edf40wrjww2tblPage:Content
Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ ngày 15/10/2014, sẽ áp dụng thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học (dùng lời nhận xét thay cho việc chấm điểm).
Như vậy, kể từ khi có hiệu lực đến nay, thông tư này đã được áp dụng khoảng 7 tuần, tức là bằng 1/5 thời gian của năm học. Thế nhưng những người liên quan trực tiếp đến thông tư này hiện vẫn còn nhiều băn khoăn, đặc biệt là phụ huynh học sinh.
Rất nhiều phụ huynh chia sẻ: Ngày trước, mỗi buổi đi học về là con “báo cáo” ngay hôm nay được mấy điểm. Bố mẹ nghe thấy điểm 9, điểm 10 thì yên tâm, mát lòng mát dạ. Nếu được điểm 5, điểm 6 thì ngay lập tức bố mẹ phải mở vở ra xem con sai cái gì, cần giảng giải thêm chỗ nào, hoặc thấy nghiêm trọng hơn thì sẽ liên hệ với cô giáo để tìm hiểu.
Còn bây giờ không chấm điểm, con chẳng có gì để “báo cáo”, bố mẹ cũng không có căn cứ gì để vui mừng hay lo lắng. Kể ra thì thấy đỡ mệt thật nhưng qua một thời gian, nhiều phụ huynh lại hoang mang vì không biết con mình hiện nay đang ở mức nào, xem vở thì thấy cô giáo ghi những lời nhận xét rất chung chung như: “làm bài được, cần cố gắng”; “chưa cẩn thận, cần cố gắng”; “có tiến bộ, cần phát huy”… Bố mẹ muốn biết cụ thể con mình phải “cố gắng” hoặc “phát huy” cái gì thì đành ngồi xem kĩ bài vở, may ra mới biết con “phải cố” ở nội dung nào.
Nguồn ảnh: tuyengiao.vn |
Nhưng vấn đề là ở chỗ, nhiều phụ huynh không có đủ điều kiện về thời gian, khả năng để có thể “nghiên cứu” bài vở của con. Cũng chả sao, thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, nhấc điện thoại lên là liên hệ được ngay với cô giáo.
Đáp lại những băn khoăn của phụ huynh, cô giáo trấn an: Hằng ngày, thầy cô đã hướng dẫn học sinh trên lớp bằng lời nói trực tiếp, trong vở chỉ ghi chung chung thế thôi. Rồi cô chia sẻ khó khăn: sĩ số học sinh trong lớp rất đông, để giúp tất cả các em hoàn thành hết nội dung học tập, đôi khi giáo viên dạy còn không kịp. Do đó, việc nhận xét học sinh (thay cho chấm điểm như trước) theo thông tư 30 rất khó khăn.
Nghe cô giáo kể, phụ huynh vừa thương cô vừa lo cho con mình vì dạo này có vẻ các con không ham học, không quyết tâm để mang điểm 9, điểm 10 về cho bố mẹ vui như trước, cũng không còn cần cù sửa bài, học thuộc bài. Cứ như thế, liệu chất lượng học tập sẽ ra sao?
Vậy có phải việc thay đổi đánh giá làm cho học sinh giảm động cơ học tập ? Làm cho giáo viên khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, phụ huynh không kiểm soát được mức độ học tập của con em mình?
Ở góc độ cá nhân, tôi thấy việc đổi mới đánh giá học sinh là một chủ trương đúng đắn, có lộ trình đầy đủ (trước đây 2 năm, Bộ Giáo dục đã hướng dẫn giáo viên đánh giá học sinh bằng điểm số kết hợp lời nhận xét; năm học 2013 - 2014, Bộ chỉ đạo đánh giá học sinh lớp 1 bằng nhận xét, không chấm điểm).
Tuy nhiên, khi đưa thông tư 30 vào thực hiện, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi thói quen làm việc theo hướng “phải làm nhiều việc hơn”. Bên cạnh đó, sĩ số học sinh lại ngày càng đông, nên vô tình mục đích “giảm áp lực” cho giáo viên chưa đạt được.
Và khi giáo viên còn thấy mệt mỏi, áp lực, nghĩa là “chưa thông” với chủ trương mới thì họ không thể truyền cho học sinh, phụ huynh sự hứng thú, phấn khởi, sự tin tưởng vào quá trình giáo dục và giảng dạy cho các em.
Vẫn biết là cái gì mới thì cũng khó khăn, nhưng những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy - đánh giá học sinh, họ là những người giữ vai trò “hiện thực hóa” chủ trương, văn bản của Bộ Giáo dục - Đào tạo, thì nhất định phải có sự nghiên cứu để hiểu rõ và để tạo niềm tin cho chính mình, cho phụ huynh và cho các em học sinh. Nếu làm được như thế thì dù thông tư còn có hạn chế, cũng sớm bộc lộ và sẽ có giải pháp khắc phục.
Vấn đề ở đây chính là sự “chưa thông”, chưa thấy được những ưu điểm của thông tư, chưa thấy “cái được” cho trò, cho thầy, cho phụ huynh và cho tương lai của cả xã hội. Dưới đây là một vài ưu điểm của sự đổi mới đánh giá học sinh tiểu học mà tôi nhận thấy:
1. Đổi mới đánh giá sẽ định hướng việc giáo dục học sinh phát triển toàn diện, không dùng một công cụ đánh giá cho tất cả học sinh. Nghĩa là, học sinh có năng lực nào vượt trội thì sẽ được định hướng, giúp đỡ để phát triển năng lực đó, không như trước đây chỉ công nhận năng lực của học sinh qua điểm thi, qua danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến.
2. Đổi mới đánh giá nhằm tránh áp lực cho học sinh, phụ huynh và giáo viên, giúp các em hàng ngày đi học không phải cố cho được điểm cao - lo sợ bị điểm kém; tạo điều kiện để từng học sinh có năng khiếu gì thì các em sẽ được phát huy tối đa năng khiếu đó, những môn khác nếu các em chưa giỏi thì cũng chỉ cần đạt yêu cầu là được.
3. Đổi mới đánh giá giúp rèn cho học sinh các kĩ năng biết tự điều chỉnh, bổ sung kiến thức, kĩ năng của mình dựa vào lời nhận xét của giáo viên, của bạn bè và của chính mình. Ví dụ 2 học sinh đều đạt 70% yêu cầu nhưng giáo viên sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng em để đưa ra nhận xét có lợi nhất, giúp em đó biết tự mình khắc phục theo cách phù hợp với mình chứ không nhất thiết phải “sửa lỗi” như cách của bạn khác.
4. Đổi mới đánh giá không hạn chế động cơ học tập, không “cào bằng”. Vì theo quy định, những em có quá trình học tập tốt, đạt kết quả cao, sẽ được cả lớp bình chọn, giáo viên lập danh sách đề nghị hiệu trưởng xem xét và khen thưởng thành tích từng mặt của em đó chứ không như trước đây là: học sinh phải giỏi đều tất cả các môn mới được khen thưởng.
Ví dụ: Học sinh không giỏi các môn tiếng Việt - tiếng Anh - khoa học - lịch sử - địa lí nhưng các em lại có năng khiếu toán thì sẽ được giáo viên bồi dưỡng môn toán và nếu các em có thành tích tốt thì sẽ được khen thưởng. Còn với học sinh không có năng khiếu toán nhưng có năng khiếu môn khác thì cũng sẽ áp dụng tương tự như thế.
Tóm lại, đổi mới đánh giá giúp học sinh không bị áp lực khi học, khi thi bất cứ môn nào, vì dù các em chỉ đạt 50% hay đạt cả 100% điểm thì cũng được xét hoàn thành môn học đó như nhau, không phân loại giỏi - khá - trung bình.
Tuy nhiên, nếu học sinh thể hiện được năng lực vượt trội trong quá trình học tập môn nào thì sẽ được xem xét khen thưởng môn đó. Sự đổi mới này giúp học sinh không còn áp lực phải giỏi tất cả các môn, mà khuyến khích các em có năng khiếu gì thì phát huy năng khiếu đó, giỏi môn gì cũng được đánh giá cao…. Như vậy, đổi mới để tạo điều kiện cho học sinh học tập thoái mái, tự tin phát huy năng lực riêng của mình.
Tôi cho rằng chúng ta cần thay đổi thói quen chỉ công nhận học sinh là giỏi, là tốt khi các em đạt điểm 9, điểm 10 môn toán, môn tiếng Việt, tiếng Anh,… mà quên rằng trong mỗi lớp học, còn có rất nhiều học sinh không giỏi các môn trên nhưng lại có một năng lực tuyệt vời khác mà cách đánh giá trước đây chưa chạm tới, chưa cho các em cơ hội được tỏa sáng.
Vì thế, việc đổi mới đánh giá là có lợi cho các em, cho tương lai của toàn xã hội. Và điều này chỉ có thể đạt được khi phụ huynh và các thầy cô giáo tin tưởng vào sự đổi mới, khắc phục khó khăn để hiện thực hóa mục đích của thông tư, ước mơ của học trò, đáp ứng được mong mỏi của cha mẹ học sinh và của cả đất nước.
HÒA BÌNH
Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang - Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com - Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn. Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |