Tôi là trái bắp bị lột vỏ

05/05/2024 - 11:45

PNO - Nếu cứ chu cấp, cứ đáp ứng tất cả vô điều kiện, chị sẽ tạo thói quen ỷ lại, không tốt cho tính cách và cuộc đời các con sau này.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi năm nay 56 tuổi, chồng bỏ đi lúc tôi 38 tuổi để lại 2 đứa con một mình tôi nuôi nấng dạy dỗ. Tôi đã cắn răng chấp nhận làm tất cả mọi việc, từ giúp việc nhà, nấu bếp thuê, làm vườn, nhặt nhạnh từng đồng để nuôi con.

Trời thương cho sức khỏe, tôi cứ vậy kiếm sống lần hồi cũng tích lũy được chút vốn liếng, đủ làm cái sạp nhỏ bán trái cây. May mắn là căn nhà lụp xụp mua giấy tay sau này cũng làm được giấy tờ chủ quyền, mấy mẹ con có chỗ trú.

Bây giờ, tôi mở hàng bán trái cây tại nhà. Công việc coi vậy nhưng cực lắm, chuyện đi lấy hàng, sắp dọn, mua bán… gần như từ sáng đến tối.

Điều khiến tôi buồn là 2 con đã lớn nhưng tôi không nhờ được gì. Con gái đã kết hôn, ở nhà chồng, vài ba ngày con có ghé nhà cũng là để kiếm thứ này thứ khác, khi thì bịch trái cây, lúc thì xin tiền, có khi còn hỏi mượn tiền.

Con trai đi học từ sáng đến chiều, hầu như không thấy ở nhà, chỉ khi nào xin tiền đóng học phí, tiền xài, tiền ăn thì mới thấy mặt.

Dạo gần đây con có bạn gái, chiều chuộng dữ lắm. Chỉ có bản thân tôi, từ sáng đến tối lo công chuyện, buôn bán, dọn dẹp, việc gì cũng phải làm.

Tôi còn có 2 anh chị và ba má, mỗi tháng cũng phải gửi tiền, lâu lâu còn cho vay mượn tiền bạc. Cha chồng cũ của tôi mới đây vô thành phố khám bệnh, có ghé lại nhà chơi đi tới đi lui khen làm ăn được, tôi nghe mà thấy lo, không biết mai mốt có hỏi tiền không.

Tôi thấy mình như trái bắp, con cái, nhà chồng cũ, anh chị mỗi người cứ nhắm vào mà lột vỏ. Mỗi ngày, cái sạp trái cây phải gồng biết bao thứ tiền. Bao nhiêu năm qua tôi chưa hề được nghỉ ngơi thong thả một ngày.

Tôi thấy mình đang bị những người xung quanh lợi dụng, bóc lột nhưng không biết làm sao để chuyện này dừng lại.

Võ Thị Nga (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Nga thân mến,

Để giải quyết chuyện lột vỏ trái bắp, quan trọng nhất chính là… bản thân trái bắp. Các lớp vỏ có dễ lột, lột hết lớp này có lớp khác thì người ta mới xúm nhau lột, chứ nếu vỏ của mình cứng, chắc hoặc chẳng còn gì để lột, người ta sẽ dừng lại.

Câu chuyện của chị có thể sẽ giải quyết được nếu chị cứng rắn lên, học cách nói “không” với những đòi hỏi vô lý. Đồng thời, chị nên tập điều chỉnh bản thân, đừng sợ mất lòng người khác.

Có thể suốt một thời gian dài chị đã hết sức nỗ lực để làm việc, nuôi dạy con. Trong tâm thế một người mẹ, chị cố gắng để không làm mất lòng người khác, không để ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình ít ỏi còn lại.

Việc cố gắng làm hài lòng mọi người, việc thường xuyên hy sinh những nhu cầu của bản thân đã “định hình” nên con người chị trong mắt người thân xung quanh. Từ đó, họ mặc định có thể hỏi, có thể yêu cầu chị bất kỳ việc gì.

Nếu mình không làm khác đi, quán tính này vẫn sẽ tiếp tục. Ngày càng có thêm nhiều người, nhiều yêu cầu; đến lúc nào đó, chị sẽ kiệt sức. Có khi đến lúc đó chị còn bị trách ngược.

Bước đầu tiên có lẽ là khó nhất: đừng đồng ý ngay, đừng gật đầu ngay khi người khác đòi hỏi. Chị nên dành thời gian cân nhắc xem mình có thể, có nên đáp ứng yêu cầu đó.

Dù là chuyện nhỏ hay chuyện lớn, cũng cần cân bằng nó với khả năng hiện tại của mình. Chỉ những việc nào thực sự quan trọng, không giúp không được thì mới nên giúp mà cũng không cần phải giúp hết. Chị chỉ cần làm trong khả năng của mình.

Chị cần tự cho mình thời gian để nghỉ ngơi, cần tự dành dụm cho bản thân, rồi sẽ có những lúc mình cần đến. Ngay cả các con, hãy để chúng tự thu xếp cuộc sống riêng. Chị đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nuôi dạy con cái đến tuổi này rồi. Nếu cứ chu cấp, cứ đáp ứng tất cả vô điều kiện, chị sẽ tạo thói quen ỷ lại, không tốt cho tính cách và cuộc đời các con sau này.

Chúc chị mạnh dạn thay đổi cách nghĩ cách làm để được bình an hơn.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Minh Nhã (huyện Châu Thành, Tiền Giang): Nói rõ với các thành viên gia đình về tình hình tài chính hiện tại

Với con gái, bạn nên giải thích để con hiểu rằng bạn không thể chu cấp tài chính cho con mãi mà cô ấy cần tự lập về tài chính. Bạn có thể hỗ trợ bằng nhiều cách thay vì đưa tiền. Ví dụ khuyên con tìm kiếm công việc làm thêm hoặc giúp con tập tành kinh doanh trái cây online để trang trải chi phí cá nhân.

Với con trai, bạn cũng phải giải thích tầm quan trọng của việc học tập, lập kế hoạch cho tương lai, sử dụng tiền có kế hoạch, tránh lãng phí.

Bên cạnh đó, bạn cần giải thích để anh chị em, ba má hiểu rằng tiền bạc của bạn không nhiều, bạn đang có gánh nặng tài chính riêng - lo cho con ăn học. Sau đó, bạn đề xuất anh chị em, mỗi người đóng góp một khoản tiền cố định để hỗ trợ ba má hằng tháng thay vì chỉ dựa vào bạn.

Riêng với ba chồng cũ, bạn có thể giải thích rằng bạn cần ưu tiên chăm sóc con cái. Phải khẳng định cho ba chồng cũ thấy rằng bạn không thể hỗ trợ tài chính cho ông. Hãy mạnh dạn nói không khi ông đề nghị.

Thanh Hoa (quận Bình Tân, TPHCM): Chia sẻ việc nhà cho tất cả thành viên

Bạn đã lớn tuổi nên cần lên kế hoạch để bản thân có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn xứng đáng được nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống sau một đời tảo tần vì con.

Lối sống hiện đại đã khiến con gái bạn ngày càng ích kỷ, hời hợt, ít quan tâm, hiếu thảo với ba mẹ. Hãy tâm sự với con rằng bạn đang mắc một số bệnh lý tuổi già nên cần nghỉ ngơi, cần sự hỗ trợ từ con.

Hãy lên kế hoạch chia sẻ công việc nhà cho tất cả thành viên. Ví dụ như khuyến khích con trai làm việc nhà, sắp dọn hàng trái cây; con gái muốn lấy trái cây hoặc mượn tiền thì phải giúp mẹ dọn dẹp, nấu nướng, phụ mẹ đi chợ lấy trái cây hoặc trông coi sạp… Bạn nên chia sẻ cụ thể thời gian, tần suất công việc mà bạn muốn con hỗ trợ trong tuần để con có thể sắp xếp.

Trong tuần, bạn có thể chọn cách đặt thức ăn chế biến sẵn để đỡ thời gian nấu nướng, thuê dịch vụ giúp việc nhà (khoảng 1 lần/tuần). Nói rõ nếu con không hỗ trợ thì bạn buộc phải bỏ tiền để thuê dịch vụ, đồng nghĩa số tiền bạn cho con sẽ ít đi. Như vậy con sẽ ít vòi vĩnh, hiểu được tầm quan trọng của việc chia sẻ công việc trong gia đình.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI