Ba tôi là người khá nóng tính. Ông rất thương tôi, đứa con gái duy nhất của ông nhưng không ít lần ngày nhỏ tôi đã hứng những cú tát trời giáng. Tôi không thể nào nhớ được lý do vì sao mình bị tát.
Tôi chỉ nhớ là ngay sau cái tát ấy là mắt tôi nổ đom đóm, tôi khóc như mưa, chạy vụt ra sau nhà, leo lên trùm mềm và nhịn ăn cả ngày hôm đó. Đến giờ, tôi cũng không hiểu vì sao tôi ăn tát. Nó có xứng đáng không? Nhưng cú tát ấy tôi cảm thấy nó vẫn hằn lên trên má tôi tận mấy chục năm sau.
Đó không phải là lần đầu tiên hay lần cuối tôi bị ba mẹ đánh. Sau này thính lực của tôi rất kém, mà có thể là do những cú tát ấy khiến tai tôi không được nhạy nữa. Nhà tôi thì bán quán ăn, mở suốt ngày. Cho nên một khi tôi bị đòn là không chỉ có ba mẹ tôi mà còn có khách ăn biết nữa. Ba mẹ tôi không có khái niệm: đóng cửa dạy con. Dạy là dạy ngay, đánh là đánh ngay.
|
Tại sao đánh con lại là yêu thương, cái câu "Thương cho roi cho vọt" ấy từ đâu ra mà ba mẹ nào cũng lấy nó làm lá chắn cho hành động của mình |
Tôi chỉ cảm nhận được ba thật sự thương mình sau ngày ba mất. Lúc ấy nhớ thương người cha quá cố, tôi nhớ lại những buổi chiều ngọt ngào và dịu dàng ba đã chở tôi đi ăn quán. Tôi nhớ cái hôm tôi giận dỗi điều chi, đi học mà không thèm ông chở, không lấy cả tiền ăn quà. Ba tôi đưa cho cô bạn cùng lớp nhờ đưa giúp vì: nó đang giận bác. Tôi không nhớ đòn roi nào mà gắn liền với yêu thương.
Sau ngày ba tôi mất, tôi và em trai sống trong nước mắt. Mẹ tôi có lẽ vì áp lực cuộc sống sau khi chồng ra đi đột ngột thì đụng việc gì cũng mắng và đánh chị em tôi được. Tôi bị nhiều hơn, vì là chị gái. Tôi đã có những bữa cơm chan nước mắt khi ăn chậm bị mẹ tôi đánh từ sau gáy. Lý do đánh dường như không liên quan gì đến tôi: ăn chậm là trù cha hại mẹ cho nên mẹ tôi bán ế!
Khi ấy tôi đã 15, đã lớn, đã biết e thẹn nhưng mẹ tôi không quan tâm. Với bà, tôi vẫn là con bé 5 tuổi nghịch ngợm. Tôi nhớ có lần, tôi thử chiếc áo dài mới vì năm sau tôi vào lớp 10. Hôm đó, có một anh thợ, cũng là bạn tôi đang sửa máy bơm nước. Tôi chỉ đơn giản là mặc thử áo đó, cho mẹ và tất nhiên cũng muốn khoe với anh bạn kia. Mẹ tôi chửi rủa tôi thậm tệ. Tôi không hiểu được, một cô gái mới lớn chỉ muốn chứng minh là mình đẹp với bạn thì có gì là sai?
Không chỉ có vậy, chuỗi ngày tháng học cấp III với tôi là những ngày tôi chỉ ao ước một điều duy nhất: đi học xa nhà. Một buổi sáng nọ tôi đang chuẩn bị đi học, mẹ tôi không biết có chuyện gì, lại la lối tôi rất nặng lời. Lúc đó cả nhà ngoại đang phản đối chuyện mẹ lấy chồng, cụ thể là phản đối người đàn ông kia.
Mẹ tôi bắt đầu chửi rủa thậm chí bắt tôi nghỉ học. Mẹ tôi cho rằng đã nuôi tôi đến như thế thì tôi phải mang ơn mẹ, trong khi con của mấy dì tôi đều nghỉ học từ sớm. Tôi lúc đó đã lớn nên bướng và có cả lì. Nghỉ học thì nghỉ thôi, tôi ngồi xuống nhặt rau cho mẹ. Tôi im lặng vì chỉ mấy lời nữa là sẽ bị đánh ngay. May mắn là cô bạn hàng xóm qua đi nhờ xe nên tôi được tha cho đến trường.
Lúc bạn tôi qua, mẹ tôi thay đổi hẳn thái độ, không những không la lối còn nhẹ nhàng, dịu dàng và bảo tôi đi học ngay. Không hiểu sao nhưng từ ngày đó, mẹ dường như có hai con người với tôi. Khi có người lạ thì tỏ ra rất yêu thương tôi, là người mẹ dịu dàng nhất thế giới, nhưng chỉ có tôi và em tôi mới biết mẹ hung dữ đến cỡ nào.
Những vết thương ngày ấy, đến hôm nay chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Tôi không hận mẹ nhưng tự vạch cho mình một khoảng cách với mẹ, để tự tạo an toàn cho mình. Thời gian trôi đi, đó không còn là cái vạch nữa mà là một hố sâu thăm thẳm giữ tôi và mẹ.
Tôi nghĩ, đến tận giờ mẹ tôi cũng không hiểu vì sao một năm tôi chỉ về thăm bà đôi lần, dù đường sá không quá khó đi. Khi tôi ly hôn và muốn mang con về, bà không đồng ý. Bà cũng không hiểu vì sao "có nhiêu đó" mà tôi lại thấy tổn thương...
Tôi tin rằng, “Thương cho roi cho vọt” chỉ là một câu nguỵ biện mà các bậc cha mẹ dùng để lấp liếm sự áy náy và bất lực khi đã đánh con. Sau này khi đã làm mẹ, đã từng đánh con tôi lại càng tin điều ấy là sai, sai thậm tệ.
Tôi chỉ đánh con khi cơn giận kiểm soát tôi, khi những tổn thương ngày xưa nhói đau trở lại. Tôi ngàn lần không muốn giống mẹ, nhưng càng ngày càng giống mẹ. Những câu chửi ngày nào như những con virus đã ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi, đến một ngày… nó bật dậy.
Những cái đánh, cái tát, những câu chửi như hạ nhục của mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức. Dù bạn bè và người xung quanh nói tôi có nhan sắc, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình đẹp. Tôi cũng không thấy mình giỏi, dù nhiều người đã khen những sản phẩm làm ra của tôi là tốt.
Tôi hoàn toàn không tự tin với chính mình. Tôi càng cố gắng cũng chỉ để xoá bỏ "lời nguyền" mà mẹ đã gieo rắc trong đầu tôi, mà không ít lần tôi thực sự bất lực vì nó như những con amíp ăn não. Nằm sâu, nằm sâu mà chưa bao giờ tha cho tôi.
Sau những lần đánh con, tôi từng phải tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý. Bởi tôi không muốn con bất hạnh như mình. Với tôi, một đứa trẻ không có cha mẹ làm điểm tựa, không thể trở thành một người lớn hạnh phúc.
Lâm Thảo