Mùa hè sôi động

Tôi không cho con học thêm mùa hè vì “nhà có điều kiện”

31/07/2023 - 06:33

PNO - Trước khi nghỉ hè, cả nhà ngồi lại và thảo luận với nhau về việc có cho tụi nhỏ học hè hay không?

Thi thoảng tôi nhận được câu hỏi thăm đầy quan tâm của ai đó, rằng hè này con tôi có đi luyện thêm toán, văn hay ngoại ngữ gì không, hay vẫn chơi suốt như mấy năm trước. Câu trả lời của tôi luôn là: Tôi không cho con học hè vì "nhà có điều kiện".

Học hè một cách có chọn lọc cũng tốt thôi!
Học hè một cách có chọn lọc cũng tốt thôi (ảnh minh họa)
 

 

Mọi người khoan “ném đá”, bởi điều kiện ở đây không phải là rủng rỉnh về kinh tế đâu! Gia đình tôi có thu nhập trung bình, với 2 đứa trẻ đang học tại một trường thông thường thôi. Khi quyết định không cho con học hè, điều đầu tiên tôi nghĩ tới thật ra là: "Ồ, vậy là mình sẽ tiết kiệm được 2 tháng tiền học và có ngân sách để du lịch rồi. Mừng ghê…"

Điều kiện mà tôi nói đến, chính là 2 cô gái 9 và 12 tuổi đã đủ lớn để tự chơi với nhau. Chúng cũng quen với việc không dùng điện thoại và quy định “chỉ được xem tivi 20 phút mỗi ngày”. Quan trọng hơn cả, là vợ chồng tôi đều làm việc tại nhà. Trước khi nghỉ hè, cả nhà ngồi lại và thảo luận với nhau về việc có cho tụi nhỏ học hè hay không? 

Năm nào cũng vậy, lũ nhóc sẽ tìm đủ lý lẽ để thuyết phục cho lựa chọn “không học”. Và theo đó, chúng tôi sẽ chuyển sang phần 2 của cuộc “họp gia đình”: Con cần phải làm gì trong dịp hè nếu chọn ở nhà? Cứ như thế, một danh sách gồm các thể loại thể dục thể thao, nấu ăn, đọc sách, ôn bài cũ và kể cả đi du lịch sẽ được đưa ra bàn bạc và ghi xuống. Chúng tôi sẽ để danh sách này ở nơi thật dễ nhìn thấy, và cùng nhau theo dõi mỗi ngày.

Gia đình Nhung, em họ tôi, thì lại chọn cho đứa con trai đi học hè và chấp nhận mức phí khá cao so với trong năm học. Chẳng phải Nhung không muốn cho con được trải nghiệm “mùa hè trong truyền thuyết” bằng cách đuổi hoa bắt bướm, khám phá vui chơi, mà đơn giản là bất khả thi. Vợ chồng Nhung đều đi làm giờ hành chính, khá bận rộn. Nếu gửi con về quê cho ông bà thì cũng chỉ được vài ngày vì ông bà cũng đã lớn tuổi nên mau mệt. Chưa kể còn mối lo ông bà hay chiều cháu, cho bọn nhóc được sử dụng điện thoại, máy tính vô tội vạ.

Học hè nên chương trình học nhẹ nhàng, vợ chồng Nhung nhắc nhau tranh thủ về sớm, dẫn con đi bơi hay đạp xe, cuối tuần thì cùng nhau dã ngoại hoặc tham gia các lớp học vẽ, nhạc.

“Hôm qua, chị vừa nhờ cô cho bài tập nhiều một chút để các bạn ấy bớt chơi game lại! Hè mà bắt chúng học nhiều cũng tội, nhưng nếu lơ là lại mệt…”. Sáng nay chị Kiều bạn tôi vừa thở dài, kể trên trang cá nhân.

Nhiều người vào bình luận, xa gần rằng, cũng sang tháng 8 rồi, cho chúng được xả hơi chút đi, học gì khiếp vậy! Nhưng tôi hiểu được nỗi băn khoăn và lo âu của chị Kiều. Con chị năm nay đã học cấp III. Ngoài vài buổi tập gym, bóng rổ, thỉnh thoảng đi xem phim với bạn bè thì con có quá nhiều thời gian trống. Con đã lớn nên cũng khó cấm cản việc xài máy tính, điện thoại như xưa. Thế nên, chị chọn việc học hè để một công đôi ba chuyện: vừa cai nghiện game vừa tăng kiến thức. Dĩ nhiên lúc đầu con chị Kiều cũng cằn nhằn phản đối. Nhưng chị khéo léo chọn những môn mà con giỏi và thích, cũng như tham khảo xung quanh và tìm các lớp học có thầy cô và bạn bè hợp ý, nhẹ nhàng. Nên sau vài buổi con chị đã nhiệt tình đi học hơn rất nhiều.

Cha mẹ đừng quá áp lực về một mùa hè đúng chuẩn, hãy cân đối sao cho phù hợp
Cha mẹ đừng quá áp lực về một "mùa hè đúng chuẩn", hãy cân đối sao cho phù hợp (ảnh minh họa)

Mùa hè đã trôi qua quá nửa rồi. Dù chọn phương án nào thì bậc làm cha mẹ cũng mong con được vui, khỏe, nghỉ ngơi đôi chút trong vài tháng hè ngắn ngủi. Cho con trải qua một “mùa hè thật sự” là áp lực của hầu hết cha mẹ trẻ ngày nay, nhất là khi chúng ta thường xuyên nhìn thấy trên mạng xã hội những hình ảnh, thông điệp đẹp đẽ và hoàn hảo của bạn bè, người quen, hay các nhân vật của công chúng mà ta theo dõi. Bản thân tôi thường tự hỏi liệu chúng ta có nên “cập nhật” bức tranh về một mùa hè lý tưởng của con, cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội thời nay? Và đặc biệt là phù hợp điều kiện và đặc trưng của mỗi gia đình. Chúng ta cứ đem lên cân đo, so sánh xem cách nào an toàn hơn cho con, tốt hơn cho con về thể chất lẫn tinh thần và phù hợp với ngân sách của mình thì chọn. Đừng bị áp lực phải “kiểu mẫu” như này như nọ, rồi loay hoay suốt mùa hè.

Lê Dung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI