Tôi không thể nào tôn trọng gia đình chồng, vì cách sống xấu xí của họ

07/09/2022 - 09:33

PNO - Mỗi gia đình có phong cách sống, mức sống, nề nếp sống, văn hóa sống... hoàn toàn khác nhau.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Thời gian đầu sau khi kết hôn, vợ chồng em được ở riêng, ba mẹ chồng và chị chồng ở quê. Phong cách sống của em và gia đình chồng không hòa hợp lắm. Tuy nhiên, vì ở riêng, chỉ lễ lạt mới về gặp, nên không đến nỗi.

Ác mộng đã thực sự ập tới khi chị chồng ly dị. Thế là cả nhà kéo nhau vào Sài Gòn sống, yêu cầu vợ chồng em phải sống chung (vì nhà đó là của ông bà), không được ra riêng.

Cuộc sống chung thực sự khổ sở. Em bị stress đến mức trầm cảm, vì phải chứng kiến những phong cách sống xấu xí của gia đình chồng: khoe khoang, tự mãn, thích nói xấu người khác, gian dối, ranh mãnh để được lợi cho mình, và lấn lướt người khác.

Bữa cơm nào cũng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, chỉ vì phải nghe họ nhận xét món này món kia, người này người kia. Em đều phải buông đũa sớm vì không thể chịu nổi.

May mắn là sau một năm chịu đựng, hai vợ chồng em cũng được ra riêng. Tuy nhiên, em bị ám ảnh và tổn thương sâu sắc, thậm chí còn cảm thấy sợ và khinh thường cách cư xử của gia đình chồng. Em toàn phải tìm cớ lánh mặt, kết thúc sớm bữa ăn, viện cớ bận việc ít qua nhà, nhằm hạn chế tiếp xúc.

Em biết rằng điều này hoàn toàn không tốt, và khi tâm đã có ý nghĩ không tôn trọng thì lời lẽ và hành động dù gượng ép cũng sẽ thể hiện thái độ. Em không hề muốn điều đó, nhưng cứ bị kẹt trong ám ảnh quá khứ. Em mong nhận được lời khuyên của chị Hạnh Dung.

Nguyễn Hà My

Em Hà My thân mến,

Nghe cách kể chuyện của em, Hạnh Dung chỉ nghĩ được một điều: thương chồng em. Cậu ấy đã phải đau lòng đến thế nào nếu nghe được cách nói chuyện của em về bố mẹ mình?

Em đừng vội trả lời chị rằng chồng em cũng nghĩ như em hay cảm thấy như em. Bởi dù ai có hiểu, có biết, có nhận ra một cách sáng suốt đến thế nào đi chăng nữa về cha mẹ mình, thì tình yêu thương dành cho cha mẹ cũng khó lòng mà thay đổi, phủ nhận (nếu đó là một người con hiểu sâu sắc về hai chữ đạo hiếu trên đời).

Và cho dù có khó phủ nhận đi chăng nữa, thì họ vẫn thấy tổn thương và đau lòng khi người khác coi thường, mắng mỏ, khinh khi gia đình mình. Bởi dù sao họ cũng được sinh ra, nuôi dưỡng, và lớn lên ở đó.

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", chắc em biết câu này. Mỗi gia đình có phong cách sống, mức sống, nề nếp sống, văn hóa sống... hoàn toàn khác nhau. Điều đó có khi được hình thành không phải từ một đời, mà từ nhiều đời truyền lại. Và văn hóa sống, cách sống khác nhau không có nghĩa điều mình thấy đúng mới là thước đo chuẩn mực áp dụng cho mọi gia đình, em ạ.

Thêm một điều, Hạnh Dung nghĩ rằng dù em nói gì đi chăng nữa, thì trong một chừng mực nào đó, gia đình chồng cũng đối xử không tệ với em và gia đình nhỏ của em.

Thứ nhất là vợ chồng em được ở tự do trong nhà của ông bà, cho đến khi ông bà vào Sài Gòn. Thứ hai là thời gian họ "bắt" vợ chồng em ở chung chỉ có một năm là đã cho ra riêng. Những điều như vậy không phải cô con dâu nào cũng dễ dàng có được từ gia đình chồng.

Người ta không ai chọn được cửa để sinh ra, chồng em cũng vậy, và nhiều người khác cũng vậy. Em hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh như chồng, đặt trường hợp cha mẹ chồng, chị chồng chính là cha mẹ mình, chị mình, thì em sẽ đối xử như thế nào?

Câu hỏi này sẽ làm nổi bật lên một vấn đề: Em có những cảm xúc khinh rẻ, khó chịu, và nghĩ rằng mình không thể giữ mồm giữ miệng, để rồi sẽ tỏ thái độ đó ra ngoài. Là bởi em chưa bao giờ coi gia đình chồng là gia đình của mình, chưa bao giờ nghĩ đến cảm xúc của chồng mình. Nhất là thời gian họ vào sống chung, tâm trạng bị mất tự do, bị chung đụng... khiến em có ác cảm nặng nề với họ.

Vài điều ngắn ngủi để giúp em thay đổi được những suy nghĩ, nhận xét, cảm xúc của mình dành cho những người thân yêu của chồng mình.

Trả lời cho câu hỏi: Làm sao để có thể tôn trọng được gia đình chồng, Hạnh Dung nghĩ rằng nó rất đơn giản: em phải nhận thức được rằng em phải làm điều đó, trong một chừng mực tốt nhất có thể, là vì họ là cha mẹ của chồng em, cũng có nghĩa là của em. Và em làm thế, nếu không phải vì em, thì cũng vì chồng, vì các con của em.

Hạnh Dung nghĩ rằng em viết thư này cho Hạnh Dung trong một lúc cao điểm bực bội, và cảm xúc lấn át mọi lý trí. Dù sao thì em và chồng đã được ra ở riêng, nghĩa là mọi va chạm, tiếp xúc đã được giảm bớt, và nằm trong khả năng kiểm soát chủ động của em. Em cũng nên lấy đó làm một điều vui, để khi cần ở gần nhau, thì kiểm soát được chính mình.

Và còn nữa, nếu theo cách em thể hiện về bản thân, đối chiếu lại với những gì em chê bai và phán xét gia đình chồng, khi bình tĩnh, với sự khiêm tốn, văn hóa, phong cách mà em tin mình có được... em sẽ biết cách cư xử cho đúng, cho phù hợp với vị trí của một người làm con: Chấp nhận những điều khác biệt, nhẹ nhàng góp ý những gì mình thấy cần góp ý, tự mình là một chứng minh cho gia đình chồng thấy rằng có những cách sống khác hòa nhã, giản dị, dễ chịu và văn hóa hơn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI