

PNO - Tôi thấy quá khổ sở trong khi con tỏ ra ham học dạn dĩ mà bố lại muốn can ngăn. Sống ở thành phố, thấy con người ta có nhiều điều kiện ăn học tôi cũng chạnh lòng

Năm nay, tôi 35 tuổi và hiện đang sống ở TP. Biên Hòa.Trước đây, hai vợ chồng tôi cùng làm công nhân ở một khu chế xuất. Sau khi sinh con đầu lòng, không ai giữ con nên tôi nghỉ làm ở nhà cơm nước. Tôi có một tuổi thơ thiệt thòi, học hành không đến nơi đến chốn. Bởi vậy, khi có con, tôi luôn muốn cho con điều kiện tốt nhất.

Toi muon cho con hoc truong quoc te nhung chong chi chiet can ngan
Tôi nghĩ mình sống vất vả thế nào sao cũng được, nhưng con phải được hưởng những điều tốt nhất. (ảnh minh họa nguồn Internet)

Tuy nhiên, kinh tế gia đình khó khăn, tôi chỉ cố gắng đến mức có thể. Con lớn hơn một chút, tôi tìm tòi kinh doanh online để tăng thu nhập. Hàng tháng, tôi có thể lo tiền ăn, tiền học phí mầm non ở một trường tư chất lượng tốt của thành phố.

Tôi cũng mơ tới việc tiết kiệm để mong đủ tiền mua một căn hộ nhỏ xinh trên cao. Nhưng tôi cũng nghĩ, đây là lúc tôi tập trung cho con, nên cần nhịn ăn nhịn mặc, cho con uống những loại sữa tốt nhất, ăn những thực phẩm sạch dù giá hơi cao. Tôi siêng năng quảng bá bán hàng, làm việc chăm chỉ ngày đêm để mong sau này con tiếp tục học trường chất lượng cao chứ không phải vào trường công.

Khi con đã 5 tuổi, tôi không dám sinh con thứ hai vì muốn dành cho con điều kiện tốt nhất. Tôi muốn cho con vào học trường quốc tế để sau này có thể đi du học. Nhưng chồng tôi không cùng quan điểm, anh luôn nói tôi mơ cao hão huyền.

Tôi không cãi lại, vì biết đã không cùng quan điểm rất khó tranh luận, chỉ âm thầm thực hiện ý định của mình. Tôi cho con đi học thêm ở trung tâm Anh ngữ quốc tế, học phí mỗi tháng gần 3 triệu đồng. Tôi dự định năm sau con vào lớp 1, sẽ cho con theo hệ thống trường quốc tế, học phí hơn 10 triệu đồng/ tháng. 

Chồng biết tôi chuẩn bị hồ sơ thì chì chiết tôi hoang phí, không biết tiết kiệm để thoát cảnh sống nhà thuê hiện nay.

Tôi nói, toàn bộ chi phí đó đều do tôi lo liệu, mỗi tháng chồng chỉ đưa một nửa tiền lương, chỉ đủ tiền ăn ở cho riêng anh, vì vậy anh đừng can thiệp vào kế hoạch này.

Khóa học tiếng Anh hè kèm các chương trình ngoại khóa lên tới gần 20 triệu đồng. Tôi bấm bụng vét hết số tiền cuối trong tài khoản. Tuy vậy, thấy con đih5oc về với những tấm huy chương đầu lớp mỗi tuần, được thầy cô khen ngợi bé phát âm tiếng Anh không thua người bản xứ, tôi cảm thấy được an ủi phần nào. Vì thế, tôi càng quyết tâm cho con theo học trường quốc tế khi vào lớp Một.

Toi muon cho con hoc truong quoc te nhung chong chi chiet can ngan
Con tôi vui thích tới trường nên tôi càng căng mình cố gắng. (ảnh minh họa Internet)

 Nhưng chồng tôi không thể ngừng gây gổ. Chồng bảo, cả nhà anh và nhà tôi không ai học quá cấp ba, đều lao động chân tay để sống mà tôi quá mơ mộng. Thu nhập của tôi trụ được bao nhiêu ngày mà tôi đua đòi với người ta. Anh chỉ muốn con học trường bình thường, học xong phổ thông rồi đi học nghề. Theo anh, con cần cuộc sống ổn định hơn mà cứ phải bươn chải cùng cha mẹ.

Tôi vẫn không theo anh, vì thấy đời mình đã quá thiệt thòi, không có điều kiện học hành, giờ là lúc phải thay đổi. Nhiều lúc đưa đón con đi học, tôi phải lén lút, nếu không anh sẽ la hét ầm ĩ cả con hẻm. 

Thấy cha mẹ lục đục, con tôi hiểu chuyện, thường nói những câu khiến tôi xót ruột xót gan: “Con không đi học nữa đâu tốn tiền lắm”, “Mẹ ơi, sao bố cứ bảo mẹ con sống trên mây là sao”.

Toi muon cho con hoc truong quoc te nhung chong chi chiet can ngan
Vợ chồng tôi liên tục căng thẳng vì chuyện học phí của con (ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tôi nghĩ, mơ ước của tôi không có lỗi, chỉ tại chồng tôi quá lo xa. Cuối tuần chở con đi nhà sách, nhìn con mải ngắm những bộ truyện tiếng Anh mà không dám xin mua, tôi rất buồn. Tôi không biết phải làm sao để chồng đồng hành cùng tôi lo cho con học hành đến nơi đến chốn.

                                                                                 Anh Thư (Đồng Nai)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI