Tôi không chấp nhận cưu mang mẹ chồng có bị mang tiếng bất hiếu?

16/05/2022 - 17:00

PNO - Chị hãy làm những gì mà lương tâm chị cảm thấy là đúng nhất, hay được yên ổn nhất

Chị Hạnh Dung ơi!

Tôi lấy chồng đã 18 năm. Chồng tôi sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng không hạnh phúc. Má chồng vốn là đại tiểu thư nên sinh ra anh là bỏ mặc cho nội chăm sóc.

Trước anh có một chị gái bị má bỏ cho ngoại nuôi kèm câu nói: "Vú nuôi thì nuôi không thì cho người ta". Rồi má và ba mải mê với các cuộc vui. Hai năm sau sáp lại có thêm một người con nữa và họ chính thức li dị. Con bỏ lại cho nội.

Hai đứa trẻ sống dư vật chất và thiếu tình thương nên lạc đường. Tôi đã gặp anh, lúc đó chỉ là sự thương hại. Anh đã khóc nức nở khi lần đầu về nhà tôi ăn bữa cơm gia đình. Vì đó là ước mơ từ nhỏ đến lớn của anh. Duyên phận khiến tôi đồng ý làm vợ anh, nhưng má từ chối tham gia vì tốn kém.

Đứa con trai đầu của tôi sinh non và bỏ tôi. Tôi rủ chồng đi khám Từ Dũ để có con cho an toàn. Và đời tôi đau khổ từ đây. Anh bị HIV. Đau khổ tuyệt vọng đã nghĩ tới giải thoát thì tôi phát hiện có thai. Trời thương mẹ con tôi không bị gì. Còn anh bệnh tật triền miên.

Ký ức không quên là lúc con bốn tuổi, chồng tôi bệnh nặng nằm nhiệt đới. Gửi con nên nó sợ, cô gọi về đi khám, bác sĩ bắt nhập viện. Tôi nhờ má lo cho chồng, má nói bệnh đó lây lắm tao không lo được đâu. Và nhiều chuyện khác nữa.

Mấy năm gần đây tài sản má tự tiêu hết nên trốn nợ lên ở cùng con gái. Má đòi về ở cùng chúng tôi. Tôi không chịu vì giữa Sài Gòn nhà tôi ba người thu nhập có 10 triệu, sao lo nổi. Sức khỏe tôi không được tốt. Giờ tôi phải làm sao chị Hạnh Dung?

Lệ Thu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Lệ Thu thân mến,

Nói đến lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ, theo truyền thống đạo lý ông bà, người ta nhắc đến việc báo hiếu công lao cha mẹ, gồm có hai phần: công sinh và công dưỡng.

Có cha mẹ vừa sinh con, vừa nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ con cái nên người. Có những người chỉ sinh con ra mà không có công dưỡng, cũng có những người chỉ có công dưỡng mà không có công sinh. Công nào cũng đều có ý nghĩa lớn lao đối với sự sống của một con người.

Trường hợp của chị thật vô cùng khó khăn để có được quyết định cho thanh thản, nhẹ nhàng, cho vừa lòng cả con mắt người đời phán xét.

Hạnh Dung xin được chia sẻ cùng sự thông cảm sâu sắc với tâm trạng của chị, và hiểu rằng khi phải đặt ra cho mình câu hỏi: "Tôi làm vậy có bất hiếu không?", có nghĩa là tấm lòng chị không thờ ơ, không nhẫn tâm, không dễ dàng phủi bỏ, dù chị đang ở vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Dù chị quyết định cách nào: từ chối trách nhiệm của một cô con dâu vì không được mẹ chồng đối xử tốt, hay hy sinh bản thân, vượt qua khó khăn để làm tròn nghĩa vụ báo hiếu thay chồng, thì cũng sẽ có người khen, kẻ chê, người bàn vào, kẻ bàn ra.

Chị thực hiện nghĩa vụ, chưa chắc được 100% lời khen, có khi còn bị chê là dại. Chị buông bỏ trách nhiệm cũng chưa chắc 100% người tán thành, sẽ có người bảo rằng dù sao cũng là cha mẹ.

Vậy thì, chị hãy làm những gì mà lương tâm chị cảm thấy là đúng nhất, hay được yên ổn nhất. Một trong những phương án tốt nhất vẫn là bàn bạc cùng chồng và em gái chồng để cùng nhau góp sức đảm bảo cho mẹ chồng được một tuồi già bình an.

Sức đến đâu thì cố gắng đóng góp đến đó, trong khả năng của chính bản thân chị. Trách nhiệm của chồng chị và em gái chồng chị lớn hơn chị rất nhiều, nên họ phải là những người cố gắng nhiều hơn cả, nhất là vì chị không có điều kiện nhiều về sức khỏe và vật chất.

Dù quyết định thế nào, điều quan trọng hơn cả là chị phải tin chắc vào việc mình làm, để không phải dằn vặt bởi câu hỏi: "Mình có bất hiếu hay không?"

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI