“Tôi không nghĩ mang quá khứ để giáo dục tương lai là điều đúng đắn”

29/03/2016 - 07:34

PNO - Tôi để con lớn lên một cách tự do, không ép buộc, không ngăn cản. Trẻ con thông minh hơn chúng ta tưởng...

“Toi khong nghi mang qua khu de giao duc tuong lai la dieu dung dan”
Tác giả Uyên Bùi

Là copywriter tự do và là một facebooker có lượng người theo dõi lên đến hàng chục ngàn, Uyên Bùi vừa cùng bác sĩ Trí Đoàn - Giám đốc Y khoa, Hệ thống phòng khám quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ, cho ra mắt cuốn sách có tựa đề khá… khiêu khích các bậc phụ huynh: Để con được ốm. Trò chuyện với báo Phụ Nữ, chị chia sẻ nhiều quan điểm có phần khác biệt trong việc chăm sóc và giáo dục con trẻ.

PV: Tựa sách của chị có vẻ hơi “thách thức” bởi hầu như bà mẹ nào cũng lo cuống cuồng khi con mình ốm, trong khi chị thì ngược lại?

- Uyên Bùi: Thực ra, những ngày tháng làm mẹ đầu tiên, tôi cũng đã từng cuống cuồng đấy chứ! Việc nuôi con theo “chuẩn” các bác sĩ đưa ra khiến bất kỳ bà mẹ nào cũng cảm thấy mệt mỏi. áp lực: con ở độ tuổi này phải được chừng này chiều cao, cân nặng… Duyên may của tôi là được gặp bác sĩ Trí Đoàn, được giúp “giải tỏa” những áp lực đó. Tôi hiểu ra, con có gầy cũng không sao, miễn là vẫn vui khỏe, dù ăn rất ít.

Tôi không còn nháo nhào tìm cách chữa trị triệu chứng mỗi khi con ốm (bệnh) bởi ốm là một cách để trẻ hoàn thiện hệ miễn dịch của mình. Đó là chưa kể, trẻ ốm do siêu vi lên đến 99%, nên dù có uống thuốc kháng sinh thì cũng không chữa được bệnh, ngược lại còn gây hại cho hệ miễn dịch của trẻ, gây hệ lụy nghiêm trọng là trẻ đề kháng kháng sinh. Cho nên, chữ “ốm” ở tiêu đề cuốn sách, vừa có nghĩa “để con được quyền bệnh” vừa có nghĩa “để con được gầy”.

* Thế còn trong lĩnh vực dạy con? Tôi thấy những cuốn sách như Dạy con theo kiểu người Do Thái, Dạy con kiểu Nhật… được nhiều cha mẹ yêu thích và áp dụng. Chị nghĩ sao?

- Tôi quan tâm đến bản chất của giáo dục nhiều hơn là dạy theo “chủng tộc người” cụ thể nào đó, nên tôi chỉ có ba cuốn sách gối đầu giường để dạy con là Émile hay là về giáo dục (J.J.Rousseau), Trẻ thơ trong gia đình (Maria Montessori) và Yêu thương và tự do (Tôn Thụy Tuyết). Tôi học được từ những nhà giáo dục lỗi lạc cách tốt nhất để dạy một đứa trẻ, không ngăn cản sự tìm tòi khám phá thế giới của con.

Tôi để con lớn lên một cách tự do, không ép buộc, không ngăn cản. Trẻ con thông minh hơn chúng ta tưởng, nhu cầu tìm hiểu và khả năng học hỏi của trẻ là không giới hạn. Do đó, tôi thấy chính con trẻ mới đang dạy lại ta cách hiểu về thế giới bằng góc nhìn mới mẻ và sáng tạo. Những kiến thức chúng ta biết trong hiện tại đều sẽ là quá khứ của tương lai, nhưng người lớn lại thích áp đặt kinh nghiệm, tìm cách nhồi nhét kiến thức, hiểu biết của mình cho con trẻ; cho rằng cần phải dạy trẻ cái này, cái kia. Tôi không nghĩ mang quá khứ để giáo dục tương lai là điều đúng đắn.

* Nhưng rõ ràng chúng ta vẫn cần phải dạy cho trẻ các lễ nghi, phép tắc… Có dạy thì trẻ mới biết đúng/sai chứ?

- Bà Maria Montessori, một nhà giáo dục nổi tiếng người Ý, đã nói, trong sáu năm đầu đời, trẻ học bằng nhìn nhiều hơn là nghe. Trẻ sẽ nhìn hành động của cha mẹ và những người xung quanh để bắt chước nhiều hơn là làm theo điều người lớn chỉ dạy. Trẻ chưa có khái niệm phân biệt đúng/sai bằng lời nói, mà là có được làm hay không được làm.

Do đó, chỉ cần tất cả người lớn đều làm tốt những điều mình muốn dạy, con sẽ tự học theo. Ví dụ ra đường, ai cũng vứt rác vào sọt rác, trẻ sẽ nhận biết và làm theo. Tương tự là chuyện nói lời cảm ơn, xin lỗi… Tuy nhiên, tôi thấy giáo dục con ở xã hội mình mất rất nhiều công sức vì không ít người lớn hành xử thiếu ý thức, tôi cứ phải giải thích thêm mỗi khi con thắc mắc “Vì sao chú kia vứt rác ra đường thế hả mẹ?” hay “Sao cô kia không xếp hàng?”

* Chị có e ngại khi quá tự do trẻ sẽ không có ý thức kỷ luật, trở nên phá phách hay đòi hỏi quá mức không?

- Tôi thấy trẻ chỉ vi phạm kỷ luật khi bị chèn ép quá mức mà thôi. Một khi được tôn trọng đủ, trẻ sẽ tự thiết lập kỷ luật cho mình. Trong gia đình tôi không có khái niệm kỷ luật, chúng tôi chỉ có ba quy tắc được thỏa thuận với nhau: không làm những điều nguy hiểm cho bản thân, không làm phiền người khác và tôn trọng quy định ở những nơi khác. Nhờ đó, tôi chưa bao giờ phải trải qua cảnh con khóc nằng nặc đòi món đồ nào đó giữa chốn đông người hay con phá phách đồ này vật kia ở nơi công cộng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI