Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em 31 tuổi, đang làm việc tại thành phố. Em sống một mình từ hồi đi học nên cũng quen rồi. Không phải vì em không muốn có thêm bạn bè, mà vì hoàn cảnh của em có những khác biệt, em không muốn mọi người biết rồi đàm tiếu dị nghị.
Thời gian gần đây, em có quen một người. Em biết mình yêu người ta, vì trước nay em chưa bao giờ trải qua cảm xúc này. Đó là một người con trai tốt, đồng nghiệp của em. Anh đã đưa em về nhà chơi, gặp ba mẹ anh. Mọi người đều vui vẻ hỏi thăm về gia đình em. Đây lại là vết thương lòng mà em chỉ muốn giấu kín.
Ba em đã có vợ chính, người đứng tên là mẹ trong giấy khai sinh của em là người vợ chính này. Mẹ ruột của em là người làm trong nhà nội, là bà con rất xa và nghe nói mẹ em không được bình thường về tâm trí. Hoàn cảnh nào mà ba em lấy mẹ ruột em rồi sinh ra em, em cũng không được biết. Chỉ biết em được gia đình chính thức nuôi lớn, chu cấp tiền bạc cho ăn học.
|
Ảnh minh họa |
Từ lúc lớn lên, em đã thấy giữa em với các anh chị em khác trong nhà vẫn có khoảng cách không thể vượt qua. Em đi học xa nhà, rồi một lần về quê mới được mẹ nói cho biết chuyện. Lúc đó, mẹ ruột em đã bỏ quê đi đâu không biết. Em nghĩ mình có hai bà mẹ, em biết ơn mẹ chính đã nuôi dưỡng em lớn khôn, nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ ruột em cảm thấy rất buồn khổ. Bây giờ, em vẫn nghĩ, em đâu có quyền giấu chuyện mình có một người mẹ ruột không bình thường, em đâu có quyền giấu chuyện mình là kết quả của một cuộc hôn nhân không thừa nhận. Nếu biết chuyện này, liệu gia đình bạn trai có còn thương yêu em không?
Minh Hiền (TP.HCM)
Em Minh Hiền thân mến,
Chuyện của cha em và mẹ ruột, mẹ chính của em ngày trước, em không thể can thiệp, có trách cứ hay nói gì đi nữa cũng không thay đổi được. Vậy nên em hãy bình tĩnh đối diện với câu chuyện ấy: em có hai bà mẹ, em được một bà mẹ sinh ra, một bà mẹ nuôi dưỡng cho ăn học nên người.
Cái ơn, cái tình của hai mẹ, em khắc ghi trong lòng không quên. Em trả ơn cho hai mẹ không chỉ bằng cách gặp gỡ, báo đáp mà còn bằng cách sống tốt, sống có trước có sau, sống trung thực và có trách nhiệm như một người con tốt trong gia đình.
Đừng giấu người bạn đời của mình câu chuyện ấy, bởi vì nó quá lớn với em và nó cũng cần được người ấy chia sẻ như một phần con người em, cuộc đời em. Người ta gặp và yêu mình vì chính con người của mình, chứ đâu phải vì câu chuyện nguồn cội gốc rễ.
Một lúc nào đó, em hãy kể với anh ấy về câu chuyện ngày trước của gia đình, về hai bà mẹ. Khi có sự đồng cảm, chia sẻ giữa hai người, anh ấy sẽ biết khi nào có thể nói chuyện với cha mẹ và nói đến mức độ nào. Em sẽ thấy mình nhẹ nhàng hơn khi câu chuyện của mình được một người thân yêu cùng biết, cùng hiểu. Nếu người ta không đủ rộng lượng để hiểu và chấp nhận câu chuyện ấy cũng là một cái may: em sẽ không nhầm lẫn khi chọn lựa người cùng chia sẻ cuộc sống hôn nhân với mình.
|
Ảnh minh họa |
Em nên tâm sự với mẹ chính về những lo lắng buồn vui của mình và thử đi tìm mẹ ruột. Người phụ nữ đã nuôi em hơn 30 năm nay chắc không hẹp lượng. Hãy mở lòng và sống thật trọn vẹn cuộc sống mà hai người mẹ đã trao cho em.
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Kiều Trầm (Q.8, TP.HCM): Hướng về nguồn cội luôn là bản năng của con người
Cô bạn của tôi vừa rồi cũng đi tìm mẹ cô ấy. Gần 30 tuổi bạn tôi mới biết mình là con nuôi. Mẹ cô ấy cũng là một người không được bình thường về tâm trí, bị cưỡng hiếp và sinh ra cô.
Hàng xóm nuôi bạn tôi khôn lớn và học hành đàng hoàng. Trước khi lấy chồng, cha mẹ nuôi mới cho bạn ấy biết sự thật. Đời như tiểu thuyết phải không bạn? Nhưng bạn ấy can đảm lắm. Bạn lập tức nói chuyện với chồng sắp cưới, thưa chuyện với cha mẹ hai bên và đi tìm mẹ.
Nếu là trước kia, có khi tôi đã khuyên bạn giấu nhẹm đi cho lành. Nhưng sau câu chuyện của bạn ấy, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Chẳng qua lần đầu yêu đương hẹn hò bạn bối rối, lo sợ và có phản ứng bảo vệ hạnh phúc của mình thôi.
Viết ra mấy dòng này, có lẽ lòng bạn cũng đã có câu trả lời rồi. Tôi nghĩ rằng đi tìm mẹ và nói thật với bạn trai là điều bạn nên làm.
Tôi tin rằng mọi người đều như thế vì bản năng con người là luôn hướng về nguồn cội. Đừng giấu giếm gì cả vì chẳng có gì giấu được dưới ánh mặt trời. Gia đình bạn trai, người bạn trai kia nữa, nếu vì chuyện bạn là kết quả của một cuộc hôn nhân không thừa nhận mà không chấp nhận bạn, thì thôi bạn ơi, còn có biết bao nhiêu người tốt, biết quý trọng bạn...
Phạm Ánh Tuyết (Q.5, TP.HCM): Sao lại phải băn khoăn?
Về chuyện mẹ ruột, chị khuyên em nên đi tìm, bà mẹ nào chắc cũng rất khổ tâm khi phải rời xa núm ruột của mình. Chị tin rằng bà sẽ vui lắm khi nhìn thấy em khôn lớn trưởng thành. Nhưng em à, dù thế nào cũng phải thưa chuyện với mẹ nuôi mình đàng hoàng bởi công nuôi cũng lớn như trời biển.
Chị cũng không hiểu vì sao em lại băn khoăn chuyện gia đình bạn trai em có còn thương yêu em khi biết chuyện này hay không. Chị e rằng, nếu em không đi tìm gặp mẹ, người ta biết chuyện lại cười trách em.
Hôn nhân là câu chuyện của một đời người. Nếu chỉ vì chuyện nên làm này mà xa rời em, thì buồn làm gì vì người ấy đâu xứng cùng mình đi đường dài. Em nên nghĩ lại. Cứ thật lòng chia sẻ với bạn trai, em sẽ thêm một người động viên và cùng mình tìm kiếm mẹ.
|
Hạnh Dung
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn trực tiếp tại Tòa soạn Báo Phụ nữ: Từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, tới thứ Sáu.