'Tôi đã ly dị, khó lòng kết hôn lại'

16/03/2019 - 11:30

PNO - Phụ nữ đã ly dị thì khó lòng kết hôn lại, câu chuyện tưởng như ở thời phong kiến lại đang xảy ra ngay tại thủ đô Luân Đôn, Anh quốc, trong cộng đồng người theo đạo Sikh (Ấn Độ).

Ở tuổi 27, Minreet Kaur kết hôn với một người đàn ông mà cô gặp trong một ngôi đền thờ Sikh ở phía Tây Luân Đôn. Chưa đầy một năm sau, cô bỏ chồng dọn về nhà bố mẹ đẻ. Kể từ đó đến nay đã 10 năm, mặc dù muốn tìm một người chồng khác nhưng cô hầu như không còn cơ hội. Những người đàn ông Sikh không muốn kết hôn với một phụ nữ đã ly dị.

“Nếu cô ly dị tôi thì cô sẽ không bao giờ kết hôn được nữa”, chồng cô từng quát vào mặt cô như vậy trước khi cô bỏ đi. “Anh ta cố tình nói vậy để làm tôi đau, nhưng giờ đây tôi hiểu, đó cũng là sự thật”, cô chia sẻ.

Ly dị là một nỗi xấu hổ đối với cộng đồng người Sikh, đặc biệt là phụ nữ.

“Trước tiên, bản thân tôi tự cảm thấy xấu hổ. Tôi thấy mình dơ bẩn và bị sử dụng rồi. Làm sao tôi có thể đối diện một người đàn ông khác khi tôi biết anh ta nhìn tôi như thể hàng đã qua sử dụng”, Minreet nói.

Những người xung quanh cô càng làm tăng thêm mặc cảm này. Họ hàng cô ở Ấn Độ nói họ thất vọng vì cô bỏ chồng. Bố mẹ cô tuy không nói ra nhưng cô cảm thấy họ rất buồn.

'Toi da ly di, kho long ket hon lai'
 

5 năm sau đó, Minreet mới cố gắng thoát khỏi bi kịch hôn nhân tan vỡ. Năm 2013, cô bắt đầu tìm kiếm một người chồng mới.

“Khi tôi nhờ những người xung quanh tìm cho mình một người đàn ông phù hợp, thường thì họ rất nhiệt tình giúp đỡ. Họ bắt đầu đặt những câu hỏi thông thường như tôi bao nhiêu tuổi, sống ở đâu, làm gì, vv… Nhưng ngay khi tôi nói đã ly dị thì thái độ của họ thay đổi lập tức. Cách họ nhìn tôi như thể muốn nói “chúng tôi không giúp gì cho cô được”. Rồi họ nói sẽ báo lại sau”, người phụ nữ 38 tuổi kể lại.

Đám cưới đầu tiên của cô một phần là do sắp đặt. Ở tuổi 27, mọi người liên tục nói cô đã lớn tuổi và tạo áp lực khiến cô phải lấy chồng. Do đó, cô đã hỏi đền thờ ở Southall để được giới thiệu một người đàn ông.

Để tìm chồng mới, cô đến đền thờ Hounslow đăng ký vào sổ mai mối. Cô không biết rằng nếu mình là người ly dị thì sẽ chỉ được giới thiệu cho những người đàn ông đã ly dị mà thôi.

Khi nhân viên dịch vụ thấy thông tin của cô trong bảng đăng ký, anh ta nói: “Ở đây có hai người đàn ông ly dị. Họ là những người phù hợp với chị”. Điều này khiến Minreet khá sốc. “Ở ít nhất hai ngôi đền, tôi đã chứng kiến những người đàn ông ly dị được giới thiệu cho những phụ nữ chưa từng kết hôn. Vậy tại sao phụ nữ ly dị thì chỉ được giới thiệu cho đàn ông đã ly dị?”.

Cô đặt câu hỏi này cho người phụ trách dịch vụ mai mối và được trả lời rằng không phải anh ta muốn thế. Là do đàn ông khi kiếm vợ, cả cha mẹ anh ta, đều yêu cầu đó không phải là một phụ nữ đã ly dị. “Họ sẽ không chấp nhận người ly dị. Đó là điều không nên xảy ra trong cộng đồng người Sikh”, anh ta nói.

'Toi da ly di, kho long ket hon lai'
Những người đàn ông Sikh ở Luân Đôn

Minreet kể, khi mẹ tôi hỏi một trong những đứa con của bạn bà xem có biết ai để giới thiệu cho cô không, anh ta nói rằng cô “giống như chiếc xe đã bị trầy xước”.

Cô cho biết mình không muốn gặp những người đàn ông chỉ thích vui đùa mà không muốn ổn định, cũng không muốn đến với những người chỉ muốn tìm người giúp viêc nhà chứ không phải tìm vợ. “Câu đầu tiên tôi thường nghe hỏi là: “Cô biết nấu ăn không”. Tôi là một người độc lập, tôi muốn tìm bạn đời”, Minreet bày tỏ.

Sau khi đã gặp gỡ khoảng 40 người đàn ông trong 10 năm qua, chỉ đến những tháng gần đây, cô mới bắt đầu nghĩ rằng có lẽ không nên tìm kiếm người Sikh nữa vì hầu như không có cơ hội.

“Tôi hy vọng với câu chuyện của mình, tôi có thể giúp gỡ bỏ kỳ thị đối với một phụ nữ đã ly dị. đồng thời khuyến khích nhiều phụ nữ lên tiếng hơn nữa. Nếu những phụ nữ bị chồng lạm dụng chỉ vì từng ly dị, tôi khuyên họ nên từ bỏ. Chúng ta là những con người, xứng đáng được đối xử bình đẳng”, cô nói.

Minh Nhiên (BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI