Tôi đi tìm tôi...

25/05/2016 - 07:26

PNO - Người ta thường nghĩ rằng làm ra nhiều tiền rồi sẽ thực hiện những điều mong muốn. Tôi đã tư duy ngược lại.

Đứng trước căn hộ của chị Bùi Thị Minh Tú, một trong những người sáng lập phong trào thiền Kim tự tháp tại Việt Nam, bất giác tôi mỉm cười trước dòng chữ viết bằng phấn trắng trên cánh cửa: “Cứ gõ cửa sẽ mở”. Và sau một tiếng gõ nhẹ, quả nhiên cửa mở tức thì. Khắp nhà không có bàn ghế. Chị dành hẳn một căn phòng ngập tràn ánh sáng từ những cánh cửa sổ mở rộng, có thể ngắm nhìn thành phố từ tầng thứ 15, cho việc hành thiền.

Chúng tôi trò chuyện trong căn bếp với ánh đèn vàng ấm áp. Vừa cắt gọt trái cây, chị vừa thủng thẳng “chiếu” lại tôi xem cuốn phim đời mình, với những bước ngoặt nhẹ như không...

“Tốt nghiệp đại học Kinh tế, hơn 10 năm làm việc tại các tập đoàn lớn: Abbot, Đất Việt… càng ngày tôi càng bị mất cân bằng. Mất sức khỏe, căng thẳng trong các mối quan hệ gia đình, công việc, không tìm được sự kết nối. Tôi thật sự bối rối về bản thân, lúc nào cũng cảm thấy trống vắng, thiếu thốn. Quyết định đặt xuống tất cả, tôi trở thành một trong hai người đồng sáng lập phong trào thiền Kim tự tháp tại Việt Nam. Mở lớp dạy thiền miễn phí, tôi dần nhận ra thiền định giúp phục hồi sức khỏe, tâm trí được cân bằng. Tôi “ngộ” ra: hóa ra bấy lâu mình không hề sống. Tâm trí lúc nào cũng đặc nghẹt với những âu lo thường nhật. Tôi để quên bên đời giấc mơ thuở nhỏ: được trở thành người chia sẻ, truyền dạy kiến thức…”, Minh Tú nhẹ nhàng tâm sự.

Toi di tim toi...
Minh Tú và 2 con

"Viên pha lê không ai lau chùi"

Minh Tú ví giấc mơ thuở nhỏ trong mỗi con người như viên pha lê tuyệt đẹp không được ai lau chùi. Không ngoại lệ, chị cũng từng bỏ quên giấc mơ. Và nhờ tham gia phong trào thiền Kim tự tháp đã có mặt tại Ấn Độ trên 30 năm, Minh Tú dần được thức tỉnh, nhẹ nhàng gỡ bỏ những rào cản tâm lý, giúp mọi thứ quay lại trong trật tự sáng sủa, rõ ràng. Chị quyết định đóng cửa công ty riêng chuyên kinh doanh đồ chơi giáo dục của mình, trở thành người chia sẻ kiến thức về “giáo dục sớm”.

* Vì sao chị từ bỏ công việc đang rất tốt để theo đuổi giấc mơ chia sẻ kiến thức về giáo dục trẻ em với cộng đồng?

- Người ta thường nghĩ rằng làm ra nhiều tiền rồi sẽ thực hiện những điều mong muốn. Tôi đã tư duy ngược lại. Vì nếu bạn dám sống với những ước mơ, làm công việc mình yêu thích, giúp bản thân phát triển phẩm chất, giúp xã hội tốt đẹp hơn thì sẽ được truyền trao nguồn lực và tưởng thưởng xứng đáng.

Không ít người vào lúc sắp lâm chung chỉ toàn những giọt nước mắt nuối tiếc vì đã không sống được như mong muốn. Vì vậy trước khi quá muộn, tôi quyết định sống theo những điều trái tim mình mách bảo. Dám bước những bước đi thay đổi để phát triển và hoàn thiện bản thân, đồng thời giúp ích mọi người. Trên hành trình không kém phần cam go này, điều quan trọng là chúng ta phải biết đón nhận sự giúp đỡ của những người mà mình mong muốn trở thành. Và phụng sự xã hội bằng sự hỗ trợ vô điều kiện, vì suy cho cùng cho là để nhận…

Mỗi đứa con là một người thầy

Cuộc sống của Minh Tú bắt đầu thay đổi từ việc phát hiện đứa con trai bé bỏng bị bệnh tự kỷ. Để đồng hành cùng con, từng bước một, chị dần trang bị cho mình kiến thức giáo dục trẻ.

* Điều gì đã thôi thúc chị mở lớp “Sứ mệnh thiêng liêng” dành cho các bậc cha mẹ?

- Cũng từ việc theo sát con, giúp con hòa nhập cuộc sống, tôi đồng cảm với các bậc cha mẹ và khát khao muốn được chia sẻ những kiến thức mình có, để những người làm cha mẹ hiểu rằng: mỗi đứa con là một người thầy. Nhờ có con mà cha mẹ có thể hiểu, trải nghiệm và hoàn thiện bản thân, đó là lý do lớn nhất mà chúng ta có con. Sắp tới, tôi sẽ mở những lớp đặc biệt giúp phụ huynh trải nghiệm sâu sắc việc làm cha mẹ.

* Và chị chia sẻ điều gì với họ?

- Tôi chia sẻ với các bậc cha mẹ cách làm việc, khai thác tiềm năng từ con trẻ, về giá trị sáu năm đầu đời của mỗi đứa trẻ. Nếu trẻ bị bỏ rơi về mặt cảm xúc sẽ luôn cô đơn, cho dù sau này trẻ có là ai trong cuộc đời đi chăng nữa. Trẻ sẽ chọn cô độc dù có rất nhiều người yêu thương bên cạnh. Đứa trẻ sợ chia cắt sẽ luôn tìm kiếm sự chia tay. Những đứa trẻ không được thừa nhận sẽ quên bản thân mà cố gắng làm hài lòng người khác nhưng vẫn không hạnh phúc vì luôn cho rằng mình không đủ tốt. Những đứa trẻ phải mang vác nhiều trách nhiệm từ sớm sẽ mạnh mẽ nhưng thiếu niềm tin vào con người.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI