Tôi mệt mỏi khi lấy vợ có gia cảnh phức tạp

20/02/2019 - 18:49

PNO - Nhiều lần, tôi nói với vợ: 'Em cứ làm như vậy thì mọi người sẽ ỷ lại, vẫn cứ chứng nào tật đó chứ không bỏ được. Em liệu có lo được cả đời không?'. Vợ nghe chỉ thút thít khóc...

Tôi gặp vợ khi đã 30 tuổi còn cô ấy 27 tuổi. Yêu nhau được một năm, chúng tôi quyết định làm đám cưới. Cô ấy thuê trọ gần công ty tôi làm nên thỉnh thoảng, tôi qua ăn cơm chung. Vợ tôi hiền lành, xinh xắn, đảm đang bởi vậy tôi muốn kết hôn sớm vì nghĩ đây là mẫu người phụ nữ mình cần.

Toi met moi khi lay vo co gia canh phuc tap
Ba mẹ vợ không hạnh phúc, nợ nần đầm đìa. (Ảnh minh họa)

Lúc quen nhau vợ thường giấu về gia đình mình. Tôi chỉ biết nhà cô ấy có hai anh em, anh trai chưa có việc làm còn ba mẹ khoảng hơn 50 tuổi. Đến khi làm lễ đính hôn, tôi mới biết gia đình vợ không thực sự hạnh phúc.

Ba suốt ngày say xỉn, ăn chơi, không nghề nghiệp, nợ xã hội đen đầm đìa nên lãi mẹ đẻ lãi con trả hoài không hết. Mẹ buôn bán nhỏ, làm được bao nhiêu trả nợ bấy nhiêu, không mấy lo lắng cho con cái.

Bởi thế, mấy chục năm rồi, ba mẹ cô ấy vẫn trắng tay. Ngôi nhà đang ở được một người bà con cho ở thuê với giá rẻ. Vợ tôi học hành được như thế cũng nhờ vào sự nỗ lực của bản thân cô ấy rất nhiều.

Lúc học cấp ba, cô ấy buổi sáng che kín mặt đi bán cá ngoài chợ còn buổi chiều đi học dù ba cấm cản. Tôi chỉ phát hiện ra gia cảnh của nhà vợ từ việc mấy người đòi nợ đến phá nát bàn ghế của bữa tiệc đính hôn.

Ở cách nhau gần 100km, tôi không có điều kiện tìm hiểu nhiều. Sau lần đó, ba mẹ tôi khuyên tôi cần suy xét cẩn thận. Vợ tôi tốt thật nhưng với gia đình như thế, chúng tôi khó lòng hạnh phúc.

Nhưng lúc ấy, tôi rất yêu vợ, nghĩ đơn giản mình lấy vợ chứ có phải lấy cả nhà vợ đâu mà phải nghĩ. Quan trọng là cô ấy như thế nào vì sẽ chung sống với nhau suốt đời.

Bởi thế, tôi vẫn quyết định làm đám cưới. Chi phí tổ chức bên nhà gái cũng do tôi bỏ ra vì nhà vợ không có một đồng nào. Lương của cô ấy mỗi tháng được 6 triệu cũng chi tiêu vừa hết.

Lấy nhau xong, tôi cứ nghĩ sẽ chỉ lo cho cuộc sống của gia đình nhỏ nhưng thực tế lại không phải vậy. Vợ tôi là một người con hiếu thảo, không thể sống thanh thản khi ba mẹ túng quẫn.

Số tiền lương tôi đưa về, vợ đều bớt xén để gửi cho mẹ lo chi phí sinh hoạt cho cả nhà. Tôi chỉ biết điều này khi hỏi đến khoản tiền tiết kiệm để sửa nhà nhưng hao hụt rất nhiều.

Trước khi chưa lấy vợ, với công việc ổn định, ngoài chi tiêu hàng tháng, mỗi năm tôi dư được 60 đến 70 triệu đồng. Giờ có thêm lương vợ nữa mà khoản dư đó chỉ tầm 20 triệu.

Khi tôi hỏi đến, vợ nước mắt ngắn nước mắt dài nói có trích một ít để trả nợ cho bố. Đó là chưa kể cuộc sống của vợ chồng tôi không lúc nào yên vì cứ dăm bữa nửa tháng nửa đêm khuya khoắt, mẹ vợ gọi điện khóc lóc báo giang hồ đến đòi nợ.

Toi met moi khi lay vo co gia canh phuc tap
Mỗi lần tôi có ý kiến về chuyện chu cấp tiền bạc cho nhà vợ, vợ tôi lại khóc lóc. (Ảnh minh họa)

Vợ đòi về, tôi cũng phải theo, lần nào cũng phải cầm theo mấy chục triệu để trả họ mới thôi quấy rối. Rồi thì ba vợ đánh bạc bị bắt vào đồn công an, mẹ vợ cũng gọi điện nhờ tôi quen biết xin cho ông ra.

Anh trai vợ uống rượu say gây tai nạn, vợ chồng tôi phải đứng ra giải quyết đền bù. Nói trắng ra, từ khi lấy cưới, tôi phải gánh luôn phần rắc rối từ gia đình vợ. Tôi yêu thương vợ thật nhưng cảm thấy quá mệt mỏi.

Nhiều lần, tôi nói với vợ: “Em cứ làm như vậy thì mọi người sẽ ỷ lại, vẫn cứ chứng nào tật đó chứ không bỏ được. Em liệu có lo được cả đời không?”. Vợ nghe chỉ thút thít khóc rồi bảo: “Em làm sao bỏ ba mẹ em được, có ai chọn được nơi mình sinh ra đâu”.

Do quan điểm như thế nên không ít lần vợ chồng tôi cãi nhau dù giữa hai vợ chồng không có mâu thuẫn riêng. Giờ tôi mới thấm thía lời cảnh báo của ba mẹ nhưng đã muộn. Nếu không đưa tiền để vợ lo cho nhà ngoại thì cô ấy buồn bã mà cứ chu cấp mãi thì tôi thấy quá mệt mỏi.

                                                                                                        Huy Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI