Tôi mê ăn tết Sài Gòn

25/01/2020 - 01:57

PNO - Đi du lịch vào dịp tết chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của gia đình tôi. Chúng tôi yêu lắm màu hoa ngập tràn sắc xuân trên phố xá và trong từng ngõ nhỏ ở Sài Gòn; yêu lắm những phút giây cả gia đình, nhà nhà sum họp.

Tôi dân Sài Gòn chính gốc, ông xã thì ở quận 4. Vì thế, so với chị em trong nhà luôn đau đầu mỗi dịp tết đến phải phân chia quỹ thời gian ăn tết ở đâu cho trọn vẹn hai bên nội ngoại thì trường hợp của tôi dễ thở hơn nhiều.

Ba má chồng tôi mất sớm, từ trước khi tôi về làm dâu, các anh chị chồng đều lập nghiệp ra riêng, chỉ còn chị Năm và em trai Út ở nhà (chưa có gia đình riêng) lo nhang khói ba mẹ. Và như một quy ước bất thành văn, hàng năm, cứ mùng Một là cả nhà tôi trực chiến về Củ Chi chúc tết ba mẹ mình. Họp mặt, hàn huyên ăn uống cả ngày là chiều về lại nhà (quận 6, TP.HCM) nghỉ ngơi. Mùng Hai tết sẽ về bên nhà chồng (quận 4, TP.HCM), sở dĩ về vào ngày đó vì các anh chị chồng cũng tranh thủ tập trung đông đủ từ mùng Hai trở đi.

Sau màn chào hỏi chúc tết, hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn sau một năm bận rộn là đến màn không thể thiếu là mừng tuổi, trẻ con thì hớn hở, vui mừng. Người lớn tuy có "héo" chút ít trong lòng nhưng rồi cũng hoan hỉ, tươi vui ngay lập tức với quan niệm cố hữu “tết mà”.

Lì xì là một nét văn hóa trong gia đình ngày tết. Ảnh: Internet
Lì xì là một nét văn hóa trong gia đình ngày tết. Ảnh: Internet

Mấy năm trước, khi chưa có con nhỏ, vợ chồng tôi “xông pha trận mạc” không biết mệt mỏi: mùng Ba chở mẹ về Long An thăm gia đình cậu; mùng Bốn về Cần Giờ thăm dì Hai; mùng Năm vui xuân tại TP.HCM… Vài năm trở lại đây, con còn nhỏ nên vợ chồng tôi chỉ có thể tháp tùng mẹ đi xa thêm mùng Ba hoặc mùng Bốn tết mà thôi.

Bỏ qua những dịp xem phim, xem kịch như thời son rỗi vì những nơi ấy giới hạn độ tuổi trẻ em. Vợ chồng tôi lên kế hoạch ghé qua những khu vui chơi nổi tiếng như Đầm Sen, phố đi bộ Nguyễn Huệ và dĩ nhiên không thể thiếu là hội chợ hoa xuân để kiếm về những bức hình “sống ảo” như một lời chúc cho cả năm luôn vui tươi, sum vầy, đầm ấm.

Du xuân trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Ngọc Lan
Du xuân trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Ngọc Lan

Hàng quán ăn uống cũng là địa điểm không thể không ghé đến. Chúng tôi ưu tiên chọn những quán ăn quen thuộc hàng ngày để tránh bị "chặt chém". Do đã tích trữ đồ ăn từ trước và một số tiểu thương, trung tâm mua sắm đã duy trì việc mua bán từ mùng Hai Tết trở đi nên nhà tôi cũng không quá áp lực chuyện “ăn gì, ở đâu?”. Ngược lại, thói quen la cà cà phê phố xá gần như đã ăn vào “máu” vợ chồng tôi từ thời mới quen nhau và cho đến tận bây giờ. Từ mùng Ba cho đến mùng Năm là ngày nghỉ tết cuối cùng, cả gia đình tôi có thể ăn tại nhà nhưng phải vi vu ra quán ngồi uống cà phê mỗi ngày tết ít nhất là một lần.

Đi du lịch vào dịp tết chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi yêu lắm màu hoa ngập tràn sắc xuân trên phố xá và trong từng ngõ nhỏ ở Sài Gòn; yêu lắm những phút giây cả gia đình, nhà nhà sum họp; những em bé xúng xính trong những bộ cánh mới chụp hình cùng ba mẹ… Và chồng tôi cũng thống nhất quan điểm: “Dù có đi đâu về đâu, được ăn tết nơi mình sinh ra và lớn lên là vui nhất”.

Tết Sài Gòn tuy đường phố không còn cảnh nhộn nhịp mua bán tấp nập như không khí từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, cũng không có nhiều lễ hội mang bản sắc văn hóa vùng miền đặc trưng nhưng mỗi quận, mỗi khu vui chơi đều có những hoạt động thế mạnh riêng biệt. Tất cả hòa quyện lại, tạo nên một mùa tết thật vui tươi, ý nghĩa, đáng nhớ.

                                                                                                                                                               Tuyết Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI