Tôi đi thuê người yêu

18/12/2024 - 17:05

PNO - Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mùa lễ hội cuối năm, mạng xã hội lại rộ lên các hội nhóm cho thuê người yêu, bạn đi du lịch, bạn dự tiệc… Hầu hết các nhóm này đều do cá nhân tự lập với quy mô từ vài chục cho tới cả trăm ngàn thành viên. Để có thêm góc nhìn đa chiều về xu hướng này, chúng tôi đã thử vào vai khách thuê người yêu và tiếp cận được một số bạn trẻ đang cung cấp dịch vụ cho thuê.

Muôn kiểu hẹn hò bán thời gian

Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

Chuyện bắt đầu từ một tối rảnh rỗi, khi tôi lang thang trên các hội nhóm Facebook - nơi tập trung hàng ngàn bài đăng về các dịch vụ lạ. Trong hàng loạt lời mời gọi cho thuê bản thân làm người yêu part-time, có một bài đăng ngắn gọn đã thu hút sự chú ý của tôi: “Em nhận cho thuê người yêu ở SG. Em ngoại hình trắng trẻo, dễ thương. Inbox để biết thêm chi tiết”.

Bảng giá  dịch vụ cho  thuê người yêu  được một cô  gái trẻ cung cấp - ẢNH: NHẬT THÀNH
Bảng giá dịch vụ cho thuê người yêu được một cô gái trẻ cung cấp - Ảnh: Nhật Thành

Tò mò, tôi quyết định bước vào thế giới của những cuộc hẹn không xuất phát từ tình yêu mà là những giao dịch, mặc cả tiền bạc. Những cô gái tôi gặp, mỗi người đều có những câu chuyện, nguyên tắc và cả rào cản riêng.

Người đầu tiên tôi tiếp cận yêu cầu mức giá 500.000 đồng cho 2 giờ đi chơi cùng nhau. Cô gái gửi hình cho tôi xem, đồng thời yêu cầu thanh toán tiền trước. Không chỉ vậy, tôi còn phải đặt xe đưa đón cô. Khi tôi đề xuất một quán cà phê gần nhà, cô gái thẳng thừng từ chối và chọn một quán cao cấp ở ngã 6 Phù Đổng. Cô nhắn: “Em chỉ nhận job (công việc - NV) trong vòng 7km”. Do không thể thống nhất địa điểm, cuộc hẹn đầu tiên thất bại bởi nguyên tắc “bán kính giới hạn” của cô.

Tôi bắt đầu tìm đối tác thứ hai. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi tôi tiếp cận một cô gái có vẻ chuyên nghiệp trong hành nghề. Cô gửi tôi bảng giá chi tiết với 2 lựa chọn: “lành mạnh” và “không lành mạnh”. Các hoạt động “lành mạnh” bao gồm: đi ăn, xem phim, nắm tay. Nếu muốn hôn, khách phải trả thêm phí, với mức giá lên tới 500.000 đồng/giờ. Nhưng khi chuyển sang “không lành mạnh” - tức là có quan hệ tình dục - mức giá nhảy vọt lên 1,2 triệu đồng/giờ.

Dù là người cho thuê, cô gái vẫn đặt ra những quy tắc riêng. Cô yêu cầu tôi cung cấp thông tin tuổi tác trước khi gặp mặt. Khi tôi từ chối, cô lập tức chặn tài khoản của tôi mà không một lời giải thích. Điều này khiến tôi nhận ra một thực tế: ngay cả trong dịch vụ tưởng chừng thoải mái nhất, vẫn tồn tại những nguyên tắc ngầm, tùy vào yêu cầu, cảm hứng của người “bán” mà không phải khách hàng nào cũng có thể đáp ứng.

Tiếp tục tiếp cận các lời chào mời khác trên mạng, tôi cũng được giới thiệu các hoạt động hẹn hò với người yêu part-time chủ yếu là đi chơi, ăn uống, hẹn hò quán xá và dĩ nhiên, “người yêu” sẽ cho phép khách thuê được skinship (tương tác cơ thể - PV) ở mức độ như nắm tay, ôm hôn… Đặc biệt, ở một số trường hợp, người cho thuê chấp nhận cả việc quan hệ tình dục, dĩ nhiên là ở mức phí cao hơn nhiều so với việc động chạm cơ thể đơn thuần.

Đa phần, trên các hội nhóm, tỉ lệ nữ “cho thuê bản thân” chiếm tỉ lệ cao hơn nam. Các cô gái hoạt động sôi nổi trong trạng thái ẩn danh cùng các giao dịch kín. Trong khi đó, với đối tượng cho thuê là nam giới, thường những yêu cầu của người thuê rõ ràng hơn nhiều, như yêu cầu cung cấp hình ảnh, các chỉ số cơ thể, tuổi tác… Thông thường, ứng viên nam sẽ được thuê đóng giả làm người yêu cho các dịp đặc biệt như gặp mặt gia đình, bạn bè… Còn ứng viên nữ lại đắt show với các dịch vụ đi chơi, hẹn hò thông thường và cả… lên giường.

Bên cạnh những người cho thuê bản thân chuyên nghiệp, cũng có không ít sinh viên chập chững “vào nghề”. Khi được hỏi tại sao nhận cho thuê bản thân, câu trả lời tôi nhận được thường là do “cần tiền”. Hoàng Mai - một sinh viên năm 3 ở TPHCM - cho biết: ban đầu, cô tham gia các nhóm cộng đồng cho thuê người yêu với mục đích kiếm người đi chơi cùng. Thế nhưng, mọi chuyện đã khác khi cô phát hiện mình có thể nhận được tới cả triệu đồng cho mỗi lần đi chơi với “đối tác”.

Cô sa chân vào con đường “cho thuê” này lúc nào không hay và mỗi lần hẹn hò đều phải tính bằng tiền. Khi tôi nói mình cũng là sinh viên mới ra trường, mong muốn làm quen nghiêm túc và “phi lợi nhuận”, Hoàng Mai lập tức chặn tôi mà không lời từ biệt.

Chuyên gia cho rằng, những cuộc hẹn với “người yêu part-time”  làm suy giảm niềm tin của giới trẻ về tình yêu đích thực - ẢNH: NHẬT THÀNH
Chuyên gia cho rằng, những cuộc hẹn với “người yêu part-time” làm suy giảm niềm tin của giới trẻ về tình yêu đích thực - Ảnh: Nhật Thành

Rủi ro và cám dỗ

Khi mới thâm nhập vào thế giới này, tôi từng nghĩ tất cả cô gái làm dịch vụ cho thuê bản thân đều vì tiền, cho đến khi gặp Tuyết Anh. Cô cho biết tìm đến các nhóm cộng đồng, các dịch vụ cho thuê người yêu đơn giản để tìm bạn đi chơi, chỉ vì quá chán các ứng dụng hẹn hò.

Tuyết Anh nói: “Em chỉ muốn tìm một người bạn hợp gu. Tiền bạc không quan trọng, nhưng nếu ai mời em đi chơi, em muốn trò chuyện trước, hợp thì gặp”. Cô gọi những buổi hẹn là “blind date” (hẹn hò bí mật), với yêu cầu duy nhất: cả hai phải thực sự hòa hợp về sở thích, cách suy nghĩ và trò chuyện.

Thanh Kiều - một cô sinh viên khác, có cách tiếp cận dịch vụ linh hoạt hơn. Kiều không đặt ra mức giá cụ thể mà chỉ nhận phí “tùy tâm” từ khách thuê. Với cô, điều quan trọng nhất là cảm giác thoải mái và niềm vui trong những cuộc hẹn.

Có lần, Kiều được thuê chỉ để lên xe hơi cùng khách hàng, trò chuyện suốt vài giờ. Cô kể lại: “Khách rất lịch sự, không bao giờ đụng chạm hay yêu cầu gì quá đáng. Em may mắn chưa gặp ai làm em thấy sợ”.

Những đồng tiền kiếm dễ và nhanh chóng từ dịch vụ cho thuê người yêu đã hấp dẫn nhiều cô gái trẻ - ĐỒ HỌA: NHẬT THÀNH
Những đồng tiền kiếm dễ và nhanh chóng từ dịch vụ cho thuê người yêu đã hấp dẫn nhiều cô gái trẻ - Đồ họa: Nhật Thành

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Kiều. Trong thế giới của dịch vụ này, không thiếu những câu chuyện đầy cạm bẫy. Đoan Nhã - một nữ sinh viên năm nhất lại có trải nghiệm kinh khủng khi suýt bị lừa. Vừa mới chân ướt chân ráo từ quê lên TPHCM đi học, Nhã “vào nghề” với mong muốn có thêm tiền trang trải cuộc sống nơi đô thị đắt đỏ. Táo bạo hơn, nữ sinh viên sinh năm 2006 này chấp nhận đi du lịch cùng người thuê. Với mức giá 3 triệu đồng cho tour này, cô gái chấp nhận tình huống sẽ phải quan hệ tình dục với người thuê.

Trớ trêu thay, ngay trong lần đầu, Nhã bị khách thuê không thanh toán đầy đủ tiền, thậm chí còn bỏ cô lại một mình giữa con đường ít người qua lại ở Vũng Tàu.

Một trường hợp khác là Thúy Vân. Cô gái 21 tuổi vừa bắt đầu kỳ học đầu tiên tại một viện đào tạo về thiết kế thời trang ở TPHCM. Thúy Vân tiếp cận khi biết tôi có nhu cầu thuê người yêu và cô cũng khá dè dặt khi cho biết vừa tham gia dịch vụ này khoảng… 5 phút. Tuy nhiên, sự dè dặt đó sớm qua nhanh khi cô sẵn sàng nhận job có quan hệ tình dục với mức giá 2 triệu đồng. Cô nói: “Em đã hết cách mới phải làm vậy”.

Tôi đề xuất cho cô vay với điều kiện Vân phải chứng minh được danh tính và câu chuyện cô kể là sự thật. Vân chỉ xem tin nhắn và im lặng. Từ đó về sau, tôi không nhận thêm phản hồi nào từ cô nữa.

Dịch vụ “cho thuê người yêu” không chỉ là một trào lưu mà còn phản ánh những góc khuất trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ. Với một số người, đây chỉ là những cuộc vui thoáng qua, nhưng với người khác, đó là lối thoát khỏi khó khăn tài chính, dù phải đánh đổi bằng lòng tự trọng và đôi khi là sự an toàn của bản thân. Tôi tự hỏi, liệu có bao nhiêu người, sau những lần “cho thuê” như thế, đã nhận lại những vết sẹo khó phai trong lòng?

Lam Hồng

(* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Thuê người yêu - lời cảnh báo về sự cô đơn trong kỷ nguyên số

Ở Trung Quốc, trong những dịp lễ, tết Nguyên đán, hàng ngàn thanh niên đã chi trả từ 500-2.000 nhân dân tệ (NDT) mỗi đêm để có một “người yêu” xuất hiện trước mặt gia đình. Tờ South China Morning Post hồi tháng 3/2023 cho biết: một thế giới ngầm về các dịch vụ thuê người yêu đang diễn ra sôi động tại Trung Quốc. Một phóng viên đã điều tra và phát hiện ra Mumu - nhân viên văn phòng 29 tuổi, có bằng cử nhân từ một trường đại học thông thường - là một trong những “diễn viên tình cảm” chuyên nghiệp.

Mức phí của Mumu là 1.000 NDT (tương đương 145 USD) mỗi ngày, cộng thêm 500 NDT tiền trả trước và 350 NDT chi phí đi lại. Đặc biệt, trong những dịp cao điểm như tết Nguyên đán, Mumu có thể kiếm được tới 2.500 NDT mỗi ngày.

Bài báo trên Reuters năm 2017 cũng cho thấy xu hướng này không phải là mới. Ông Cao Tiantian - người sáng lập ứng dụng Hire Me Plz - tiết lộ: có hơn 1.000 người dùng đã đăng ký làm “người yêu thuê” chỉ riêng dịp tết Nguyên đán. Giá cả dao động từ 1-1.999 NDT mỗi giờ, với các dịch vụ từ ăn tối, trò chuyện đến chơi mạt chược.

Không chỉ ở Trung Quốc, Nhật Bản cũng phát triển một ngành công nghiệp tương tự. Theo tờ Daily Mail, trang web tokyo.rent-kano.net liệt kê những “người yêu thuê” với mức giá cụ thể. Ví dụ cô gái tên Nagi được thuê với giá 12.000 yên cho 2 giờ, với mô tả bản thân là người có thể “làm bánh, xem anime” trong những ngày nghỉ. Youtuber Harry Jaggard đã trải nghiệm dịch vụ này và chi trả 400 USD cho một buổi hẹn người yêu thuê. Theo ghi chép của Daily Mail, cặp đôi này đã khám phá phố Takeshita, ghé thăm quán cà phê nhím và thưởng thức bữa ăn thịt bò wagyu.

Tờ The Guardian đã phân tích sâu hơn về nguyên nhân của xu hướng này khi đưa ra các nghiên cứu chỉ ra rằng, trước đại dịch COVID-19, tình trạng cô đơn đã được coi là một đại dịch trong nhiều quốc gia. Tại Mỹ, tỉ lệ cô đơn đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một nghiên cứu ở Anh cho thấy, tỉ lệ cô đơn tại các nước châu Á đang gia tăng đáng báo động. Tại Nhật Bản, cứ 4 người thì có 1 người trên 65 tuổi và số người sống độc thân ngày một nhiều. Tại Trung Quốc, áp lực kết hôn đã đẩy nhiều người trẻ tìm đến những giải pháp như thuê người yêu để đối phó với gia đình mỗi dịp lễ, tết.

Các nhà xã hội học nói đây không chỉ là một xu hướng mà là một triệu chứng của những thay đổi sâu rộng trong cấu trúc xã hội. Sự xuất hiện của các dịch vụ thuê người yêu, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo mô phỏng mối quan hệ cho thấy con người đang ngày càng xa rời các kết nối truyền thống. Trong một thế giới số hóa - nơi các mối quan hệ được đóng khung bởi những thuật toán và giá cả, chúng ta đang dần mất đi bản chất con người - khả năng kết nối, yêu thương một cách chân thật và vô điều kiện.

Câu chuyện về những người yêu thuê mướn là lời cảnh báo về sự trống rỗng đang từng bước bao trùm các mối quan hệ của con người trong kỷ nguyên số.

Nhật Thành (tổng hợp)

Ý kiến:

Hồi chuông cảnh báo về giá trị tình yêu bị xem nhẹ

Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram đã góp phần làm bùng nổ dịch vụ cho thuê người yêu qua mạng. Tuy nhiên, hiện tượng này lại đặt ra nhiều lo ngại về giá trị tình yêu và các rủi ro tiềm ẩn.

Hơn một thập niên trước, người dùng mạng xã hội còn thiếu kinh nghiệm và thường lo ngại điều tiếng khi tham gia các hoạt động thiếu minh bạch. Khi đó, hầu hết người dùng đều sử dụng tài khoản chính chủ và cẩn trọng hơn với hình ảnh cá nhân. Nhưng ngày nay, với sự phổ biến của mạng xã hội và việc thạo công nghệ, những dịch vụ cho thuê người yêu trở nên dễ tiếp cận và nở rộ hơn.

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, bị cuốn theo lối sống hào nhoáng, chạy theo vật chất trên mạng. Thực tế, không phải vì quá thiếu thốn mà các bạn làm điều này. Áp lực từ những hình ảnh bạn bè đăng tải lên mạng có thể khiến các bạn chấp nhận những công việc sử dụng bản thân để đổi lấy tiền.

Ông Hoàng Điệp
Ông Hoàng Điệp

Dịch vụ hẹn hò và cho thuê người yêu qua mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cả với nam lẫn nữ. Với nam giới, họ có thể bị lợi dụng để chiếm đoạt các hình ảnh nhạy cảm, dẫn đến việc bị tống tiền. Trong khi đó, phụ nữ - vốn là nhóm dễ bị tổn thương hơn - lại đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, xâm hại tình dục hoặc thậm chí trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Loại hình dịch vụ này có thể đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người trẻ cô đơn hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng mối quan hệ. Chỉ với vài trăm ngàn đồng, bạn đã có người sẵn sàng đi chơi và lắng nghe mình nói chuyện. Điều này dễ dàng hơn so với cách tiếp cận truyền thống. Nhiều bạn nam nhút nhát, thiếu kỹ năng giao tiếp xem đây là cơ hội để trải nghiệm.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng, điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá trị tình yêu đích thực. Đây thật sự là hồi chuông cảnh báo về giá trị tình yêu bị xem nhẹ. Tình yêu, thay vì được xây dựng dựa trên sự chân thành và tôn trọng, giờ đây lại trở thành một dịch vụ có thể đặt hàng bất cứ lúc nào. Xu hướng thuê người yêu khiến tình yêu chân chính trở thành món hàng mua bán dễ dàng, đánh mất ý nghĩa thiêng liêng vốn có. Các bạn trẻ cần nhận thức rõ rủi ro tiềm ẩn, đồng thời trân trọng giá trị của tình yêu chân chính.

Tình yêu không chỉ là cảm xúc mà còn là sự vun đắp, gắn kết và tôn trọng lẫn nhau - những điều không thể mua được bằng tiền.

Ông Hoàng Điệp
(Nhà sáng lập Nối Dating - dịch vụ mai mối và kết hôn tại TPHCM)

Cẩn thận trước nguy cơ vi phạm pháp luật

Pháp luật nước ta chưa có quy định về dịch vụ thuê người yêu, bạn đi du lịch, dự tiệc hay loại hình kinh doanh này trong hệ thống ngành nghề kinh tế. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu của xã hội nên có thể coi hoạt động thuê người yêu là một dạng dịch vụ.

Nếu các công việc trong loại dịch vụ này là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội, được xã hội thừa nhận, tôn trọng và xuất phát từ tinh thần tự nguyện thì không bị coi là vi phạm pháp luật.

Để tránh những rủi ro không đáng có, các bên tham gia cần tìm hiểu đầy đủ thông tin của đối tác trước khi thực hiện giao dịch. Các bên cần lập thành hợp đồng (có thể công chứng/chứng thực nếu thấy cần thiết) với đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn “người yêu”, chi phí dịch vụ, những hoạt động nào được thực hiện/không được thực hiện trong quá trình thực hiện hợp đồng, cam kết bảo mật thông tin của các bên… cần phải được thể hiện chi tiết.

Tuy nhiên, dịch vụ cho thuê nêu trên là một dạng dịch vụ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi 2 bên đều là những người xa lạ, chưa nắm bắt được các thông tin liên quan và cũng chưa biết được những thông tin họ cung cấp có thực, có chính xác hay không. Một số đối tượng có thể lợi dụng dịch vụ cho thuê này để lừa đảo, hiếp dâm, cưỡng dâm, mại dâm, môi giới mại dâm… Hơn nữa, do dịch vụ cho thuê chưa được pháp luật quy định cụ thể nên nạn nhân thường là bên bất lợi khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn.

Luật sư Diệp Năng Bình
Luật sư Diệp Năng Bình

Giả sử, trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận dịch vụ cho thuê trên là trá hình nhằm mục đích lừa đảo, cưỡng dâm, mại dâm, môi giới mại dâm… thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Về bản chất, dịch vụ cho thuê này thường là giao dịch dân sự giữa các bên. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, nếu các bên không thể thương lượng, hòa giải được thì một trong các bên có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Luật sư Diệp Năng Bình
(Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TPHCM)

Khánh Vinh (ghi)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI