PNO - Tôi đã trải qua mọi thăng trầm cảm xúc, mọi đớn đau, phẫn nộ và tuyệt vọng đểđược sống đúng với con người “khác thường” của mình, được yêu thương và hi vọng vào tương lai như mọi người bình thường khác.
Tôi còn rất trẻ, còn nhiều ngày tháng nữa mới bước đến ngưỡng cửa ba mươi. Nhưng những tháng năm đã qua là một hành trình dài đầy cam go.
Câu hỏi “Tôi là ai?” và sự ghẻ lạnh thời thơ ấu
Tôi nhận ra sự khác thường trong cảm xúc của mình ngay từ khi học lớp một. Lúc ấy, tôi thích mấy bạn gái trong lớp một cách đặc biệt và luôn sẵn sàng cho các bạn cái bánh hay chiếc kẹo của mình. Nhưng khi ấy, tôi còn quá hồn nhiên để biết rằng, mình thực sự “khác biệt” với thế giới.
Tammy Cao đã trở thành một chàng trai thực thụ. |
Lên cấp hai, giai đoạn dậy thì trở thành cơn ác mộng đáng sợ chưa từng thấy. Nếu các cô bạn khác mau chóng làm quen với những ngày “đèn đỏ” rồi trở nên điệu đà hơn, nữ tính hơn thì trái lại, tôi vô cùng sợ hãi và căm ghét sự thay đổi của cơ thể mình.
Có những đêm tôi ứa nước mắt vì hoảng loạn khi nhìn đôi mầm nhỏ nhú lên trên ngực, tôi chỉ ước mình vẫn “phẳng lì” như tụi con trai để tha hồ cởi trần khi ở nhà, hay ôm vai bá cổ tụi nó ở lớp.
Năm lớp chín, tôi nhận ra mình rất thích một cô giáo trong trường. Cô dịu dàng, thấu hiểu, và luôn sẵn sàng lắng nghe những điều khó nói nhất của tôi. Một lần, tôi lấy hết can đảm tâm sự với cô rằng, hình như mình “bị đồng tính”. Cơn bão đầu tiên trong đời ập đến khi ba mẹ tôi biết chuyện và dạy dỗ tôi bằng những trận đòn đau đớn, bạn bè trong trường gọi tôi là đồ “đồng bóng”, “ô môi” còn các thầy cô giáo khuyên tôi đi… chữa bệnh.
Đứa trẻ mười bốn tuổi là tôi khi ấy đau đớn không chỉ vì những vết lằn sâu của đòn roi trên thân thể mình, mà còn vì những lời rủa xả cay độc, những ánh mắt khinh thường, chế giễu, xa lánh của đám bạn vốn ngày thường thân thiết bao nhiêu. Cho đến tận bây giờ, cảm giác tuyệt vọng và cô độc khi ấy vẫn thỉnh thoảng quay về ám ảnh tôi trong những giấc mơ đầy nước mắt.
Những buổi hẹn hò “không cảm xúc”
Sau biến cố ấy, tôi khép mình lại trong cái vỏ lầm lì, ít nói, khó gần suốt những năm học cấp ba và cả thời sinh viên lẽ ra phải vô cùng tươi đẹp. Tôi không dám mở lòng với bất kỳ ai bởi rất sợ phải nhận về những tổn thương đau đớn.
Tôi chỉ biết đến trường, cắm đầu học rồi về nhà, cố lẩn tránh cái nhìn lạnh nhạt và giận dữ của cha mẹ. Nhiều lần, mẹ “vẽ” ra cho tôi con đường đời bằng phẳng mà tôi nhất định phải đi nếu muốn ba mẹ “nở mày nở mặt”: học xong đại học, đi làm, lấy chồng, sinh con đẻ cái.
Cũng đã hơn một lần tôi ép mình phải “hẹn hò” một anh chàng nào đó với ước mong có thể yêu đương bình thường như mọi người. Nhưng đứng trước đàn ông, tôi chỉ thấy sự chai sạn, khô khan như thể giữa những người bạn cùng giới.
Mất một thời gian khá dài Tammy mới nhận ra mình thực sự là ai |
Đến một ngày, tôi nhận ra mình không thể lẩn trốn thêm bởi lẽ cuộc đời này đâu quá dài để sống mãi trong lớp vỏ bọc ngột ngạt và tù túng như vậy. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc về những người đồng tính. Phải mất một quá trình dài để tôi hiểu hết các khái niệm và nhận ra mình thực sự là ai.
Tôi hoàn toàn không phải người đồng tính nữ như trước nay từng ngộ nhận. Giới tính sinh học của tôi là nữ, nhưng bản dạng giới (nhận định, cảm nhận giới tính của mỗi cá nhân về chính bản thân mình) của tôi là nam. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, một người “chuyển giới” là người đã có can thiệp về mặt y học. Thực chất, cho dù chưa thực hiện bất kỳ can thiệp nào, tôi vẫn là người chuyển giới vì điều đó được quyết định bằng tư duy và nhận thức của chính tôi.
Hành trình “lột xác” thành một chàng trai thực thụ
Tôi lao vào học như điên và tự nhủ: chỉ có cách tự mình kiếm ra tiền và sống thật đàng hoàng thì mới mong được tôn trọng. Tôi biết cha mẹ mình là những người rất truyền thống, họ sẽ không bao giờ chấp nhận giới tính “khác thường” của con. Nhưng sẽ ra sao nếu tôi để mặc sự ghẻ lạnh ấy cuốn mình theo những sa ngã, buông thả, không tương lai không ánh sáng?
Ra trường, tôi lại lao vào tìm việc. Có những nơi tôi đến, đồng nghiệp nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị ra mặt. Có những chiều khi tan tầm, tôi thả mình đi trong vô định với nỗi đau buốt nhói nơi lồng ngực, vì tôi không biết làm sao để được sống cuộc đời mình muốn?
Rồi tôi gặp em. Em khiến tôi rung động ngay từ cái nhìn đầu tiên, vóc dáng nhỏ bé ấy, nụ cười tinh nghịch và đôi mắt sâu thăm thẳm của em cứ len vào những giấc mơ vụng trộm của tôi. Nhưng tôi chỉ dám âm thầm đi bên em như một người bạn, bởi tôi sợ em không bao giờ chấp nhận một kẻ vừa “khác thường” vừa tơi tả với những vết thương tinh thần như tôi.
Vậy mà, em đã xoa dịu chúng bằng trái tim dịu dàng và thấu hiểu. Em cứng rắn, mạnh mẽ để truyền cho tôi lòng can đảm mỗi khi tôi yếu đuối, rồi lại dựa vào vai tôi khi mệt mỏi.
Tammy trong bộ ảnh của dự án Gender Diversity At Work |
Từ khi có em, tôi không còn tức giận mỗi khi ai đó cố tình gọi sai giới tính của mình dù biết rõ về tôi, cũng chẳng còn bận tâm những cái nhìn châm chọc. Tôi chỉ im lặng làm việc, đáp trả mọi sự soi mói bằng phong thái của một người đàn ông điềm tĩnh. Bây giờ, khi tôi ra đường hay tới công ty, mọi người quen biết đều gọi tôi là “anh” như một cách chấp nhận và tôn trọng con người thực sự của tôi – con người luôn khát khao được sống không cần lớp vỏ bọc nào.
Tôi từng phân vân rất nhiều về việc tiêm hormone nam hoặc phẫu thuật để thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, trước khi được pháp luật công nhận và bảo vệ, tôi cảm thấy điều này chưa thực sự cần thiết. Những năm tháng va vấp để trưởng thành cũng dạy tôi rằng, đàn ông hay không phải thể hiện qua cách hành xử, lối sống chứ không phải ở cơ bắp, râu ria hay giọng nói ồm ồm.
Tranh đấu vì cộng đồng
Bên cạnh công việc thiết kế, tôi luôn ấp ủ những dự án truyền thông giúp xã hội có cái nhìn cởi mở hơn với cộng đồng LGBT – những người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Năm 2015, tôi tham gia sản xuất bộ ảnh “Gender is NOT Uniform” (Giới tính không quyết định đồng phục) nhằm hỗ trợ những người chuyển giới ở học đường. Một cơn bão nổ ra trên cộng đồng mạng, các nhà báo tìm gặp phỏng vấn chúng tôi, và đó là “cú sốc” thứ hai tôi mang tới cho gia đình. Nhưng những phản ứng mạnh mẽ của gia đình không còn khiến tôi buồn nhiều, bởi tôi đã trưởng thành hơn để thông cảm với nỗi đau của ba mẹ.
Năm 2016, tôi tiếp tục cho ra đời bộ ảnh “Gender Diversity At Work” (Giới tính không quyết định năng lực) với mong muốn gửi gắm một thông điệp tích cực về người chuyển giới: Tự tin, xinh đẹp, kiêu hãnh, trí thức và có những vị trí quan trọng trong xã hội. Cả hai bộ ảnh của tôi đều được vinh danh tại LGBTIQ Appreciation Awards – Giải thưởng thường niên tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những tác động tích cực đến cộng đồng LGBT. Hiện, tôi đang ấp ủ những dự án mới để giúp những người chuyển giới nhận được cái nhìn thấu hiểu hơn nữa từ cộng đồng.
PROFILE
news_is_not_ads= TIN MỚI
|