Tôi không thể yêu thương con chồng

02/11/2020 - 05:39

PNO - Em có nên nói thật với chồng rằng em không thể yêu được con anh, anh nên để bé sống với mẹ của bé?

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em năm nay 28 tuổi, đã lập gia đình được hai năm, vợ chồng em chưa có con vì còn vướng một chuyện. Em là “tập hai” của chồng, anh ấy chia tay vợ, con gái bảy tuổi do vợ anh nuôi nhưng anh rất tha thiết mong đưa con về ở với mình.

Em biết mong ước đó từ trước khi chúng em cưới nhau, nên đã thống nhất là khi lo xong chuyện này, vợ chồng em mới sinh con. Mọi chuyện đang có tiến triển, vợ cũ của anh hình như cũng sắp lập gia đình, anh đang vận động chị ấy cho bé về ở với anh. Em cố gắng giúp chồng bằng cách tạo không khí dễ chịu khi anh đưa con đi chơi cùng, mua nhiều đồ chơi, quần áo cho bé. Nhưng thật sự em thấy dù em cố gắng đến mấy, những cố gắng của em không được bé đón nhận.

Được cả ba và mẹ nuông chiều, ai cũng muốn níu kéo về với mình, bé khá chảnh chọe, ích kỷ. Nhiều khi vợ chồng em càng thể hiện tình cảm với bé, bé càng làm ngược lại. Mới bảy tuổi mà bé ma lanh, tinh tướng đến phát sợ. Tết Trung thu vừa rồi, em mua đồ chơi cho bé, bé bảo sao dì không cho con tiền con tự mua đồ con thích. Những quần áo em mua, bé hỏi giá tiền từng cái, chê lên chê xuống, rồi quăng vô tủ không thèm mặc.

Em nghĩ mình cố gắng “nhịn” một thời gian nữa, đến khi mẹ bé lấy chồng, bé cũng phải về ở với ba thôi, chả cần phải lấy lòng làm gì cho mệt. Nhưng đôi khi em nghĩ đến lúc đó mà thấy nặng nề khó chịu, sống chung với đứa trẻ đó hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng. Hay em cứ nói thật với chồng rằng em không thể yêu được con anh, anh nên để bé sống với mẹ là tốt hơn cả?

Thủy Viên (TP.HCM)

Yêu thương con riêng của chồng là việc không hề dễ - Ảnh minh họa
Yêu thương con riêng của chồng là việc không hề dễ - Ảnh minh họa

Em Thủy Viên thân mến, 

Với một cô gái mới lập gia đình, chưa từng trải qua kinh nghiệm làm mẹ như em, “lấy lòng” một đứa trẻ bảy tuổi có ba mẹ ly hôn là việc khó. Khi chưa thật hiểu đứa trẻ, càng tự ép mình cố gắng, nhiều khi mình càng phạm nhiều sai lầm.

Có lẽ bây giờ em nên chậm lại một chút. Đừng vội nói với chồng rằng mình không thích, đừng vội quyết nên để bé sống với mẹ mà hãy cố gắng đặt mình vào đúng chỗ, cố gắng hiểu mọi chuyện và hành xử sao cho các bên đều thoải mái nhất. Em đừng tự gò ép mình, vì quãng chung sống của gia đình em còn dài, càng gắng gượng càng mệt mỏi; càng dễ nảy sinh mâu thuẫn, đổ vỡ.

Em cần nói chuyện với chồng để hiểu tính tình của bé. Một đứa trẻ bảy tuổi có thể chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc ly hôn, từ ba, từ mẹ nhưng rồi mọi chuyện sẽ qua, tính cách của bé chưa phải đã định hình, nhiều thứ còn có thể sửa chữa được. Trong lúc này, mọi cố gắng để giúp chồng em đều phải rất thận trọng. Cuộc thu xếp để bé về ở với ba hay mẹ, em nên để hai người tự giải quyết, để họ tự thuyết phục bé.

Mình tham gia sốt sắng quá dễ gặp phản ứng ngược từ cả hai mẹ con, càng làm mọi chuyện khó khăn thêm. Vai trò của mình là chuẩn bị mọi điều kiện để bé thoải mái nhất khi về sống tại nhà mình. Nhưng về hay không, lúc nào về… phải là quyết định của bé, của cha mẹ bé. 

Vẫn biết em yêu chồng, muốn thu xếp mọi việc cho được thuận ý chồng, muốn ổn định chuyện này để còn xây dựng gia đình, có con nhưng nếu chỉ một mình em tỏ ra vồ vập, yêu thương; còn phía kia nghi ngờ, lạnh nhạt, chẳng sớm thì muộn em sẽ thấy mình bị tổn thương, không thể chấp nhận được. Em cứ xử sự một cách bình thường, cứ là chính mình, không cần phải tỏ ra thế này thế khác. Tình yêu thương, sự gắn bó nào cũng phải từ hai phía. Em hãy cho hai cha con thời gian. Mong rằng mọi chuyện sẽ được thu xếp êm đẹp. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Thanh Thúy (Bạc Liêu): Tình cảm không thể vồ vập

Thi thoảng tôi lại gặp một tình huống na ná thế này ở các chị em lúc hẹn hò với một người đàn ông từng lập gia đình. Tôi có một cô bạn thân cũng ở trong hoàn cảnh hệt như bạn. Thế nhưng ngay sau khi cưới, khi cô bé dọn về ở hẳn với ba, câu chuyện lại rất khác.

Tôi từng nói vui với bạn mình rằng “nếu không rộng lòng thì đừng mang tham vọng làm “mẹ ghẻ” bởi trẻ con nhạy cảm lắm, ai thương mình thật lòng thì các con sẽ cảm nhận được ngay. Thế nên việc mình vồ vập chăm sóc con khác với việc mình quý mến bé thật lòng”.

Thú thật, thương một đứa bé không phải con cháu mình không phải một việc dễ dàng, nhanh chóng. Tôi có cảm giác bạn làm cho xong trách nhiệm nên không hiểu ý bé. Và bởi bên trong bé đã ngấm ngầm chống đối bạn rồi nên mọi chuyện càng phức tạp hơn.

Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, tình cảm không cần sự vồ vập mà hãy thong thả. Hãy đối xử với con bằng sự chân thành và để con tự cảm nhận. Vả lại chuyện con cái của chồng bạn, hãy để anh ấy và vợ cũ quyết định. Mọi ý kiến của bạn chỉ nên dừng ở mức tham khảo.

Bùi Minh Hoa (Q.1, TP.HCM): Đừng cố gắng để yêu thương một ai đó…

Có vài điều tôi cần nói với bạn. 

1. Hãy để con tự quyết những gì con muốn. Mình chỉ nên gợi ý cho con những lựa chọn.

2. Mọi thứ dành cho con hãy thật tự nhiên, như thêm một người bạn vậy. Đừng nhảy xổ vào “yêu thương” hay “bù đắp”. Một đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thường nhạy cảm và dễ bị tổn thương. 

3. Hãy trao đổi với chồng bạn trước khi bạn muốn làm điều gì đó cho con. 

4. Tôi cảm thấy bạn đang cố gắng gượng một cách mệt mỏi. Đừng như thế. Lại gieo thêm ác cảm và hiềm khích cho con mà thôi. 

5. Tình thương luôn là thứ không phải chỉ cần cố gắng. Hãy để tình cảm ấy thực sự xuất phát từ trái tim bạn. Có như thế, tình cảm mới chân thành và chạm đến trái tim của con.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI