Tôi lỡ yêu cấp dưới của mình

19/02/2025 - 17:05

PNO - Quên đi là để cho mình được bình yên, thanh thản. Vì rõ ràng là mình đang sai khi nghĩ về một người, một điều mà mình không được quyền nghĩ, không được quyền yêu thương, không được quyền giành giật.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi yêu anh ngay từ lần gặp đầu tiên dù biết anh có vợ và là cấp dưới của tôi. Sau một thời gian làm việc với nhau, tình cảm của tôi với anh ngày càng lớn, bất chấp mọi rào cản, khác biệt.

Nhưng anh không hề nhận ra điều đó. Tính anh hồn hậu, chân thật, thông minh, siêng năng, chăm chỉ. Vì là cấp trên của anh nên tôi thường chứng tỏ mình là đàn chị dù tôi chỉ hơn anh 6 tháng.

Anh có vẻ rất kính trọng, lễ phép với tôi. Không biết rằng đó là tình cảm, sự tôn trọng thật sự hay chỉ vì tôi là cấp trên. Dưới vỏ bọc cấp trên, cấp dưới và anh là người có chuyên môn giỏi, tôi thường yêu cầu anh đi công tác cùng.

Có vẻ anh vẫn không nhận ra điều gì trong việc tôi nâng đỡ và dành nhiều ưu ái cho anh. Giờ đây tôi càng lúc càng yêu anh nhưng không thể mở lời vì anh có vẻ rất yêu thương gia đình, thường xuyên nhắc và khoe vợ con với tôi. Khi đi công tác chung, anh còn nhờ tôi góp ý mua quà cho vợ con anh.

Tôi vừa muốn gần anh, vừa đau lòng vô cùng khi thấy anh chỉ biết đến gia đình mình, vô tình với tình cảm của tôi, vừa hiểu rằng đó là điều tất nhiên và cũng vì thế mà tôi yêu anh hơn.

Giờ đây, tôi rất phân vân, muốn anh rời xa tôi, qua nơi khác làm việc hay ít nhất là sang bộ phận khác để tôi không phải tự đấu tranh với bản thân nữa. Dù vậy, tôi lại sợ rời xa anh.

Hơn nữa, ở đây anh đang làm việc rất tốt. Tôi hiểu anh và năng lực của anh, hiểu cách anh làm việc nên luôn có thể ngầm giúp anh. Sợ rằng anh đi nơi khác sẽ không được như vậy.

Tôi nên làm gì để được nhẹ nhàng quên đi, để anh không bị thiệt thòi và khó khăn vì bị tôi đẩy đi? Tôi có nên nói với anh tình cảm của mình?

Hạnh Ngân

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chị Hạnh Ngân thân mến,

Có những việc người ta hỏi nhau: Làm sao để làm điều đó? Làm gì để có được điều đó?... Hạnh Dung chỉ có một câu trả lời hết sức đơn giản: Bởi vì người ta biết rằng phải làm điều đó, không có cách nào khác. Khi nghĩ như vậy, người ta sẽ tìm ra cách để làm.

Như chị hỏi: "Làm sao để quên đi?", Hạnh Dung trả lời: Chỉ có một cách đơn giản là chị nên hiểu rằng cần phải quên đi. Khi biết rằng người ta hoàn toàn vô tư với mình, người ta có gia đình và yêu gia đình, người ta đang hạnh phúc... thì chị chỉ còn một cách: cố gắng quên đi.

Quên đi chính là yêu người. Vì nếu mình cố gắng xen vào, cố gắng nói ra là mình làm xáo trộn cuộc sống của người ta. Ít hay nhiều, người ta cũng sẽ bất an, xốn xang, nếu đó là người hiền lành, tử tế. Còn nếu không có bản lĩnh, người ta sẽ lo lắng vì người ta là cấp dưới. Chuyện có thể ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo cả một gia đình mà người ta có trách nhiệm, yêu thương, làm sao không lo lắng?

Quên đi là để cho mình được bình yên, thanh thản. Vì rõ ràng là mình đang sai khi nghĩ về một người, một điều mà mình không được quyền nghĩ, không được quyền yêu thương, không được quyền giành giật.

Những ý nghĩ xấu, mong muốn xấu, ý đồ xấu sẽ ảnh hưởng đến ta đầu tiên. Như con sói hỏi con thỏ: "Vì sao mày luôn hớn hở, còn tao luôn bực bội cau có?", con thỏ trả lời: "Vì tôi luôn nghĩ tới những điều vui vẻ tốt lành còn anh chỉ muốn ăn thịt người, hại người".

Vậy thì, để có thể làm được điều mà chị hiểu là không thể không làm, hãy nghĩ tới mình đầu tiên và nghĩ tới người mình yêu. Yêu không được thì hãy thương. Như thương một người em thật sự, như chị xưng hô và người ấy có lẽ cũng đang nhìn chị như một người chị - cấp trên tốt bụng...

Nếu chị tự thay đổi bản thân thì tốt cho cả hai - chị bình yên mà người ấy cũng bình yên. Không phải tìm cớ, tìm cách để đẩy người ấy đi, làm hại đến người ấy mới là sự mạnh mẽ, dũng cảm và đúng đắn.

Hãy nghĩ đến con đường dài sau này của lương tâm khi chị làm sai, từ yêu thương trở thành làm hại người ta, khiến người ta long đong vất vả, mệt mỏi và có lẽ sẽ rất tổn thương bởi không hiểu vì sao mình lại bị đối xử bất công.

Tất nhiên, một người tốt, một người giỏi, một người luôn nỗ lực, cố gắng rồi cũng sẽ vượt qua những khó khăn để tiếp tục đi tới; chỉ có chính chị mới khó khăn sau đó.

Liệu rồi nếu tìm cách đẩy người ta đi, chị có tha thứ được cho bản thân? Ích kỷ như thế sao gọi là yêu thương!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI