Là một thanh niên ngoại tỉnh lập nghiệp tại Hà Nội, tôi gặp phải vô vàn những khó khăn. Trong khi bạn bè tôi khi ra trường đã “sẵn nong sẵn né”, có xe để đi, có nhà để ở, một số người còn có cả công việc đang chờ sẵn, thì tôi đã phải rất vất vả mới tìm cho mình được một chỗ đứng. Bố mẹ tôi đều làm nông dân, dưới tôi còn có 4 đứa em cũng đang tuổi ăn học. Để lo được cho chúng không đứt bữa và không phải dang dở chuyện học hành đã là cả một kì tích, nên tôi chẳng dám trông đợi gì hơn ở cha mẹ mình.
Ngay từ ngày học đại học, tôi đã có ý thức phải thay đổi cuộc sống của mình. Tôi không thể mất công ăn học rồi lại trở về quê sống cuộc đời như ba mẹ tôi. Vừa đi học, tôi vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
|
Tôi học cách chi tiêu thật hợp lý |
Lúc đó, tôi đã làm rất nhiều công việc khác nhau, tranh thủ từng chút thời gian để kiếm tiền. Sáng sáng, tôi dậy thật sớm để đi giao báo cho các sạp hàng rồi mới đi học. Chiều về, tôi chạy bàn cho một cửa hàng ăn uống để được bao ăn một bữa tối. Công việc của tôi chỉ kết thúc vào nửa đêm. Dù rất mệt mỏi, nhưng tôi luôn tự nhủ mình phải nỗ lực hết sức.
Chăm là thêm, nhưng tôi không hề chểnh mảng việc học hành. Một ngày, tôi hầu như chỉ ngủ 3 tiếng, còn lại là thời gian tôi dành cho việc kiếm tiền và tự học ngoài giờ lên lớp.
Đến năm thứ 3 đại học, tôi đã xin làm việc cho một xưởng in tư nhân để học hỏi thêm về nghề của mình. Tôi làm nghề in ấn. Ra trường, tôi được nhận vào làm chính thức tại đó, với mức lương khởi điểm là 8 triệu đồng/tháng, khá hơn nhiều so với những người mới bắt đầu làm việc tại thời điểm đó.
|
Sự bền bỉ, quyết tâm đã giúp tôi chinh phục những khó khăn trước mắt |
Tôi rất chăm đọc sách, nên đã học được cách quản lý tiền của mình khá khoa học và hiệu quả. Tôi chia số tiền mình kiếm được ra thành 5 phần, lần lượt dành cho các mục đích: chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, chi tiêu cho các mối quan hệ bạn bè, chi tiêu để đầu tư cho việc nâng cao tay nghề, tiết kiệm để đi đây đó và cuối cùng là một khoản tiền để dành phòng khi ốm đau hay có việc đột xuất.
Nói về chuyện chi tiêu hàng ngày, tôi sống rất tiết kiệm. Một năm tôi chỉ mua quần áo một lần, chủ yếu là thay thế những quần áo đã cũ, hỏng. Tôi không chạy theo thời trang, cũng không đua đòi ăn chơi, nên quần áo tôi mặc thường nhiều năm mới phải thay thế. Về ăn uống, tôi là người dễ tính, hấp thụ tốt, nên thực phẩm rẻ tiền cũng có thể thỏa mãn tôi. Tôi chỉ cần ăn để đủ năng lượng làm việc, ăn ngon là xa xỉ với tôi.
Về các mối quan hệ bạn bè, tôi dành khá nhiều tâm sức cho việc này. Tôi chỉ chi tiền khi biết mối quan hệ ấy tốt cho tôi, giúp tôi tiến lên trong cuộc sống. Những người bạn giúp tôi phát triển sự nghiệp hoặc cho tôi những bài học có ích là những người xứng đáng để hẹn hò, gặp gỡ. Ngoài ra, tôi không giao du rộng, đặc biệt không chi cho những người không xứng đáng, không đem lại lợi ích gì.
|
Tôi sẽ không dừng lại, mà tiếp tục chinh phục những khó khăn khác (ảnh minh họa) |
Về chuyện nâng cao tay nghề, tôi vô cùng chú trọng. Bởi đây là nền tảng để tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Trong tương lai, tôi dự định sẽ tự mình làm chủ một xưởng in.
Cuối tuần, tôi thường đi “phượt”. Đây là hình thức du lịch bụi rẻ tiền, chủ yếu giúp tôi mở mang đầu óc và giải tỏa căng thẳng. Mỗi chuyến đi như thế này không mất quá nhiều tiền, thậm chí là khá rẻ nếu bạn chia sẻ chuyến đi với nhiều người.
Còn tiền để dành là một chuyện đương nhiên. Tôi lập một tài khoản tiết kiệm và đều đặn gửi vào đó hàng tháng một số tiền cố định. Nhờ có số tiền này mà tôi đã mua được nhà và xe sau 7 năm làm việc ở Hà Nội.
Sau 2 năm, mức lương của tôi dần tăng lên, và tiếp tục tăng ở những năm sau đó, nhưng tôi vẫn giữ thói quen chi tiêu cũ. Số tiền tích lũy được nhiều lên cho phép tôi có thể sắm sửa nhiều thứ cho mình và đầu tư hiệu quả hơn. Tôi đã chứng minh được rằng xây dựng cuộc sống ở Hà Nội không phải là chuyện bất khả thi.
Bắt đầu từ một căn hộ giá rẻ cho người thu nhập thấp chỉ 600 triệu đồng, từ một chiếc xe ô tô “bãi rác” chưa tới 100 triệu, tôi đã “lên đời” dần. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây tôi đã có nhà, có xe riêng, dù không phải siêu xe hay biệt thự, nhưng đó cũng là kết quả đáng tự hào. Và tôi sẽ không dừng lại ở đó!
Nguyễn Tuấn (nguyenanhtuan8...g@gmail.com)