Tôi khó thể rộng lượng chấp nhận đứa con riêng nghịch phá của chồng

05/06/2022 - 19:01

PNO - Trong mối quan hệ "mẹ ghẻ con chồng" phức tạp này, em có một lợi thế: sự dịu dàng, chia sẻ, yêu thương, tế nhị, khéo léo của một người mẹ.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và chồng có con trai chung bốn tháng tuổi. Tụi em tuy chưa đám cưới, nhưng đã đăng ký kết hôn. Em cũng mong đợi một ngày mình được làm lễ cưới trong đời con gái, nhưng do anh bận việc và chưa sắp xếp xong nhà cửa nên em vẫn đợi.

Tuy nhiên, chồng em có con trai riêng 17 tuổi với vợ cũ. Cậu bé nghịch phá, đua xe, ăn chơi và tai nạn nhiều lần. Cậu còn bỏ học, yêu đương và xài sang... Chồng em giấu em những cuộc nói chuyện với con riêng, và có chu cấp nhưng em không biết. Số tiền như thế nào em cũng không quan tâm.

Nhưng em thấy tủi thân vì em luôn tiết kiệm tiền để nuôi con thơ, cũng không dám ăn xài và chưa dám đòi hỏi đến một lễ hỏi, lễ cưới… nhưng con trai chồng em nghịch vậy thì sao em dám can đảm rộng lượng sau này sẽ sống chung được? Em chỉ sợ những cố gắng, niềm vui, và tự tin của em bị mất hết.

Chồng em thì chiều con cái và hay cho là do con trai của mình bị thiếu thốn tình cảm nên bù đắp. Nhưng em thấy cách giáo dục này lạ quá. Con hư mà vẫn cho tiền, nuông chiều, em thấy rất chán...

Mỗi lần nhắc đến để tìm hướng giải quyết thì hai vợ chồng lại cãi nhau gay gắt. Chồng cho em là dì ghẻ ác độc và muốn bỏ nhau. Em chỉ biết đau buồn khóc tủi một mình ôm đứa con bốn tháng...

Liệu vợ chồng em có thể kéo dài nữa không? Em nghĩ con tim em muốn dừng lại rồi. Nhưng em lại không đành, vì chồng em cũng tử tế, đối xử tốt với mẹ con em. Em đã bị trầm cảm nặng, nhưng không ai hiểu cả. Em muốn đi làm để bớt nghĩ ngợi nhưng sức khỏe em không cho phép.

Nguyễn Thị Thùy Trang

Em Thùy Trang thân mến,

Có một điều vô cùng quan trọng mà em phải hiểu: Cậu bé mà em nói rằng hư hỏng, quậy phá đó là con của anh, máu thịt của anh. Anh không chỉ yêu thương cháu mà còn có nghĩa vụ trách nhiệm với cháu.

Dù cháu có hư thế nào, anh cũng không thể bỏ cháu (mà nếu anh bỏ cháu thì con người đó cũng không xứng đáng để được bất kỳ ai chấp nhận). Thậm chí ngược lại, cháu như thế, anh càng tự trách mình, thấy lỗi của mình trong vấn đề của cháu: vì sự ly tán gia đình mà cháu trở thành như vậy.

Chính vì tình cảm ruột thịt đó, mà nếu bất cứ ai đặt anh trước một sự chọn lựa, khiến anh cảm nhận rằng người đó là "mối nguy hiểm" cho mối quan hệ của anh với con, không thông cảm, không chia sẻ, thậm chí khó chịu hay ngăn cản việc anh yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho con, người đó lập tức sẽ trở thành "người xa lạ" với anh. 

Ở đây, Hạnh Dung không muốn bàn về mức độ hư hỏng của cháu, sự chịu đựng trong tủi thân của em... Bởi vì thẳng thắn mà nói, tất cả mới chỉ được nghe từ phía em, khó lòng mà khẳng định được rằng em công tâm hay không, bình tĩnh hay không, ích kỷ hay không.

Thế nhưng, khi chính em nghi ngờ rằng mình không đủ bao dung, rộng lượng mà sống chung với con của anh, thì nó cũng gián tiếp bắt anh phải chọn lựa giữa em và con anh vậy. Bởi khi em không chọn con anh, tức là cũng như không chọn anh, thì làm sao em có thể bắt anh chọn em cho được? 

Em có thể bào chữa, thanh minh, giải thích về tâm trạng chán chường của mình, sự khó chịu của mình, nhưng  không phải với Hạnh Dung, mà là em phải làm sao cho chồng em hiểu điều đó, để anh có thể cởi bỏ được suy nghĩ rằng em là một bà mẹ ghẻ độc ác, và quan trọng là bỏ được chọn lựa "muốn bỏ nhau".

Trong mối quan hệ "mẹ ghẻ con chồng" khá phức tạp này, em có một lợi thế: sự dịu dàng, chia sẻ, yêu thương, tế nhị, khéo léo của một người mẹ, một người rất yêu bố của đứa trẻ, một người phụ nữ trước một đứa bé đang thiếu tình yêu thương. Liệu em đã biết đối đãi đúng mức với con chồng và với chồng, để họ hiểu rằng em và họ là một gia đình?

Chồng em thì đã "muốn bỏ nhau". Ở em thì "con tim đã muốn dừng lại". Vậy thì còn gì nữa để mà phải phân vân? Một mối quan hệ vợ chồng mà em chỉ có thể nói là anh "tử tế, đối xử tốt với mẹ con em", thì ở đó còn hay không sự gắn bó ngọt ngào? Một người tốt, suy nghĩ đúng hướng, vẫn có thể đối xử tốt với rất nhiều người, em ạ. 

Trong thư, em nói rằng con em mới bốn tháng tuổi. Có thể em đang bị trầm cảm nặng sau sinh, và đó là lý do em khó có cái nhìn tỉnh táo với mọi sự việc, cảm xúc. Hãy tâm sự điều này với chồng để anh hiểu, giúp em chữa stress, đưa em đi khám bệnh, gặp các chuyên gia tâm lý.

Hy vọng em sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn để sáng suốt nhìn nhận mọi vấn đề gia đình mà xử sự cho khéo, để giữ gìn người cha của con em, người chồng của em và gia đình của hai người.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI