“Tội” đơn thân

02/04/2013 - 06:30

PNO - PNO - Mấy ngày nay, khắp các trang mạng từ facebook đến báo chí sôi sục chuyện ca sĩ “single-mom” Thái Thùy Linh được bình chọn làm gương mặt trẻ tiêu biểu 2012. Lời xin lỗi có, lời bênh vực cũng có, chuyện đã khép nhưng vết thương...

“Toi” don than

Linh đã làm mẹ đơn thân từ nhiều năm rồi. Con gái cô đã bốn tuổi. Tôi nhớ trong một lần phỏng vấn vội, tôi đã hỏi Linh “Đi suốt thế này thì thời gian đâu mà lo cho con?”. Linh thật thà rằng, cô phải nỗ lực nhiều lắm để phân chia thời gian cho công việc và con gái. Mọi thứ đều phải tranh thủ, từ chơi với con, ôm con ngủ, cho con ăn sáng, chở con đi học… Cô kể, con cô mê hát; cô sắp làm một dự án dạy nhạc, thu âm album cho thiếu nhi, trong đó con gái cô sẽ làm “chuột bạch” - được mẹ thu cho album đầu tiên…

Không nhà báo nào “soi xét” chuyện cô lựa chọn cho mình và con một lối đi không theo số đông, kể cả khi Thái Thùy Linh ồn ào khiếu kiện album Bộ đội bị vi phạm bản quyền, hay khi cô ngược xuôi Bắc Nam “xộc vào các bệnh viện” để đem tiền và niềm vui đến cho bệnh nhân. Nhưng bây giờ, khi Thái Thùy Linh được tôn vinh vì những công tác thiện nguyện, người ta bắt đầu e ngại rất chính đáng và tự nhiên rằng tôn vinh cô là đã “cổ vũ giới trẻ làm mẹ không cần lập gia đình…”.

Những người mẹ đơn thân đều là những người bản lĩnh nhất tôi từng biết. Nếu ai từng vừa ốm vừa ôm con ốm khi không có chồng hoặc người thân nào bên cạnh, hẳn sẽ thấm thía cảm giác bất lực, tuyệt vọng mà cuộc sống tàn nhẫn mang lại. Những khó khăn, vất vả khi vừa làm mẹ vừa làm cha, để kiếm tiền nuôi con, chăm con, dạy con… chắc cũng đã nhiều người nói đến. Nhưng, tất cả những vất vả đó không làm tổn thương họ bằng những ánh nhìn soi xét khắt khe, những lời bình phẩm thiếu thiện ý, thậm chí là thái độ thương xót sau lưng đâu đó trong khu phố, trong cơ quan, trên thế giới mạng…

Thiệt thòi hơn nữa, trong mọi cuộc bình bầu vị trí, danh hiệu, thành tích… những người mẹ đơn thân cũng thường bị nghi ngại, e dè như thể họ đã trót mang trên mình một thứ tiền án, tiền sự nào đó. Dấu vết của thời tuổi trẻ nông nổi sẽ theo họ suốt cuộc đời cho đến khi họ có chồng, lập gia đình như một người bình thường hoặc con họ lớn khôn thành đạt, vinh hiển.

“Toi” don than
 

Nhiều người phụ nữ cắn răng chịu đựng bạo hành, chịu đựng những thói hư tật xấu của chồng chỉ để giữ cho mình và con một nóc nhà bình thường (tức là có đủ cả cha lẫn mẹ) với xã hội, với dư luận. “Đàn ông như cây cột chống nhà”, nên có khi cột đã mối mọt mục ruỗng mà nhiều phụ nữ vẫn không dám dỡ bỏ, hoặc khi lỡ thì quá lứa - biết đó là gỗ xấu nhưng vẫn vơ vào vì không thể “khác người”.

Cuối cùng, “có cột” hay “không cần cột’ thì vẫn phải thiệt thòi mà thôi.


HIỀN MINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI