Tôi đã ngán những cô em nghiện mua sắm

08/07/2021 - 11:25

PNO - Sau khi kết thúc hai mối tình, tôi hoang mang tự hỏi, có lẽ nào tôi "quê mùa" “keo kiệt” như lời người ta ném vào tôi lúc chia tay?

Tôi có công việc khá tốt so với mặt bằng chung, có một căn hộ chung cư gọn đẹp. Dù mỗi tháng vẫn phải trả một khoản cho ngân hàng, tôi vẫn gửi một ít về biếu bố mẹ.

Sở dĩ tôi phải kể rõ và chi tiết để biết tôi không nghèo túng, cuối tuần tôi vẫn tụ tập bạn bè ăn uống vui chơi. 

Tôi quen Thùy cách nay 3 năm, thời gian đó tôi mới mua trả góp căn chung cư nên còn đi xe máy cũ. Thùy nhan sắc bình thường nhưng rất chú ý đến ăn mặc, phục sức.

Mỗi lần đi đâu, dù đã hẹn trước mấy ngày nhưng không khi nào mà tôi đến Thùy chạy ra ngay. Ít nhất phải nửa tiếng sau Thùy mới xuất hiện vì bận sửa soạn. Ngay chuyện chọn cái túi xách nào, đi đôi giày nào cũng tốn cả hai mươi phút.

Tôi nói sao Thùy không chuẩn bị từ hôm trước, em nói có chuẩn bị rồi nhưng nay mặc và trang điểm thế này lại không hợp cái giỏ đó nên phải chọn lại.

Ừ thì đàn ông chờ phụ nữ là chuyện thường, các bà các cô trang điểm làm đẹp vì để cho đàn ông chúng tôi ngắm chứ ai. Cùng Thùy vào trung tâm thương mại cả nửa ngày tôi thấy cũng có thể chấp nhận được nếu như em mua đồ không gọi tôi đến thanh toán.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những món đồ Thùy mua, chẳng có món nào tiền trăm, toàn là tiền triệu. Mua mà không cần biết sẽ mặc khi nào, cứ thấy thích thì mua và chẳng cần nhìn giá.

Khi đi ăn, Thùy cũng chọn những món đắt tiền dù có thể là "ăn cho biết" và chỉ nếm chút rồi bỏ đó.

Đồ lúc mua thì hăm hở nhưng chỉ hôm sau Thùy có thể mang cho bạn cái túi xách hơn triệu bạc như thể nó là món đồ bình thường. 

Tôi nhắc khéo thì Thùy nhõng nhẽo cho rằng dù tôi trả tiền cũng là của em, em thích cho tặng ai là quyền của em.

Thùy nói tôi làm sao cứ phải gán cho những món đồ đó thành món quà cho nặng nề. Đàn ông con trai chi tiền, tốn kém cho bạn gái có gì là bất thường đâu. Cha mẹ Thùy đã nuôi Thùy lớn tới chừng này cho tôi lấy làm vợ, mai kia còn sinh con cho tôi thì mấy chuyện này có thấm tháp gì. Mai kia khéo nấu cơm cho vợ, tôi cũng nói đó là quà chắc Thùy sợ không dám tiêu hóa.

Nghe Thùy nói mà tôi rùng mình. Dù điều kiện kinh tế tôi không tệ, nhưng tôi vẫn e sợ kiểu vung tay quá trán, tiêu xài vô tội vạ này, sợ luôn cách sống cách nghĩ của Thùy. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi cảm giác tôi không phải lấy vợ mà lấy một bà hoàng, ngày ngày cung phụng, cả đời nhớ ơn.

Nửa năm trước, tôi quen Vân. Lúc còn chơi chung, tôi thấy Vân hiền lành dễ chịu, nói năng nhỏ nhẹ lại hay cười. Quen rồi mới biết Vân cũng có bệnh nghiện mua sắm dù lương nhân viên văn phòng của cô chưa đầy chục triệu một tháng.

Vân không đòi tôi cùng vào trung tâm thương mại. Vân nói đi mua đồ phải đi với đám bạn mới mua được đồ đẹp vì có bạn tư vấn cho. Tôi cứ chuyển khoản cho Vân tự mua là được.

Mùa dịch, Vân nghỉ không lương. Từ tiền nhà trọ đến tiền gạo thóc, rau củ quả Vân cũng gọi cho tôi. Tôi đưa Vân một khoản bằng tiền lương để chi tiêu ăn uống, nhưng hàng ngày tôi vẫn phải thanh toán khi quần áo, khi trà sữa, bánh trái, đồ ăn trưa ăn chiều.

Vân nói buồn quá không muốn nấu ăn nên đặt cho nhanh. Tôi hỏi sao không tự thanh toán, Vân nói tiền tôi đưa Vân xài hết rồi. Tôi chưng hửng, Vân ở nhà mới hai chục ngày đã xài hết tiền lương một tháng.

Vân cau có, “ở nhà cũng phải ăn mặc mua sắm chứ có phải ở tù đâu mà bắt cai”. Tôi nói mùa dịch giã, ai cũng khó khăn phải biết chi tiêu tiết kiệm. Vân lạnh tanh: “Anh tiết kiệm cứ việc, em không làm được. Anh không lo được cho em thì nói thẳng để em kiếm người khác lo”.

Tất nhiên là tôi "nhường" người "khác ấy" luôn. Nghe nói đến nay Vân vẫn chưa tìm được việc và chưa có ai lo. Thi thoảng tôi nhận được những cuộc gọi "em nhấn nhầm" và những tin nhắn vu vơ đầy bóng gió.

Mùa dịch, không ít cô gái vẫn mua sắm online tới cạn tiền trong thẻ - Ảnh minh họa
Mùa dịch, không ít cô gái vẫn mua sắm online tới cạn tiền trong thẻ - Ảnh minh họa

Tôi còn gia đình phải chăm sóc, anh chị em phải quan tâm. Tôi không ngại hỗ trợ bạn gái lúc khó khăn, sẵn sàng tặng quà cho người mình yêu và quan tâm đến người sẽ là một nửa của đời mình.

Nhưng tôi không muốn biến thành cái máy ATM không hạn mức. 

Phú Phong (TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI