'Tội đồ' của lớp?

12/03/2019 - 09:28

PNO - Bạn tôi ở Úc xin thầy cho con nghỉ 10 ngày về Việt Nam đón Tết. Vừa nghe, thầy nói: không sao, con sẽ học hỏi nhiều điều từ gia đình hơn cả những gì tôi dạy cho cháu, nhưng ở Việt Nam thì khác.

Tôi đến trường gửi đơn xin phép cho con trai đang học lớp Mười nghỉ học ba ngày. Vừa nhìn số ngày nghỉ, cô giáo đã la lên: “Trời ơi, không được, chị có biết ngay sau tết trường điểm danh gắt lắm không? Tuần sau nữa là kiểm tra giữa kỳ, cột điểm hệ số 2, chị cho nghỉ liền ba ngày là… chết cả lớp rồi. Nhà nào cũng dẫn con đi vầy, lớp trống hoác, trường điểm danh thì biết làm sao?”.

Tôi “đứng hình” giữa lớp mà không kịp phân bua, cũng không hiểu vì sao con mình nghỉ học ba ngày mà “chết cả lớp”. Thật ra, hôm ấy tôi xin cho con nghỉ học để cả gia đình đưa ba tôi về Thanh Hóa sau 100 ngày mất của mẹ tôi. Chuyến đi rất quan trọng đối với gia đình tôi. Nhưng cô chủ nhiệm lớp hôm ấy đã không lắng nghe tôi chia sẻ.

Mang tâm trạng rối bời suốt cả ngày, tới buổi cơm tối, tôi đem chuyện này ra bàn với chồng thì con trai la oai oái: “Thôi ba mẹ về quê đi, con không muốn làm “tội đồ” của lớp đâu. Mẹ có biết mất một điểm thi đua là lớp con bị nói mệt tới chừng nào không?”.

Ôi trời, chỉ là về thăm quê nội, con tôi bỗng dưng thành “tội đồ” của lớp. Thằng con lớn đang học đại học liền ủng hộ em: “Vậy đi cho yên mẹ, chứ không tội nghiệp nó. Nhớ hồi con học lớp 11, mẹ cũng cho nghỉ sớm sau khi thi học kỳ I để du lịch cùng cơ quan mẹ mà con bị cô mang ra nhắc hết năm luôn đó”.

Nghĩ lại cứ thấy buồn. Khi quyết định xin cho con nghỉ học dù là một buổi, phụ huynh phải cân đong đo đếm rất kỹ lưỡng. Trước khi quyết định đưa con đi đâu đó trong những ngày con tới lớp, cha mẹ đều phải tính toán cho con học bù, lấp lỗ hổng kiến thức để theo kịp bạn bè. Chúng tôi nào phải là người vô trách nhiệm.

Nhớ lại người bạn của tôi ở Úc, vì cho con về Việt Nam đón tết nên lo lắng đến xin phép thầy giáo cho con trở lại lớp học trễ 10 ngày. Anh cứ nghĩ rằng sẽ bị thầy la một trận vì con sẽ không theo kịp bài vở. Nhưng thầy giáo trả lời: không sao, anh cứ cho con vui tết với ông bà. Con sẽ học hỏi được nhiều điều từ gia đình, người thân, hơn cả những gì tôi sẽ dạy cho cháu trên lớp trong khoảng thời gian đó.  

Sao thầy cô không nghĩ những chuyến đi cùng gia đình, người thân đến những vùng đất mới, những nẻo đường quê hương… cũng là hành trình để đứa trẻ được học hỏi, được lớn lên? Vì sao cứ mặc định giáo dục một con người luôn chỉ là chuyện điểm danh trên lớp, chuyện thành tích thi đua? 

Nguyễn Thụy (Q.12, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI