Đã thành quen, mỗi khi uống rượu say hay đi hát karaoke sa đà, về tới nhà, tôi vừa mở cửa là anh loạng choạng đi vào phòng, lấy cái gối của mình trở ra phòng khách, ngã phịch xuống cái ghế dài. Anh đã biết đó là chỗ của anh sau khi nhậu nhẹt. Sáng hôm sau, anh chuộc lỗi bằng cách giành chở cu Tý đi học, đến chiều thì nhắn tin cho tôi: “Anh đón con rồi về nhà nấu cơm luôn, em có cần đi đâu thì cứ thong thả”. Không chỉ nấu cơm, anh còn lau nhà và giặt luôn mớ áo quần dơ.
Mỗi khi giận anh, chán ngán đời sống vợ chồng, hết giờ làm việc là tôi chẳng muốn về nhà ngay. Những lần đầu, tôi hay điện thoại rủ bạn tới quán cà phê để trút bầu tâm sự. Nhưng, đó cũng là giờ cơm nước gia đình, nên ngồi với tôi mà bạn cứ nhấp nhổm nhận điện thoại chồng kêu con gọi, cuối cùng rồi cũng chỉ còn lại mình tôi. Chạy xe một mình thì khói bụi, nên tôi chọn cách lang thang trong siêu thị.
Để rồi khi về đến nhà là trời đã tối, thấy mâm cơm dọn sẵn với hai cái chén hai đôi đũa, là biết chồng đợi tôi về mới ăn, cu Tý đã được cho ăn trước, đang ngồi ngay ngắn ở góc học tập, nhà cửa thì gọn gàng, sạch bong. Sang ngày hôm sau cũng vậy, tôi lại mềm lòng… Thế nhưng, hòa bình chỉ kéo dài được một thời gian ngắn, rồi tôi lại nhận được tin nhắn của anh: “Hôm nay anh về trễ nghe em”. Vậy là cái vòng luẩn quẩn lặp lại…
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock |
*
Tôi không phải kiểu đàn bà quá khắt khe, đòi hỏi chồng không bao giờ được rượu chè, bạn bè. Thật tình, khi nghe kể ai đó có ông chồng tuyệt vời. ngoài giờ đi làm chỉ quấn quýt vợ con, chưa bữa cơm nào vắng nhà và dĩ nhiên không cả cà phê chứ đừng nói đến rượu bia, là tôi lại nghĩ, chắc đó là một rô-bốt được lập trình, chứ chẳng phải con người.
Giả sử chồng tôi là con rô-bốt như thế, có lẽ cô vợ là tôi cũng phải được lập trình sẵn là giỏi nấu nướng, đi siêu thị chỉ chăm chăm vào quầy thực phẩm, tính toán sáng món này chiều món kia sao cho trong một tuần các món ăn không trùng lặp.
Buổi tối, khi chồng kèm con học hoặc cuối tuần hai cha con xem ti vi thì tôi đan len, cắm hoa hoặc post hình ảnh chồng con và căn bếp nhà mình lên facebook… Mà một cô vợ được lập trình kiểu đó thì ngang qua quầy áo váy thời trang hẳn phải ngó lơ hoặc chờ khi giảm giá và rõ ràng là không nhuộm tóc hoặc xăm lông mày, không bao giờ mang giày cao quá năm phân. Có thế mới xứng đôi vừa lứa.
Không, tôi không muốn mình là người phụ nữ đó, nên tôi cũng không đòi hỏi chồng tuyệt đối không được uống rượu và karaoke với bạn bè. Nhưng, hôm nay thì anh thật quá đáng. Tôi vừa dỗ con vừa nấu cháo. Cháo chín, dỗ con ăn được nửa chén thì con ho sặc ra hết, thuốc vừa uống xong cũng sặc ra theo, cơn sốt càng lúc càng cao. Tôi ôm con, mọi thứ bừa bộn, ngổn ngang.
Trời mưa tôi quên không đóng cửa sổ, nước tạt đầy nhà, áo quần cũng còn phơi trên sân thượng. Khi tôi dỗ được con thiu thiu ngủ anh mới về đến nhà, nồng nặc mùi rượu: “Xin lỗi em, anh không từ chối được. Con sốt nhẹ thôi mà, phải không?”. “Vậy con phải sốt bao nhiêu độ thì anh mới có ở nhà đúng lúc?”, tôi hét lên. Con giật mình, khóc vang.
*
Dạo này, cô bạn đồng nghiệp của tôi đến công ty với gương mặt buồn buồn. Các bà xì xào, vợ chồng cô ấy đang nộp đơn ra tòa. Tôi cũng từng có ý nghĩ ly hôn. Những lúc chẳng cần mua gì vẫn lang thang trong siêu thị, những buổi tối trên giường chỉ có một cái gối, tôi đã nghĩ đến chuyện ly hôn như một sự giải thoát.
Nhưng giờ nhìn cô bạn đồng nghiệp buồn rầu, chị em trong phòng phải gánh bớt việc cho cô ấy, tôi tự hỏi, ly hôn có đúng là giải thoát cho mọi người không? Nhìn lại, có vẻ đó không phải là cách dành cho cô bạn đồng nghiệp, vì cô cứ len lén lau nước mắt. Không ai nhìn thấy nước mắt, nhưng ai cũng thấy cái kính đen lù lù trên mặt cô, để giấu đi vết tích khóc lóc.
Những buổi chiều trường mẫu giáo tan sớm, cô ấy đón con về văn phòng. Mọi người khen bé Hà giống cha đôi mắt và miệng, giống mẹ cái cằm chẻ và má lúm đồng tiền. Trong khi mẹ quay đi lau nước mắt thì bé Hà hồn nhiên: “Mẹ ơi sao lần này ba đi công tác lâu quá vậy?”. Tôi sợ phải khóc như cô ấy.
Tôi sợ phải nghe con mình hỏi câu đó. Ý nghĩ ly hôn trong đầu tôi mới chớm đã tiêu tan. Nhưng, tôi cũng không thể để trong nhà mình lặp lại mãi cảnh như thế. Phải có cách nào đó. Nhưng cách nào? Tôi giận anh thì đã giận mãi rồi, có thay đổi được gì đâu. Câu hỏi của bé Hà khiến mọi người trong phòng đều thở dài quay đi, lòng ai cũng chợt xốn xang.
*
Nỗi xốn xang ấy liệu có đủ sức khiến đàn ông xót xa theo không? Có đủ sức lay động được ai đó không? Trước giờ tôi cố giữ cu Tý tránh xa những bất hòa của cha mẹ, nghĩ như thế là giữ cho con được bình yên. Nhưng có thật là con tôi được bình yên, khi có những buổi chiều con phải ăn cơm trước một mình, cha thì phải chờ mẹ về thay cho lời xin lỗi?
Có những buổi sáng cu Tý nhìn cái gối trên ghế dài, thắc mắc: “Ai ngủ ở đây vậy mẹ?”. Tôi chỉ còn biết làm lơ. Tôi không trả lời khiến cu Tý cũng không dám hỏi thêm. Mà khi một đứa bé không dám thốt lên câu hỏi thì tự nó đã cảm nhận được sự khác thường rồi. Câu hỏi của bé Hà khiến tôi bất ngờ nhận thức rõ hơn tình cảnh gia đình mình. Tôi đã dám thủ thỉ với con: “Cái gối ở ghế dài là ba ngủ khi say rượu đó con. Tối nay mẹ con mình thức khuya đợi ba về, con nói ba đừng uống rượu nữa nha. Ba thương con nhất nên sẽ nghe lời con”.
*
Anh bất ngờ khi tôi ra mở cửa mà có cu Tý bên cạnh. Tôi đã dặn con ôm ba nói nho nhỏ thôi, không ngờ cu Tý bật khóc òa, có lẽ vì chưa bao giờ nhìn thấy cha mình trong bộ dạng tệ hại như vậy. Có lẽ cu Tý thật sự hụt hẫng. Nhớ lại cảm giác hụt hẫng của mình khi lần đầu tiên thấy anh say, tôi cũng khóc òa. Tôi khóc chỉ khiến anh hối hận mà vẫn không thay đổi, nhưng tiếng khóc của cu Tý đã làm được điều kỳ diệu.
*
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có nhà nhờ bạn bè nói vô, có nhà nhờ cha mẹ hai bên lên tiếng... Còn nhà tôi thì nhờ tiếng khóc của cu Tý, tiếng khóc được khơi gợi từ một câu hỏi của cô bé đang nhớ cha...
Nguyên Hương