PNO - Tôi rung động với những ngọt ngào chăm sóc mình nhận được, bất chấp tôi gần như lớn tuổi nhất ở văn phòng, đã có gia đình, là mẹ của hai đứa trẻ.
Một chồng, hai con, ngày ba bữa cơm; tôi cứ nghĩ đời mình chỉ cần có vậy và yên tâm già đi, cho tới khi Hưng xuất hiện. Giữa văn phòng toàn sơ-mi cà-vạt, anh xuất hiện với quần jeans, áo thun trắng và áo vest khoác ngoài. Nhìn anh, không ai nói anh đã ngoài 40, nhất là nụ cười của anh rất sáng và gần gũi. Trái tim đàn bà 40 của tôi khẽ chao nghiêng.
Ảnh minh họa
Văn phòng đông người, có cả những cô gái trẻ trung chưa chồng, nhưng tôi cảm nhận Hưng có gì đó hơi đặc biệt với mình. Tôi đã cố xua đi ý nghĩ ấy, nhưng nó vẫn ở đó, ám ảnh. Phòng của tôi, mọi người thường vào làm sớm, tầm 8-9 giờ mới nghỉ giải lao rồi ăn sáng. Từ ngày có Hưng, cái ghế bên cạnh tôi luôn là của Hưng và anh luôn gắp sang cho tôi miếng chả ở hộp bánh cuốn, miếng sườn ở tô bún riêu… với lý do "ngán quá, nhờ em ăn giùm", đôi khi vu vơ "sao phụ nữ cứ nhăm nhăm vào cân nặng của mình rồi lo lắng nhỉ?".
Anh nói anh thích mẫu phụ nữ tròn trịa, đầy sức sống; còn thân hình cò hương chỉ dành để lên ti vi chứ chẳng phải là cơ thể sống. Lời anh khiến nỗi lo trong tôi và các chị em trong văn phòng cảm giác được thông cảm. Mỗi khi đứng dậy đi lấy nước, anh lại nhân tiện lấy cho tôi đầy ly, thi thoảng lại thả một cái kẹo trên bàn. Tất nhiên, không phải ai cũng nhận được quan tâm đó.
Tôi bắt đầu so sánh Hưng với ông chồng ở nhà - ông chồng cục mịch, chậm chạp, trong khi tôi ưa thích những bốc đồng kiểu "chọn ngày không bằng gặp ngày", chỉ cần hê lên là cả nhà tắt bếp ra ngoài ăn, tạt qua rạp chiếu phim và mua vé. Chồng tôi thì phải xem xét nên ăn gì, xem rạp nay chiếu phim gì, có phim cho con gái nhỏ không... Nhiều lần tôi bảo anh, làm gì cũng đắn đo thì còn gì vui, ví như anh định đi ăn gà rán, gặp bữa tiệm nghỉ, chẳng lẽ đi về. Tôi hờn mát vậy, nào ngờ chồng gật đầu: "Nếu vậy thì mình xuống siêu thị, mua gà về tự rán, vừa rẻ vừa ngon". Tôi thở dài, đâu phải chỉ là ăn. Cái chính là cảm giác được đi ra ngoài, đôi khi cảm giác được phục vụ cũng là cái thú. Tôi ấm ức sao chồng mình lại "đụt" đến thế. Chắc trong từ điển của anh không có từ "lãng mạn".
Tôi lại nhớ đến dáng người cao cao hay lướt qua tôi ở văn phòng. Trong túi xách của tôi vẫn còn mấy cái kẹo người ta cho. Hình như từ ngày có Hưng, tôi thích đi làm hơn và thường ở lại quá giờ, dù mỗi ngày đi làm về, chồng luôn đợi sẵn với bữa ăn nóng sốt. Tôi chả có hứng ăn cơm nhà nữa, dù chồng vẫn thường xuyên đổi thực đơn. Người ta cần ăn cả không khí, cả tinh thần chứ đâu chỉ là mấy món trên mâm.
Ảnh minh họa
Và tối nay, trong thang máy, bàn tay Hưng đã tìm đến tay tôi, siết chặt. Sau cái giật mình, tôi đã cố vùng ra, nhưng tay Hưng to và ấm áp, ngón tay Hưng còn xoa xoa lên vết chai trong lòng bàn tay tôi, khiến tôi run lên. Tôi không nhớ mình về nhà bằng cách nào. Tôi không dám nhìn chồng mà vào thẳng phòng, lấy cớ mệt. Giam thân hình nóng bừng trong nhà tắm một lúc lâu, tôi vẫn không kìm được cảm giác run rẩy. Rồi tôi cũng ráng ra ăn cơm, vì chồng đang đợi.
Chợt tôi có ý nghĩ, nếu người ở văn phòng ấy thành người trong nhà mình thì sao? Tôi rung động với những ngọt ngào chăm sóc mình nhận được, bất chấp tôi gần như lớn tuổi nhất ở văn phòng, đã có gia đình, là mẹ của hai đứa trẻ. Dường như trong mắt Hưng, chẳng có trở ngại nào với tôi. Những buổi liên hoan, Hưng luôn nhắc chừng tôi uống ít thôi, đôi khi còn đề nghị được uống hộ, còn dặn đừng tự đi xe, lúc về anh kêu xe đưa tôi về tận nhà rồi mới về nhà mình...
Sáng nay Hưng không đi làm. Tôi ăn sáng uể oải, vì đã quen có Hưng ở cạnh. Lúc bóc cái kẹo bỏ vào miệng, tôi nghe câu chuyện chị Lan thì thào: “Hay hớm gì, chỉ được cái mã và dẻo mỏ, bị vợ bỏ cũng vì thói trăng hoa đấy”. Hình như chị Lan đang nói Hưng. "Vợ đẹp con khôn mà vẫn chưa vừa lòng. Cô vợ tha thứ đến lần thứ ba thì đưa đơn". Tôi choáng váng, không tin. Người như Hưng sao có thể là gã đàn ông chị Lan đang kể.
Tôi lại nói với chồng là mình mệt, rồi nằm dài ra giường, không buồn tắm rửa. Bên ngoài, các con tôi đang đùa vui chợt im bặt, tiếng chân bước cũng nhẹ nhàng. Chắc chúng bị bố lùa vào phòng, giữ yên tĩnh cho mẹ nghỉ. Tiếng lách cách ở bếp cũng dè dặt hơn. Tôi ngồi dậy. Bao lâu rồi tôi không vào bếp nhỉ? Từ bao giờ chồng tôi lại vào bếp nấu nướng, ủi đồ, giặt quần áo cho cả nhà? Tôi làm vợ, làm mẹ kiểu gì thế này?
Cửa phòng khẽ mở, chồng tôi hai tay đang bưng gì đó, bước vào: "Bạn anh mới cho ít hàu tươi lắm, anh nấu cho em tô cháo, em ăn đi cho ra mồ hôi; dạo này thay đổi thời tiết, dễ bệnh lắm". Tôi ăn cháo mà nước mắt cứ rơi. Chồng tôi rối rít: "Chịu khó ăn nửa bát thôi cũng được. Ăn được mới khỏe. Khổ ghê cơ, mỗi lần ốm là lại khóc". Chồng tôi đâu biết, tôi khóc lần này, không phải vì ốm.