'Tôi đau đớn mất mẹ nên mong giúp nhiều bệnh nhân được sống'

15/08/2019 - 11:36

PNO - Người đàn ông trung niên mập mạp, nhanh nhẹn ấy vốn chỉ nặng hơn 40kg, anh mang nặng nỗi đau mất mẹ vì không đủ máu truyền cho bà. Anh là một trong những người hiến máu nhiều nhất Việt Nam.

Cuối tuần, gác lại mọi việc vui chơi, anh Nguyễn Trí Hiếu đến Nhà Thiếu nhi quận 10, TP.HCM từ sớm, nhanh nhẹn hỗ trợ các bạn tình nguyện viên đang tuyên truyền, vận động hiến máu xuyên Việt.

Giữa bộn bề công việc, anh tất bật chuẩn bị bàn ghế, nước uống, hướng dẫn người dân đến hiến máu vào khu vực đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe, viết hồ sơ.

Nhìn người đàn ông trung niên mập mạp, nhanh nhẹn này, khó ai ngờ anh là một trong những người hiến máu nhiều nhất Việt Nam - 71 lần. 

'Toi dau don mat me nen mong giup nhieu benh nhan duoc song'
Anh Nguyễn Trí Hiếu vui vẻ tham gia hiến máu

Anh Hiếu mang nhóm máu B+, trước đây chỉ hơn 40kg, từ khi hiến máu cứu người, anh bắt đầu "có da có thịt". Nhưng đôi mắt anh luôn ẩn chứa nỗi buồn mất mẹ vì không đủ máu truyền cho bà. 

Tranh thủ vài phút giải lao, anh chia sẻ, năm 1994, mẹ anh bị xuất huyết dạ dày, nguồn máu bệnh viện không có, cả nhà phải nháo nhào đi xin, mua. 

'Toi dau don mat me nen mong giup nhieu benh nhan duoc song'

Anh Hiếu (năm 20 tuổi) chăm sóc mẹ khi bà đau bệnh

 

“Năm ấy tôi mới 20 tuổi, thời điểm đó người dân không có nhiều thông tin, kiến thức về hiến máu tình nguyện. Không chỉ mẹ tôi, nhiều bệnh nhân khác lẽ ra đã có cơ hội sống tiếp, nhưng vì thiếu máu mà phải rời xa thế giới này.

Mình thậm chí van lạy để được mua máu cũng không đủ máu mà mua. Hình ảnh cả nhà bơ phờ, tuyệt vọng vẫn còn ám ảnh tôi đến giờ”, anh Hiếu bùi ngùi nhớ lại.

'Toi dau don mat me nen mong giup nhieu benh nhan duoc song'
 

Sau 3 năm mất mẹ - năm 1997, anh Hiếu bắt đầu hành trình hiến máu cứu người. Thời gian ấy Hiếu làm công nhân phân xưởng chế tạo xích xe, sáng anh dậy sớm, ăn thật no, mang theo bình nước hồ hởi lên đường.

Tới nơi, bác sĩ nói vui: "Chiến sĩ nhiệt tình rất đáng quý, nhưng phải mời về thôi, ăn no quá đâu lấy máu được!".

Rút kinh nghiệm, hôm sau, anh lại đến. Từ đó anh xem hiến máu như một nếp quen, anh còn đăng ký hiến mô, hiến tạng.

'Toi dau don mat me nen mong giup nhieu benh nhan duoc song'
 

Anh bộc bạch: “Tôi thấy mình có thể cho đi thứ gì thì không nên giữ. 100 lần, 120 lần hay hơn thế nữa, với tôi, con số chẳng quan trọng gì đâu, tôi sẽ vẫn cứ đi hiến máu cho tới hồi nào bác sĩ không chịu nhận nữa mới thôi. Tôi mong không ai mất người thân như tôi mất mẹ chỉ vì không đủ máu cứu người”.

'Toi dau don mat me nen mong giup nhieu benh nhan duoc song'
 

Là Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường 18, quận 4, thành viên Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống TP.HCM, nghe bệnh nhân ở đâu cần máu, anh Hiếu sẽ gác mọi công việc để chạy tới. Anh bật mí, "ngân hàng" này được thành lập dựa trên lực lượng hiến máu dự bị để bảo đảm máu cứu người lúc khẩn cấp khi nguồn máu ở các bệnh viện bị thiếu.

Anh kể, có lần, một cháu bé được cấp cứu tại Viện Tim TP.HCM đang cần máu, được tin báo, anh vội chạy ào đi. Những đợt cho máu trực tiếp như thế này, anh nhớ mãi: "Hiến máu không khác gì cuộc đua, nếu mình không nhanh, người bệnh sẽ nguy hiểm đến tính mạng".

Ngoài hiến máu, hiện anh Hiếu còn tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương, là người quản lý, hỗ trợ thanh niên sau cai tái hòa nhập cộng đồng.

Mỗi ngày TP.HCM có khoảng 800 – 1.000 lượt người bệnh cần truyền máu. Ngân hàng Máu TP.HCM kêu gọi người dân tăng số lần hiến máu từ 2 – 4 lần/năm. Hiện tỷ lệ người dân lặp lại hiến máu trong năm tại Việt Nam chỉ hơn 1%.

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI