Đường ta đi là đường tắt
Phóng viên: Làm thế nào một bác sĩ có thể theo đuổi đam mê rất đỗi “kén người”?
Thạc sĩ - Bác sĩ Ngô Hải Sơn: Tôi học chuyên Hoá tại Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và từng tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi một thời gian rồi nghỉ, nhưng may mắn, cuối cùng tôi vẫn chọn làm bác sĩ. Và cho đến giờ tôi vẫn được làm những điều mình mơ ước từ nhỏ: Giúp đỡ mọi người.
Với phương châm “work hard, play harder” (tạm dịch: Làm hết sức, chơi hết mình), không làm thì thôi, đã làm thì phải là người đi đầu. Trong công việc tôi may mắn luôn được những bậc đàn anh đàn chị dẫn dắt nên tôi có được một số thành tích trong nghề. Nhưng bản thân là một kẻ ham chơi và thích khám phá nên tôi đã dành toàn bộ những ngày nghỉ phép trong năm cho bộ môn leo núi. Mỗi năm 1 lần, tôi dành ra 2 tuần để đi nước ngoài leo núi với độ khó tăng dần và thời gian tăng theo. Mỗi chuyến leo núi của tôi như kiểu đi hành xác. Tôi hay nói đùa là đi nghỉ thì phải thật khổ, thật mệt để lúc về đi làm không thấy chán.
Vì sao anh lại ví những áp lực khi ở bệnh viện giống áp lực khi leo núi?
Do tôi làm việc trong môi trường áp lực với cường độ cao khiến tôi quen với cảm giác mệt mỏi như đi leo núi. Tôi quen làm việc liên tục 36-48 tiếng liền trong điều kiện căng thẳng, thiếu ăn, nên khi đi leo núi tôi cảm giác rất thư giãn, vì chỉ hơi mệt về cơ thể, còn tinh thần thì hoàn toàn thoải mái. Giữa các ca mổ, trong lúc chờ gây mê bệnh nhân, tôi có thể tranh thủ chống đẩy 30 cái, gập bụng 40 cái, thế thì có những ngày tôi có thể tranh thủ chống đẩy được 200 cái, gập bụng 400 cái. Tôi nghĩ việc tập luyện đều đặn mang lại nhiều ý nghĩa hơn là tập hùng hục 1-2 buổi rồi lại nghỉ dài ngày. Một điểm chung nữa, đó là ở bệnh viện và leo núi, đều phải ghi nhớ một câu: “Không tha thứ cho bất kỳ sai lầm nào”.
Chuyến leo núi đầu tiên của anh là đỉnh núi nào và có gì đáng nhớ?
Đó là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046m ở Lào Cai trong ngày 29 tết năm 2015. Sau một năm làm việc điên cuồng, tôi muốn có một khoảng thời gian yên tĩnh và mới mẻ. Tôi quyết định phi xe một mình từ Hà Nội đến Sapa để đi leo núi. Đến thành phố Lào Cai đúng lúc giao thừa, thật may vì tôi có một người bạn cũ ở quê nên tôi xin vào ngủ nhờ, sáng hôm sau đi lên Sapa và trưa bắt đầu leo núi.
Sau ngọn núi này, anh tiếp tục “liều” với những ngọn núi nào khác?
Ngọn núi thứ hai tôi leo là Kilimanjaro (Tanzania) cao 5.895m, đây là ngọn núi cao nhất châu Phi. Và cái liều này vẫn tiếp tục xuất hiện trong những chuyến đi tiếp theo là Mera Peak (Nepal) cao 6.500m, Manaslu (Nepal) cao 8.163m, Ama Dablam (Nepal) cao 6.812m rồi đến K2 8.611m. Cái sau luôn khó hơn cái trước, bây giờ nhớ lại thì tôi nghĩ con đường leo núi của tôi rất giống một câu nói của Trương Phi: “Đời người ngắn ngủi, ta cho rằng phàm phu tục tử vất vả một đời mới thành danh. Ta không phải phàm phu, đường ta đi là đường tắt”.
Với K2 nhiều hiểm họa khó lường, anh đã chuẩn bị như thế nào?
K2 có tỉ lệ tử vong cao chỉ sau Annapurna 1 nhưng về độ khó là cao nhất thế giới. Nhưng càng khó lại càng kích thích tôi. Vấn đề của leo núi cao là tốn rất nhiều thời gian, như chuyến đi K2 gần 50 ngày lại có tới 14 đỉnh trên 8.000m, nếu cứ đi lần lượt theo lộ trình của các nhà leo núi chuyên nghiệp trên thế giới, thì chẳng biết đến bao giờ mới xong. Tôi rất bận, không được nghỉ nhiều nên tôi leo cái núi khó nhất luôn cho xong. “Đường tắt” ở đây chính là K2.
Tôi tìm hiểu về K2 trước khi khởi hành khoảng 9 tháng, nhưng chỉ thực sự tập trung chuẩn bị trước khi khởi hành 4 tháng với 2 buổi tập cardio/tuần. Khối lượng tập luyện như vậy là quá ít, nhưng thật may là thể trạng của tôi vẫn đủ để thành công.
Trang thiết bị để leo núi nhiều và khá nặng, khoảng 30kg gồm quần áo giữ nhiệt, giày, dụng cụ chuyên dụng cho leo núi. Phần còn lại 20kg là các loại thuốc, thực phẩm khô, đồ ăn vặt, trang thiết bị điện tử và các đồ dùng cá nhân khác, còn có 6 quyển sách nữa.
Trong quá trình chinh phục K2 anh đã phải vượt qua những chướng ngại nào?
Hành trình của tôi từ Việt Nam lên đỉnh K2 và trở về là 46 ngày. Thời gian ở trên núi là 40 ngày. Từ lúc khởi hành từ ngôi làng Askole ở độ cao 3.000m, chúng tôi đã phải trekking 100km để đến được K2 Basecamp ở độ cao 5.150m trong 5 ngày. Đoàn có 10 thành viên đến từ nhiều quốc gia như: Nga, Pháp, Phần Lan, Chile, Nhật, Tây Ban Nha, Úc, Iran và tôi đến từ Việt Nam. Họ đều là những nhà leo núi nhiều kinh nghiệm, đã chinh phục nhiều ngọn núi trên 8.000m, thậm chí có 3 người đã chinh phục 13/14 đỉnh núi trên 8.000m.
Ở K2, chúng tôi luyện tập khá độc lập. Những ngày leo lên cao ở trại 1 (6.000m) và trại 2 (6.700m), để thích nghi, mọi người có thể tự thiết lập một kế hoạch phù hợp cho riêng mình. Trong đoàn có những người muốn leo K2 mà không sử dụng oxy hỗ trợ, nên họ cần nhiều thời gian thích nghi ở độ cao lớn như trại 3 (7.300m). Rất tiếc năm nay thời tiết ở K2 rất xấu, gió tuyết rất mạnh ở trên cao nên không ai có thể lên được trại 3, dù đã cố gắng lên đến 4-5 lần. Điều này làm cho hệ thống dây an toàn không được chuẩn bị từ trước mà phải đợi đến ngày lên đỉnh.
Chúng tôi phải đứng đợi gần 4 giờ đồng hồ ở Bottle neck (8.200m) để thiết lập dây. Đây là một điểm nguy hiểm nổi tiếng với nguy cơ tuyết lở cao và địa hình rất hiểm trở. Khoảng thời gian đứng đợi này làm cho tôi khá lo lắng vì năm ngoái có tai nạn xảy ra tại đây, rất nhiều người phải trở về. Trên đường leo lên có khá nhiều đoạn hiểm trở, độ cao lớn, nên làm tiêu tốn nhiều sức lực hơn. Có những thời điểm do mất tập trung hoặc mệt, tôi bị tuột khoá an toàn, rơi tự do mất 3m rồi may túm được vào dây và dừng lại. Nói chung, nếu không phải leo dốc (50-60 độ) thì lại leo vách đá dựng đứng (tuyết còn không bám vào được) nên tôi thấy đoạn nào cũng khó như nhau, và chỉ cần chủ quan, bỏ qua một bước an toàn dù là nhỏ nhất thì cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Kỹ năng vượt qua giới hạn
Vậy những lúc gặp “vấn đề”, anh làm thế nào để giữ được bình tĩnh vượt qua?
Trên thế giới K2 đều là mục tiêu cuối cùng của những nhà leo núi chuyên nghiệp, nhưng số người thành công rất ít, mà tỉ lệ tử vong tại K2 rất cao. Bản thân tôi thì vẫn chỉ là “newbie” (tạm dịch: người mới tham gia một bộ môn nào đó). So với mọi người, tôi đi còn chậm hơn những người U50 -U60 nhiều. Cho nên, về kỹ năng và kinh nghiệm của tôi đều rất nhỏ so với họ, nhưng vì thế mà tôi lại học được vô số thứ trong chuyến đi, tôi thấy mình vô cùng may mắn.
Bên cạnh kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh, tôi thấy may mắn là yếu tố quan trọng nhất. Đứng trước Đài Tưởng niệm ở K2 Basecamp, quá nhiều cảm xúc dâng trào khiến tôi không thể diễn tả hết bằng lời. Những tấm biển ghi tên những người đã bỏ mạng nơi ngọn núi dữ này. Đây không chỉ là những tấm biển kim loại đơn thuần mà là lời nhắc nhở về ranh giới mong manh giữa thành công và thảm kịch trên núi dữ. Khi đọc từng cái tên, tôi nhận ra đây đều là những người có kỹ năng phi thường, nhiều người trong số họ còn giỏi hơn tôi rất nhiều. Họ không thiếu kinh nghiệm hay sự chuẩn bị - họ chỉ đơn giản đối mặt với những quyết định khó khăn trong thời điểm K2 không tha thứ cho bất kỳ sai lầm nào. Mỗi cái tên đều gắn với một câu chuyện về dũng cảm, quyết tâm và đôi khi là những quyết - định - bi - thảm.
Cảm giác biết ơn và khiêm nhường tràn ngập trong tôi. Biết ơn vì được đứng đây với tư cách là người sống sót, và khiêm nhường vì nhận ra rằng thành công của tôi phần nào cũng nhờ may mắn. Tôi tự hỏi: "Điều gì khiến mình khác biệt? Tại sao tôi đứng đây còn họ thì không?" Câu trả lời không bao giờ đơn giản - đó là hỗn hợp phức tạp của quyết định, kỹ năng, điều kiện thời tiết và đôi khi chỉ là vận may.
Dường như đứng trên những đỉnh cao nhìn về không gian mênh mông của thiên nhiên thì con người thường sẽ có những suy tư?
Đúng là có điều gì đó về trải nghiệm leo núi khiến con người dễ trở thành những nhà “hiền triết” hơn. Khi đứng trên những điểm cao 7.000-8.000m, nhìn xuống những dãy sông băng trải dài bên dưới, ta không thể không cảm nhận được sự nhỏ bé của mình trước thiên nhiên hùng vĩ. Trên K2, tại vùng tử thần, khi mỗi hơi thở đều là một cuộc chiến thì những lo lắng thường nhật về công việc, tiền bạc hay danh vọng bỗng trở nên vô cùng nhỏ nhặt. Điều này tạo ra một sự tĩnh lặng và trong trẻo hiếm có của tâm trí, thoát ra khỏi những phiền nhiễu thường ngày. Nhiều nhà leo núi kể rằng chính trong trạng thái đơn giản hoá cực độ này, họ lại tìm thấy những hiểu biết sâu sắc nhất về cuộc sống.
Không có nơi nào con người cảm nhận rõ rệt sự mong manh của cuộc sống như trên những đỉnh núi cao. Trên K2 cái chết luôn chỉ các một bước chân trượt ngã. Khi bạn đã nhìn thẳng vào mắt thần chết, cách bạn nhìn nhận cuộc sống thường ngày sẽ thay đổi hoàn toàn. Tôi không leo núi để chinh phục ngọn núi, tôi leo núi để chinh phục chính mình, đó là sự chuyển hoá nội tại mà leo núi mang lại.
Khi trở về từ những ngọn núi, tôi không chỉ mang theo những ký ức, mà còn là một cách nhìn hoàn toàn mới về thời gian, các mối quan hệ, về thành công và thất bại. Reinhold Messner - một huyền thoại leo núi vĩ đại từng nói: “Núi không phải là sân chơi công bằng, nhưng đó là nơi duy nhất cho những hiểu biết cao nhất về bản thân”. Mọi triết lý leo núi đều có chung một nguồn gốc - sự hiểu biết sâu sắc về bản thân, chỉ có thể đạt được khi con người đưa mình đến tận cùng của giới hạn, nơi chỉ có sự thật trần trụi về bản thân mình.
Khi anh hoàn thành chinh phục một đỉnh núi, trở về với công việc đời thường, hẳn là cũng lắm cảm xúc với các bệnh nhân của mình?
Tôi có cơ hội làm việc với rất nhiều bạn liên giới tính và chuyển giới, được nghe những tâm sự và chia sẻ về cuộc sống và hành trình tìm lại chính mình, tôi rất cảm động. Tôi nhớ lại cảm giác khi lên đến trại 3 trên độ cao 7.300m ở K2, khá mệt mỏi sau 3 ngày gần như không ngủ, ăn ít, chỉ được nghỉ một chút để chuẩn bị tiếp tục lên đỉnh, tôi đã hoài nghi không biết mình có thể làm được hay không. Cơ thể đau nhức và thiếu oxy làm tinh thần tôi sa sút. Nhưng nhớ lại hành trình đầy can đảm của những bạn chuyển giới đã tìm đến tôi để được tư vấn, những người đã kiên trì vượt qua bao nhiêu rào cản xã hội, nỗi đau thể xác và tinh thần trong nhiều năm, tôi không dám bỏ cuộc. Tôi đã động viên họ kiên trì, làm sao bản thân mình lại không kiên định với mục tiêu của bản thân? Thực sự, niềm vui khi giúp các bạn thực hiện được ước mơ của mình còn lớn hơn cảm giác khi tôi chinh phục được đỉnh K2 huyền thoại.
Cảm ơn anh. Chúc anh tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới!