Tỏi Lý Sơn ngắc ngoải vì 'ta hại mình'

05/11/2018 - 13:00

PNO - Giờ tỏi nhiều quá, ai cũng trồng được, tỏi Trung Quốc giá rẻ như bèo tràn ngập, nên khó bán. Thị trường khốc liệt, nông dân thì loay hoay.

Đến ngày 3/11, tỏi  Lý Sơn (H.Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được Đoàn Thanh niên giải cứu 15 tấn, đang tồn đọng hơn 250 tấn.

Chị Trần Thị Tuyết - ở thôn Đông, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn - đang ngồi lột tỏi, lựa những tép to để chuẩn bị xuống giống. Vẫn lối trả lời thiệt như đếm của dân đảo, rằng năm này lỗ chết em ơi. “Nhà chị tồn đọng 1 tấn, giờ không biết tính sao”.  Nỗi lo lắng, mệt mỏi như muốn nhảy ra khỏi mắt. 

Toi Ly Son ngac ngoai vi 'ta hai minh'
Tỏi tồn đọng ở Lý Sơn hơn 250 tấn

Tỏi ế vì tiếng xấu “tỏi giả”

“Bà con vẫn trữ mà, nhưng từ tháng 11 này trở đi, nếu không bán được, đến tháng Một là nảy mầm” - ông Phan Hữu Có, chủ cơ sở gạo, đứng bên cạnh xen vào: “Tỏi chứ phải gạo đâu mà bỏ vô nấu cơm, xay bột đúc bánh xèo”. Chị Tuyết nhẩm tính: “Một sào tỏi, đầu tư hết 20 triệu đồng. Giá bán năm ngoái là 120.000 đồng/kg, nay chỉ còn từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, lỗ 10 triệu đồng/sào”. Bà Hai Nhị ở bên kia đường nói vọng qua: “Nhà tao còn tấn rưỡi đây, không bán được thì tết nay ăn tỏi trừ cơm”. Nói rồi, bà ho khan. Tôi nghe như cát đang chảy trong vòm họng, rát nóng.

Ông Võ Xuân Trực dẫn tôi về nhà. Già rồi, ông không đi biển nữa, vợ chồng già bám 2 sào tỏi để sinh sống. “Cháu à, nông dân Lý Sơn chỉ biết có tỏi, hành để sống. Bán không được thì chết đứng thôi”. Đôi mắt già nua nhìn tôi tuyệt vọng. Ngay trước gian chính căn nhà, mấy bao tỏi đứng cạnh nhau như chôn chân nhìn chủ. Ông xọc tay vào bao tỏi, vốc lên, những củ tỏi to căng, trắng ngà, như mắt mở to nhìn không chớp. “Đây, loại này năm ngoái 120.000 đồng/kg, nay giá còn 1/3. Kiếm được đồng lời, đỏ con mắt…”. 

Đời dân Lý Sơn là vòng quay đời tỏi. Mùa này, chuẩn bị xuống giống, tháng Ba thu hoạch, vào đoạn từ tháng Tư đến tháng Mười là hành. Để củ tỏi nằm được xuống dưới đất, 1 sào tốn 15 công. Cát trồng phải thay liên tục, mùa nào cũng phải mua. Cát bây giờ 100.000 đồng/m3; mỗi sào tỏi gần 8m3. Ai không có sức thì phải  mướn, 400.000 đồng/người/ngày. “Đất nông nghiệp ít lắm, mỗi nhân khẩu được cấp từ 100 - 150m2 thôi, cứ miếng đất đó lật lên úp xuống, kiếm ăn. Giờ thì lo quá”.  Anh Minh - ở thôn Đông - cãi: “Làm chi tới 150m2/người? Như nhà anh nè, 20 năm trước đã chia rồi, 90m2/người. Lưu ý là 15 - 20 năm trước nghe, chứ như bây giờ đất đâu nữa mà chia”.

Lời ông Trực theo tôi ra cánh đồng tỏi thôn Đông. Cát trắng như những tấm khăn choàng khổng lồ trải từng ô, kéo dài đến sát chân núi Thới Lới. Thấp thoáng bên đường, hành tím chất đống khi mùa thu hoạch hành đã vào đợt cuối. Ông Đinh Lục Khang đang giúp con trai chất hành lên xe máy chở về. Ông là người thứ năm tôi hỏi chuyện tỏi, thấy mắt họ đều cùng một màu xám gió, buồn thiu. Ông còn 4 tấn tỏi ở nhà. “Thì thanh niên tình nguyện có mua giúp, nhưng ai cũng đọng, mua sao hết?”. 

Toi Ly Son ngac ngoai vi 'ta hai minh'

Những con số nối dài, chất chồng. Tỏi đọng nhiều được cho là do tỏi Ninh Hiển, Ninh Hòa ở Khánh Hòa đưa về Lý Sơn, trộn lẫn tỏi ở đây và dán mác tỏi Lý Sơn. Tỏi trong đó 15.000 đồng/kg, về Lý Sơn chỉ cần bán 30.000 đồng/kg là đã lời to. Ông Phan Hữu Có gay gắt: “Cũng dân Lý Sơn cả đó, mấy chục người ở đây bỏ ruộng vô đó làm, đất trong đó nhiều, trồng vô tư, họ mang về đây, giết bà con quê hương. Trăm sự cũng vì đồng tiền làm mờ mắt”. 

Tôi hay lăn tăn chuyện rằng, muốn ra Lý Sơn, chỉ có một con đường là từ Sa Kỳ (H.Sơn Tịnh) đi bằng đường thủy, vậy họ chuyển về bằng đường nào để trà trộn khiến thương hiệu tỏi Lý Sơn lu mờ, mất giá, khiến khách từ đất liền ra truyền tai nhau dặn dò, là coi chừng tỏi giả? Bà con cho hay, họ chuyển ra bằng thuyền đánh cá hoặc thuê thuyền đi ban đêm, tấp lên bờ là xe tải chực sẵn chở về, trà trộn. Hoặc họ không cần trộn, cứ đưa ra ban đêm, sáng mai đường đường xuống tàu Lý Sơn đi TP.Quảng Ngãi. “Cãi à? Tỏi tôi từ Lý Sơn vô đây, không phải của Lý Sơn thì của ai?”. Đấy, những chiêu ma chước quỷ tinh vi, đục bẩn do tham tiền mà ra đã nhấn chìm thương hiệu, niềm kiêu hãnh của sản vật tại đảo tiền tiêu này xuống biển. Tỏi chìm đi, nông dân trên bờ đứng khóc. 

Dân bỏ tỏi, chuyển qua... trồng hành

Không lẽ chính quyền bất lực? Câu trả lời từ lãnh đạo huyện là, chuyện tỏi giả đã có nhiều năm, nhưng năm nay, người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay. Chữ tín đã mất, liệu có vớt được không? Họ nói rằng, huyện đã rất nhiều lần tuyên truyền, kiểm tra, tịch thu, nhưng đâu vẫn vào đó. Vậy chính quyền bó tay? Một lãnh đạo thường trực huyện ủy nói: “Tình hình đã lên đến đỉnh điểm rồi, không thể nhẹ tay được nữa. Nhưng có cái khó là, Lý Sơn đất chật người đông, các dòng họ trên đảo chen nhau, nên mối quan hệ bà con chặt lắm. Cán bộ huyện cũng là con em Lý Sơn, họ còn nể nang, thậm chí làm ngơ cho chuyện quản lý tỏi giả”. Huyện đã có lần tịch thu, nhưng trả về lại đất liền. Làm như thế, khác nào dung túng cho họ tiếp tục phá hoại tỏi Lý Sơn. Về nguyên tắc, thu là phạt, sau đó là hủy, không có chuyện trả lại gì cả. 

Ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư Huyện ủy H.Lý Sơn - nói: “Giải cứu tỏi là mừng, nhưng chỉ là tình thế. Chúng tôi sẽ làm mạnh để cứu bà con nông dân”. Chín năm trước, tôi nhớ huyện đã lập Hiệp hội Sản xuất chế biến và kinh doanh tỏi Lý Sơn với quyết tâm làm cho ra tấm ra món về bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc. Tôi hỏi lại chuyện này, một vị phì cười: “Lập hội cho vui đó mà. Tỏi giả lộng hành đó, mấy ổng có làm được chi đâu.  Nó mua tỏi nơi khác, về mua nhãn Lý Sơn dán lên, chỉ chừng đó thôi, cũng bó tay rồi, đừng nói chuyện tem tiếc". 

Toi Ly Son ngac ngoai vi 'ta hai minh'
Bà con đảo Lý Sơn đang trông chờ hành sẽ cứu tỏi

Lý Sơn đã vào mùa biển động, tàu bè có thể bị cấm ra biển bất kỳ lúc nào. Bạn tôi - dân cố cựu ở đây - nói rằng, để đó mà coi, tháng 11 âm lịch trở đi, tỏi Ninh Hiển cầm cự đến đó là hết, bởi nó sẽ bị hư nhũn, lúc đó tỏi Lý Sơn sẽ trở lại, nên có người ở đây mua trữ 10 tấn, chờ tết bung ra. Nhưng đâu phải ai cũng có tiền và liều lĩnh chờ như thế. Mùa này là bắt đầu xuống giống vụ mới, tỏi dù có rẻ như cho cũng phải bán, bởi nhà nông tiền đâu có sẵn. Không bán được tỏi là túng bấn liền, và cũng không thể tư duy giữ thương hiệu bao đời bằng cách chờ người khác chết. 

Chị Tuyết than phiền rằng, giờ tỏi nhiều quá, ai cũng trồng được, tỏi Trung Quốc giá rẻ như bèo tràn ngập, nên khó bán. Thị trường khốc liệt, nông dân thì loay hoay. Lý Sơn gắn liền với tỏi, “bộ mặt” của huyện là đây, thì đâu chỉ là chuyện cứu sống củ tỏi, mà còn là thân phận người dân. Tỏi khắp nơi tràn lan, nhưng người tiêu dùng vẫn ưa tỏi Lý Sơn bởi chất lượng độc đáo. Không cứu được nó, không thấy được nguy cơ tỏi Lý Sơn biến mất, lỗi nông dân một thì lỗi chính quyền mười. 

Ông Nguyễn Viết Vy nói rằng, đang có tín hiệu tốt cho củ tỏi Lý Sơn, đó là một công ty Nhật Bản muốn đầu tư nhà máy tại đây để sản xuất tỏi đen, tinh dầu tỏi từ nguyên liệu tỏi Lý Sơn. Nếu điều đó là thực thì lối ra đã có. Họ sẽ bao tiêu sản phẩm, với quy trình nghiêm ngặt từ trồng đến thu hoạch. Chỉ có cách đó, nông dân mới hết thấp thỏm đứng ngồi, trông chờ vận may.

“Có không anh?” - ngẩng mặt lên từ đống hành ngổn ngang, quệt mồ hôi, ông Nguyễn Quang Bề hỏi lại tôi kèm theo cái nhìn hoài nghi khi tôi nói thông tin vừa rồi. Câu hỏi cũng chìm đi khi dội lên tiếp điệp khúc than thở . “Không có mùa hành năm này được giá, chắc quẫn mất thôi. 35.000 đồng/kg hành, tôi thu hoạch 7 tấn, kiếm cũng được vài triệu tiền lời. À, mà đừng chơi kiểu hết tỏi tới hành bị chê, chắc nhảy biển quá. Anh thấy đó, mùa này bắt đầu làm tỏi, nhưng nhiều nhà bỏ tỏi qua trồng hành, vì sợ bà con chửi ngu”. Ông đùa chua xót, nói xong quày quả bước vô ruộng. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI