Tôi đấu tranh để bỏ lệ tiệc tùng suốt tết

04/02/2021 - 12:10

PNO - Tết, chuyện anh chị em ruột thịt trong nhà tới lui, thăm hỏi, chúc tụng nhau là truyền thống đẹp. Vậy nhưng, bày chuyện ăn nhậu dây dưa kéo dài hàng buổi, thậm chí cả ngày, lại không phải điều hay.

Nhà tôi anh chị em đông; mỗi tết về, theo thông lệ, mồng Một, tất cả cháu con y hẹn tập trung về “nhà lớn” chúc tết ông bà cha mẹ, hàn huyên tâm sự và dự bữa cơm thân mật đầu năm. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Xong ngày mồng Một ở “nhà lớn”, lịch trình “cơm thân mật đầu năm” còn tiếp diễn tại các “nhà nhỏ”, tức tư gia của từng anh chị em. 

Bữa cơm vần công đâu chỉ có ông bà cha mẹ, mà tới 4 gia đình tụ họp, ăn uống, dọn dẹp tới mệt nhoài - Ảnh minh họa
Bữa "cơm vần công" đâu chỉ có ông bà cha mẹ, mà nhiều gia đình tụ họp, ăn uống, dọn dẹp tới mệt nhoài - Ảnh minh họa

Khởi đầu là tin nhắn của chị cả tôi: “Mồng Ba anh chị cúng tạ, các em bố trí ngày đó tập trung nhà anh chị chúc tết, dự cơm thân mật. Mấy đứa gái tập trung sớm phụ nấu nướng dùm”.

Anh rể tôi là “đại gia”, giám đốc một cơ quan lớn, em út đứa nào cũng có nhờ, sao dám cãi? Tới phiên cậu em út, không bằng chị cả nhưng cũng thuộc hàng “máu mặt” trong gia đình, nhanh nhẩu tiếp: “Vậy thì em mời mấy anh chị mồng Hai, cơm thân mật, chúc tết nhà em”. Cậu em giữa thở đánh sượt: “Em cũng định mồng Hai; nhưng thôi, chú út “tranh” rồi thì nhà em đành mời mồng Bốn”. 

Cô em gái, nhà buôn bán, cũng lật đật “tranh tiên”, “Vợ chồng em mồng Sáu khai hàng đầu năm, chúng em mời, đừng ai tranh nha!”.

 Vậy là gần kín lịch “cơm thân mật”, còn trống mỗi ngày mồng Năm, và còn mỗi vợ chồng tôi. Tôi khều vợ, nháy nháy. Hiểu ý, vợ tôi cũng rụt rè: “Vậy thôi nhà em mời các anh chị cùng cô chú mồng Năm…”.

Tết nào cũng vậy, lịch trình “cơm thân mật… vần công” trong gia đình cứ lặp đi lặp lại.

Chỉ mỗi một bữa cơm mà kéo dài hết ngày hết buổi: từ khâu bày vẽ nấu nướng, rề rà ăn nhậu, xong còn phải lo dọn dẹp, hết lịch trình cũng vừa hết tết. Bó chân trong cái “lệ nhà” dở khóc dở cười này, hầu như nguyên cái tết, vợ chồng tôi chẳng được đi đó đi đây thăm thú mấy nơi; lại còn phải tốn kém cho một trận cỗ bàn. Tiếng rằng “cơm thân mật”, nhưng đâu phải cơm ngày thường mà là cơm… tết. Trong khi cả nhà ai cũng no xôi chán chè nhiều khi chỉ gắp qua loa lấy lệ, thì điều kiện tài chính của vợ chồng tôi lại chẳng dư dả gì!

Tết rồi, sau khi đắn đo suy nghĩ nhiều, tôi quyết định bạo miệng đề nghị thay đổi cái lệ “cơm thân mật vần công” trong những ngày đầu năm. 

Tôi nêu lý lẽ: ngày mùng Một, tất cả đã tề tựu về nhà lớn, cùng gặp gỡ, chúc tụng, hàn huyên, ăn uống vui vẻ thì chuyện các ngày còn lại phải rồng rắn tới từng nhà riêng để lặp lại việc ăn uống sẽ không còn thời gian dành cho những lễ nghĩa, thú vui nơi khác. 

Cứ tưởng ý kiến của tôi khiến anh chị em bất bình, phản đối; nào ngờ, chỉ trừ chị cả, còn đa số anh em đều nhất trí… hai tay! Thì ra không riêng tôi, ai cũng đã mệt mỏi với cái vụ “cơm thân mật vần công”. Vậy nhưng, đơn phương nói ra thì ngại (không khéo mình bị quy tội “gây mất đoàn kết”) nên ai cũng bấm bụng chịu đựng… 

Nguyễn Thị Bích Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI