Tới lượt sách Tiếng Việt lớp Một bộ Kết nối tri thức và cuộc sống bị tố có “sạn”

27/11/2020 - 08:03

PNO - Các đoạn văn quá dài, câu từ ngoằn ngoèo khó đọc, khó nhớ. Cô đọc còn méo hết cả miệng, nói gì học sinh. Vừa dạy học trò vừa thấy bất lực…

Đó là tâm sự của một số giáo viên đang dạy lớp Một tại TP.Hà Nội về sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp Một của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống.

Sau 12 tuần dạy chương trình lớp Một theo SGK mới, cô giáo N.Y.N., Trường tiểu học Liên Châu (H.Thanh Oai, TP.Hà Nội), bức xúc cho biết: “Ngay ở những tuần học đầu, SGK Tiếng Việt lớp Một của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống đã xuất hiện những câu từ tối nghĩa, câu văn ngang khiến học sinh khó đọc, khó hiểu và khó nhớ. Có những bài dạy xong không hiểu nội dung đoạn văn muốn truyền đạt điều gì”.


Cô N. lấy ví dụ trong bài tập đọc số 54 có đoạn: “Mưa rào lộp độp. Họ nhà nhái tụ họp thi hát đón cơn mưa đầu mùa. Mặt ao ran ran bài ca ì ọp, ì ọp. Đàn cá cờ lóp ngóp bơi đến, lâu lâu lại ngoi lên đớp mưa”. Theo cô N., từ “ì ọp” rất khó đọc, khó hiểu với học sinh lớp Một. Hơn nữa, cũng không có con nhái nào kêu ì ọp cả.

Trong đoạn văn còn xuất hiện từ “lóp ngóp”, diễn tả trạng thái mệt mỏi, kiệt sức nhưng đặt trong ngữ cảnh của đoạn tập đọc trên thì sai. Bởi, trời mưa thì đàn cá phải thích thú, phải bơi tung tăng chứ không phải mệt mỏi mà dùng từ “lóp ngóp”.  

“Tôi nghĩ rằng, kể cả tập đọc cũng cần những câu văn mềm mại, dễ hiểu. Trong khi bài tập đọc trên thì câu văn cụt ngủn, giữa các câu còn không hề có sự liên kết. Một học sinh lớp Một mới học vần nhưng tập đọc lại yêu cầu đọc đoạn quá dài. Những vần khó hiểu như lộp độp, ì ọp, lóp ngóp… không ít học sinh khổ sở đọc nhưng vẫn phát âm không đúng. Có em đọc đến méo miệng vẫn chưa chuẩn”, cô giáo N. kể.

Theo các giáo viên, đoạn văn ở bài số 52 có âm điệu rất ngang, khó đọc, có đọc được thì học sinh cũng không hiểu gì về nội dung. Đây là đoạn văn cho học sinh làm quen vần “ut” và “ưt”: “Trận đấu thật gay cấn. Lúc đầu, đội bạn chơi rất hay, đội nhà bị dẫn một bàn. Bất ngờ, cầu thủ số 7 sút xa, tỷ số là một đều. Phút chót, số 7 lại bứt phá ghi bàn. Khán giả hò reo, nhảy múa”.

Nhiều đoạn văn trong sách giáo khoa Tiếng Việt  lớp Một của bộ  Kết nối tri thức và cuộc sống được  cho là quá dài,  khó đọc và khó nhớ với học sinh
Nhiều đoạn văn trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống được cho là quá dài, khó đọc và khó nhớ với học sinh


Giáo viên tại một trường tiểu học thuộc H.Thanh Oai kể, trong quá trình dạy SGK Tiếng Việt lớp Một của bộ sách này cũng gặp không ít khó khăn khi hướng dẫn học sinh đọc những bài tập đọc quá dài, chứa nhiều từ khó như: “Nếu lên Tây Bắc, bạn hãy đến Sa Pa. Vào mùa hè, mỗi ngày ở đây như có bốn mùa. Sa Pa có Thác Bạc, có Cầu Mây, có các bản Tả Van, Tả Phìn, Sín Chải”.

Hay bài vè trong bài số 32 sau: “Ve vẻ vè ve/ Vè bốn chú lợn/ Nhởn nhơ nô giỡn/ Ăn ngủ vô tư/ Hẳn là họ “Trư”/ Là to tròn thế/ Ve vẻ nghe kể/ Bốn chú lợn con”. Theo các giáo viên, những bài đọc quá dài, có nhiều từ khó... không phù hợp để đưa vào chương trình lớp Một.

Không chỉ giáo viên thấy “khó chịu” khi dạy SGK này mà ngay cả phụ huynh cũng cảm thấy bất lực khi kèm con học. Chị Nguyễn Phương My, phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Cao Dương (H.Thanh Oai), cho biết: “Vợ chồng tôi vò đầu bứt tai khi giúp con chuẩn bị bài học. Trong bài tập đọc giới thiệu về vần “en” nhưng khi ghép vần SGK lại ghép thành “khèn”.

Tôi không biết phải giải thích với con thế nào về nghĩa của từ “khèn” vì nhạc cụ này không phổ biến, trẻ con thường hiếm thấy nên sẽ khó giải thích. Để mình họa cho vần “en” có thể dùng “khen” cho dễ hiểu. 

Liên quan đến những thông tin về SGK Tiếng Việt lớp Một của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: theo Thông tư 33 về việc thẩm định chỉnh sửa nội dung SGK có nói rất rõ, SGK không phải là tài liệu bất biến. Một số thông tin của các địa phương như dân số, hành chính… mỗi năm đều có thay đổi.

Nếu tình hình thực tế thay đổi, SGK phải cập nhật bổ sung thường xuyên. Tức là tác giả và nhà xuất bản phải tự rà soát để cập nhật những thông tin phù hợp với thay đổi thực tế. 

Ngoài ra, dựa trên những phản hồi của giáo viên, nhà trường, các chuyên gia trong quá trình sử dụng sách thì các tác giả và nhà xuất bản phải tiến hành rà soát, nghiên cứu lại những ý kiến đó, nếu điều chỉnh hay chỉnh sửa phải báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc này diễn ra hằng năm. Như vậy, nếu có gì chưa hợp lý, tác giả và nhà xuất bản có trách nhiệm bổ sung nội dung, thậm chí nếu sai thì có thể hiệu đính, chỉnh sửa để hoàn thiện hơn.

Đại Minh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI