Tôi đang ép con học bài vì sợ giáo viên hành hạ, sỉ vả con

02/04/2022 - 19:55

PNO - Không biết người cha ở Hà Nội có đặt nặng thành tích học tập lên vai con không, còn tôi, rõ ràng tôi đang ép con học để có thành tích tốt.

 

Nhiều trẻ phải chịu đòn roi vì áp lực học tập
Nhiều trẻ phải chịu đòn roi vì áp lực học tập (Ảnh minh họa)

Sau vụ một nam sinh lớp 10 một trường chuyên nhảy lầu tự tử ở Hà Nội, người cha đang bị cư dân mạng tấn công với những trách cứ nặng nề như: ham thành tích, vô tâm, sinh con ra không làm tròn trách nhiệm thì đừng sinh…

Với tôi, không biết bao giờ trong tôi mới vợi nỗi ám ảnh cái khoảnh khắc người cha nhìn ra ban công, thấy con trai trèo lên bục cao cùng tiếng hét thất thanh của ông khi con gieo mình xuống đất. Người đau khổ nhất lúc này chính là người cha mất con đó.

Tôi không biết ông bố trong vụ việc có đặt nặng thành tích học hành lên vai con không, còn tôi, tôi đang là một phụ huynh ép con học vì thành tích. Tôi xin thưa ngay: tôi không ham và xem trọng thành tích, nhưng tôi bắt con học, vì tôi không biết cách nào thoát được sức ép của giáo viên phụ trách lớp.

Con tôi học lớp 4 ở một trường điểm của quận. Sức học của cháu ở mức khá, vì cháu là đứa trẻ khó tập trung. Hôm nay cháu hiểu bài, nhưng ngày mai có thể lại quên. Tôi không kỳ vọng con vào top đầu của lớp, mà nghĩ con  đạt 7-8 điểm thì đúng thực lực của con. 

Nhưng với cô giáo chủ nhiệm của con thì điểm 7-8 là không thể chấp nhận. Con thi học kì I, môn Tự nhiên xã hội được 8 điểm, cô phê “lười học, không thuộc bài, cần cố gắng hơn nữa”.

Con tôi rất buồn. Còn tôi thì choáng, không phải vì điểm số, mà không hiểu tại sao 8 điểm (rõ ràng là thuộc thang điểm khá) mà lại bị nhận xét, đánh giá tệ hại như vậy.

Trong buổi học online thông báo kết quả thi, cô đã dành hơn 15 phút để nhắc nhở, chấn chỉnh bốn bạn không thuộc bài, trong đó có con tôi - trong khi cả bốn bé đều đạt 8 điểm.

Con tôi sượng trân, mặt gục xuống nhìn vào bàn phím máy tính và mắt rưng rưng. Rồi cô thông báo con tôi thi lại môn Tin học (cháu được 7 điểm). Tôi nhắn tin thắc mắc, cô nói “dưới 8 điểm là phải thi lại”. Tôi nhìn vào danh sách 35/46 học sinh của lớp thi lại, trong đó rất nhiều bé 7 điểm giống con tôi.

Đạt điểm 7-8  vào thời của tôi trước đây (thập niên 1990) là cả mơ ước và niềm tự hào của cha mẹ. Với tôi, điểm số 7-8  ngày nay của con vừa thể hiện đúng năng lực của con, vừa là điểm số đẹp.

Vậy mà với giáo viên chủ nhiệm thì không- đó như một vết đen cho thành tích dạy học của cô và học trò 7-8 điểm là những học sinh cá biệt.

Những buổi học online của cô, nhóm “học sinh 7-8 điểm” như con tôi trông giống như kẻ phạm tội: ngồi thu lu và chờ bị xỉ vả, mỉa mai. Cô hầu như chỉ mời những bạn học giỏi phát biểu và lúc nào cũng nói câu quen thuộc: “Các bạn học giỏi của cô đâu rồi? Hồng Phúc đâu rồi, Ngọc Nga đâu rồi…?”.

Cô luôn làm phép so sánh: “Còn các bạn học yếu M.N, H.Y, N.K… các con phải cố gắng để được vào nhóm học sinh giỏi nha!”. Tôi biết là cô muốn “kích” các bé học chưa giỏi và khuyến khích các bạn học giỏi, nhưng ngày nào cô cũng "phân chia giai cấp rõ rệt", khiến những bạn học trung bình khá, hoặc học yếu như bạn T.L, Y.P (cô điểm tên hai bạn học yếu từ làm toán, viết chính tả, đọc chữ nên tôi cũng nằm lòng), luôn mặc định là mình học dở, học dốt.

Tôi ngán nhất là mỗi sáng có bạn vào học trễ, nếu đó là bạn thuộc nhóm học yếu (cô chia lớp thành hai nhóm “các bạn học giỏi của cô” và “các bạn học yếu”), thì cô dành hẳn 30-45 phút để mắng, chửi bạn vào trễ và "mắng sỉ" cả nhóm học yếu: “Con đã học yếu mà không biết cố gắng, phấn đấu. Con không thông minh bằng các bạn thì con phải cố gắng gấp 5-10 lần bạn, còn đằng này, con còn lười biếng, ham ngủ, thì tương lai của con sẽ như thế nào? Cô nói trước ai vào học trễ, cô sẽ đánh giá hạnh kiểm là C, mà hạnh kiểm bị đánh giá là C là các con tệ lắm đó. Những bạn học yếu nhìn vào đây mà tránh nghe chưa. Các con mà học hành như thế này là sẽ ở lại lớp đó!”.

Cô dán nhãn cho con tôi học yếu, nên bé lúc nào cũng nghĩ mình dốt, học dở. Từ một đứa trẻ lanh lợi, hoạt bát, con tôi trở nên nhút nhát, thụ động. Có những câu con trả lời đúng, nhưng cứ lí nhí trong miệng và bị cô la.

Tôi hỏi con tại sao như vậy? Con nói: “Con sợ trả lời không đúng sẽ bị cô chửi trước mặt các bạn, mắc cỡ lắm”.

Cứ thế, con tôi càng ngày càng tự ti, không dám phát biểu, ngay cả với những đáp án con biết rõ là đúng.

Có không ít  học sinh bị áp lực học hành từ giáo viên
Có không ít học sinh bị áp lực học hành từ giáo viên (Ảnh minh họa)

Tôi đã phân tích rất nhiều lần cho con hiểu là cháu thông minh, lanh lợi, nắm bắt bài tốt, chỉ cần tập trung là kết quả sẽ tốt hơn. Nhưng con luôn phản ứng “cô nói con học yếu mà".

Tôi không tẩy não được suy nghĩ “con học yếu” nên tôi bắt đầu chiến dịch rèn con học, nhất là khi con đi học trực tiếp trở lại. Mỗi ngày, con về đến nhà là 17g30, tôi cho con ngồi vào bàn học ngay để làm bài tập cho về nhà.

30 phút sau con mới đi tắm, ăn cơm và đến 19g30 lại học tiếp. Tôi cho con rèn lại các bài tập đã học để nhớ dạng toán và học trước bài của ngày mai. Ngày nào mẹ con cũng vật lộn đến 23g mới xong.

Có khi con ham chơi, lơ là, không tập trung và những lúc đó tôi đã quát mắng, thậm chí có lúc không kiểm soát được, tôi dùng roi vọt với con.

Thấy con học bơ phờ, tôi rất xót xa, nhưng tôi lại sợ những lời mắng chửi của cô giáo, và sợ nhất là cái nhãn “học sinh yếu” cô đã đóng cho con sẽ theo con suốt đời.

Nghĩ tới điều đó, tôi lại bắt ép con học bài, làm bài... Tôi không biện minh cho mình, hay những phụ huynh làm áp lực việc học với con. Nhưng thật sự, bên cạnh thành tích, điểm số, thì còn có áp lực từ giáo viên luôn chạy theo thành tích, và họ buộc phụ huynh cũng phải chạy theo. Vì nếu không thì con mình sẽ trở thành... chướng ngại vật của lớp, là học sinh cá biệt - dù thật lòng tôi chỉ cần con đạt 5-6 điểm mà học hành vui vẻ, hào hứng là đã mãn nguyện.

Trương Mỹ Tiên (TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI