Tôi đi chỉ đường cho... hươu

17/05/2020 - 15:50

PNO - Có một thực tế, dù cha mẹ không dạy thì trẻ cũng tìm đủ mọi cách khám phá về giới tính, chẳng thà dạy sớm để chúng hiểu đúng còn hơn tự mày mò từ các nguồn không thể kiểm soát được. Báo Phụ Nữ TPHCM đã giao cho tôi một “mảnh đất” để trên ấy tôi cày cuốc, gieo hạt, chăm chút cho khu vườn giáo dục giới tính và giáo dục tình dục.

Phải công nhận rằng, thời nay, hình ảnh và thông tin về giới tính, tình dục xuất hiện rất nhiều trong sách báo, truyền hình, phim ảnh, quảng cáo, mạng xã hội.

Ấy vậy mà trong các cuộc chuyện trò giữa cha mẹ và con cái, đề tài này vẫn là một vùng mờ! Đến nỗi trẻ thắc mắc về giới tính không dám hỏi người nhà vì sợ bị đánh giá là “tầm bậy, hư hỏng”. Tới tuổi dậy thì càng ngại đặt câu hỏi vì e rằng cha mẹ sẽ nghi ngờ hạnh kiểm của mình. 

Khi được hỏi tại sao trì hoãn dạy con về giới tính, nhiều bậc cha mẹ cho rằng không nên “vẽ đường cho hươu chạy”, e rằng bọn trẻ sẽ tò mò rồi áp dụng phương châm “học đi đôi với hành” thì tai họa khôn lường. Nhưng hươu thường chạy khi nào? Phải chăng khi bị con thú khác rượt đuổi? Nếu nó không biết đường thoát thì chỉ có… chạy đằng trời.

Với những “hươu non” ngơ ngác của chúng ta, “con thú” ấy có thể là kẻ xấu, người lạ, sếp, người quen, bạn học, thậm chí là người nhà, người yêu… cũng có thể là chính dục vọng của tuổi mới lớn chỉ chực hạ gục chúng dưới sức ép của bản năng. Vẽ đúng đường cho hươu chạy là chỉ cho nó con đường sống.

Có một thực tế, dù cha mẹ không dạy thì trẻ cũng tìm đủ mọi cách khám phá về giới tính, chẳng thà dạy sớm để chúng hiểu đúng còn hơn tự mày mò từ các nguồn không thể kiểm soát được. Có quá nhiều thông tin về giới tính trên các phương tiện truyền thông, trong đó có cái không chính xác, lệch chuẩn. Người làm chuyên môn cần đóng vai trò “bộ lọc” trong việc giúp bạn đọc tuổi thanh thiếu niên loại trừ những tin tức “lá cải”, “lá xoan”, “lá ngón” ấy.

Vậy là tôi nhận lời tham gia xây dựng chuyên mục với Báo Phụ Nữ TPHCM. 

Báo giao cho tôi một “mảnh đất” để trên ấy tôi cày cuốc, gieo hạt, chăm chút cho khu vườn giáo dục giới tính và giáo dục tình dục, mời bạn đọc bước vào: một là chuyên mục “Hỏi thầm đáp khẽ” (đăng mục “Chuyện khó nói”, trang 6, báo thứ Sáu hàng tuần. Tôi viết về những hỏi thầm đáp khẽ của phe “âm lịch”, thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng viết mảng “dương lịch”); hai là chuyên mục “Chỉ đường cho hươu” đăng trên trang 11 Báo Phụ nữ Chủ nhật cách tuần, thâm canh xen vụ với “Tư vấn dành cho cha mẹ” của tiến sĩ Phạm Thị Thúy.

Về chuyện chung trang, tôi cứ gọi đùa Thúy là “kẻ không đội trời chung”, vì cứ có “hươu” của tôi thì Thúy nghỉ, có “cha mẹ” của Thúy thì tôi vắng mặt. Cũng từ đây, bút danh “bác sĩ Hoa Tiêu” mà tòa soạn đặt đã trở nên quen thuộc với bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc.

Cả hai chuyên mục, chúng tôi đều hướng tới mấy nội dung chính: 

Phát triển thể chất tuổi dậy thì: Để trái chanh mau lớn, Bánh bao nhân 1 trứng, Hạt đậu đầy cảm giác, Thừa nhưng vẫn hẹp, Đừng đùa với cây gậy thần, Thắc mắc về hai hộp sữa, Xử đám cỏ dại, Chăm cái tổ chim, Không điệu mà vẫn chảy nước, Chuỗi hạt ngọc tí hon, Cú có gai, Máu trắng của con trai… 

Những khủng hoảng tâm lý lứa tuổi: Nam sinh hay ghẹo gái, Trót yêu cô giáo, Trái cấm vừa chua vừa chát, Vườn đào đã mở, Chuyện súng ống, Con trai tìm tình trên “phây”, Hươu chạy theo sói, Em yêu chú, Hậu thiên đường, Giai tăng động khi ngồi gần bạn gái, Bạn trai đòi “lại quả” sau Valentine

Thiên hướng giới tính và xu hướng tình dục: Bẻ cong thành thẳng, Tôi là Queer, Gian nan cuộc cải số, Bị lạc giữa hai bờ giới tính, Sao lại là cầu vồng, Trò chơi gợi dục

Các bệnh trên đường sinh dục: Những ngày rau mùi, Mụn giộp ở cửa khẩu, Xoắn thừng tinh, Giữ gìn gốc cây giữa vườn, Ứ nước màng tờ-rứng

Các loại biến thái tình dục: Trộm tình bằng mắt, Bạn gái có máu M, Con trai mê sưu tập, Đạo chích trong nhà, Bé gái bị bẩn mắt, Kẻ lụy tình, Con trai bị hái trái cấm, Netsex, Quỷ đội lốt người

Làm với Báo Phụ Nữ TPHCM, tôi bận rộn và… gái tính hẳn lên. Học sinh, sinh viên, các bậc cha mẹ tìm đến trò chuyện, xin tư vấn. Các đài phát thanh truyền hình mời lên sóng, làm talk show. Các trường mời thuyết trình. Nhà xuất bản đề nghị ra sách, nguồn bản thảo từ chính những bài báo đã đăng. 

Trong chuyện viết lách, cũng có lúc tôi nghe vị này nhận xét “bác sĩ Lan Hải viết bạo quá”, vị kia quan ngại sâu sắc “bác sĩ Lan Hải toàn đụng đến những chuyện nhạy cảm” nhưng chưa lần nào Ban biên tập nhắc nhở tôi mà vẫn tin tưởng và khuyến khích tôi viết tiếp những chủ đề khó nhằn để đưa kiến thức đến cộng đồng, những điều bạn đọc chưa biết và cần biết.

Khi Báo Phụ Nữ TPHCM có sáng kiến mở phòng tư vấn online “Thì thầm phòng the”, tôi cũng tham gia trả lời câu hỏi của bạn đọc trực tuyến, sao cho vừa cung cấp thông tin khoa học chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu, vừa đem lại cảm giác tin cậy, thân thiện, vui vui: Bài toán cân bằng (giữa cung và cầu), Vợ chồng “xả mặn”, Luyện tập cách “leo núi”, Biết “đi chợ”, Mất tập trung khi “trả bài”… nhất là cung cấp được nguồn tài liệu để họ tham khảo.

Khi tòa soạn thông báo, “Hỏi thầm đáp khẽ kéo từ tháng 9/2012 đến nay đã đi được một chặng dài, báo sẽ khép lại để tập trung vào một tiêu điểm khác của cuộc sống”, và dù nhiều lúc cũng quay cuồng vì deadline nhưng nghe vậy ai chẳng bâng khuâng. 

Rồi đến tháng 9/2017 tạm biệt “Chỉ đường cho hươu”, tôi vẫn tiếc vì chưa đề cập nhiều đến “văn hóa tình dục” cho giới trẻ và đặc biệt là “trí tuệ tình dục” cho trai Việt. 

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI