Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng ồn ào quanh phát ngôn của “nữ đại gia quận 7” Đoàn Di Băng về nội dung "dùng giàu sang nuôi con gái".
Nữ đại gia cho biết sau này các con lớn hơn một chút, nếu đòi mua hàng hiệu hay bất cứ món đồ xa xỉ nào cô cũng sẽ mua cho con bởi vì: "Băng không muốn con của Băng phải vì một cái túi, một bữa ăn hay vì một cái gì đó nó thích mà nó phải làm mất giá trị, tư cách của người con gái. Có nhiều người phụ nữ sẵn sàng đánh đổi, ở bên người mình không thương chỉ vì túi hiệu, những món xa xỉ... ”.
Ngay sau đó, chồng Đoàn Di Băng đã lên tiếng bênh vực cô. Anh nói nên dùng nghèo để dạy con trai, dùng giàu để nuôi con gái. Con gái là phải được yêu chiều, đừng bao giờ dạy con gái phải chịu khổ, phải nhẫn nhịn, cam chịu, vì đó là nhiệm vụ của người đàn ông...
|
Phát ngôn của ông xã "nữ đại gia quận 7" (hình ảnh trong một hội nhóm mạng xã hội) |
Đứng trước quan điểm của vợ chồng Đoàn Di Băng, phần lớn cộng đồng mạng phản đối, nhưng vẫn có một số ít nhiệt tình ủng hộ. Bình luận mà mọi người hay nhắc nhất là: “Người giàu nói gì mà không đúng”.
Vì vậy, câu “Dùng giàu sang để nuôi con gái, dùng nghèo khó để nuôi con trai” được hiểu như thế nào, còn tùy vào góc nhìn, hoàn cảnh của mỗi người.
Thương - một người quen của tôi - luôn khẳng định phải nuôi con gái trong sự giàu có. Bé Tiểu My từ nhỏ đã được mẹ cho chưng diện những bộ cánh thời trang nhất, mái tóc được uốn nhuộm theo phong cách mới nhất. Con gái Thương luôn được ăn ngon, mặc đẹp, dù Thương là bà mẹ đơn thân vất vả. Đang ở nhà thuê và không có khoản dành dụm nào, nhưng Thương dồn mọi thu nhập phục vụ cho đời sống tiêu dùng sang chảnh của 2 mẹ con.
Không chỉ Thương, tôi từng nghe từ một số bạn bè cái ý "dùng giàu sang nuôi con gái". Họ lý giải do con gái sinh ra vốn đã thiệt thòi. Nên khi nuôi con gái ba mẹ cần dành cho con những điều tốt nhất, để con sung sướng và đầy đủ. Thậm chí không cho đụng “móng tay” vào việc gì, tiêu xài hoang phí và phong cách cảnh vẻ như tiểu thư, dù gia cảnh bình thường.
Những cô gái lớn lên trong “nhung lụa” đó, lắm khi trở nên ích kỷ, không biết ghi nhận, thậm chí là vô ơn, lười lao động… Cha mẹ tảo tần nuôi được cô con gái, cưng chiều như hoa như ngọc, cuối cùng kết quả là con lười biếng, ích kỷ, cư xử kém, không tôn trọng cha mẹ và đồng tiền của cha mẹ.
Tôi không bài xích các bậc phụ huynh muốn nuôi con đầy đủ về vật chất hay các cô gái ham thích giàu sang, bởi điều đó là mong muốn chính đáng của họ. Tôi cũng có con gái, tôi mong con sống cuộc đời bình an, hạnh phúc. Và tôi nghĩ "giàu sang" chưa chắc đã đi cùng bình an và hạnh phúc. Với tôi, trai gái gì đều là con, đều xứng đáng được yêu thương, chăm sóc. Tất nhiên mỗi giới tính có đặc thù riêng, và vợ chồng tôi nương theo đó để con hưởng sự quan tâm, bảo bọc tốt nhất.
Ví như, tôi không bắt con gái phải vất vả làm các việc mang vác nặng nhọc, cũng không mặc định dạy con kiểu “việc nhà là của đàn bà con gái”. Nên ở gia đình tôi, con nào cũng phải biết rửa chén, nấu ăn đơn giản, đi siêu thị chọn mua thực phẩm… Đấy là các kỹ năng sống căn bản.
Tuy vậy, tôi vẫn thầm yêu chiều con gái. Như lúc sắm sửa trang phục, phụ kiện, mỹ phẩm… tôi vẫn tiêu tiền cho con gái nhiều hơn. Tôi cũng muốn biết con mình đang khao khát sở hữu món đồ gì, để tìm cách đáp ứng hoặc giải thích cho con hiểu, nó đã thật sự cần thiết và phù hợp ở thời điểm đó hay chưa…
|
Khi trải nghiệm lao động, trẻ mới nhận ra ý nghĩa của vật chất (Ảnh minh họa) |
Vợ chồng tôi luôn khuyến khích, cổ vũ con sống đúng với sở thích và khả năng, có định hướng tương lai, nhưng không đựợc đề cao chủ nghĩa nữ quyền thái quá. Chúng tôi cố gắng không để bé có cảm giác “ba mẹ sẽ lo hết”, bởi chúng ta không ai dám bảo đảm mình đủ sức để “đu” theo nguyện vọng của con cái mãi mãi.
Tôi tin rằng, khi con trẻ nhận ra ý nghĩa của đồng tiền được làm ra từ mồ hôi, nước mắt, chúng mới biết trân trọng sức lao động, biết ơn ba mẹ cũng như với mọi người. Bởi tôi sợ rằng, nếu nuôi con gái trong sự giàu sang theo nghĩa đen, dễ dẫn đến tình cảnh con chỉ biết hưởng thụ, luôn muốn nhận mà không muốn cho đi, ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong cuộc sống. Tôi cũng lo nếu gia đình có xảy ra biến cố, liệu con có đủ nội lực để đứng dậy bước tiếp?
Bạn có suy nghĩ giống tôi không?
Huỳnh Kim Hoa