Con dâu... đập bàn với mẹ chồng
Tôi sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo túng, thiếu trước hụt sau. Lẩn quẩn cơm, áo, gạo, tiền, chẳng ai trong gia đình tôi có thời gian nghĩ đến cụm từ "sống hạnh phúc".
Định nghĩa hạnh phúc trong tôi rất mơ hồ. Mãi đến khi chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, tôi mới quyết định thi vào ngành sư phạm, khoa giáo dục tiểu học, vì trong thâm tâm, tôi chỉ biết mình yêu trẻ. Sau bao năm, tôi nhận ra đây là con đường đúng đắn, tôi hạnh phúc khi được là chính mình.
|
Tôi biết mình yêu trẻ nên quyết định trở thành giáo viên, đó là viên gạch hạnh phúc đầu tiên trong cuộc đời |
Như bao cô gái khác, đến tuổi, tôi lập gia đình, nhưng chưa bao giờ dám sống, chưa biết tình yêu thực sự là gì. Bởi vậy, tôi bắt đầu "diễn" sao cho hài lòng chồng, hài lòng cha, mẹ chồng và những người xung quanh, cho vừa lòng thiên hạ. Tôi sợ bị chỉ trích, bị bắt bài, bắt lỗi... thế là tôi xây cho mình lớp "khiên tự vệ" từ lúc nào không biết.
Tôi đóng khung mình, công việc ngày càng nhiều, rồi con cái chào đời; chồng tôi luôn phải đi học xa, lúc thì ở Hà Nội, lúc lại ở TP.HCM. Một mình xoay xở với áp lực tiền bạc, con cái, thêm áp lực với cha mẹ chồng, tôi thấy bí bách nên hay cãi vã với cha, mẹ chồng.
Có lần trong lúc ăn cơm, mẹ chồng đã vung chiếc ghế nhựa đánh tôi, vì tôi đánh con. Thế là tôi không ngần ngại dọn đồ, dẫn con về nhà cha mẹ đẻ. Sau đó, mẹ chồng xin lỗi, tôi mới nguôi giận trở và về nhà cha mẹ chồng.
|
Con cái dù nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng |
Va chạm ngày càng nhiều, tôi nhận ra mình càng mệt mỏi, đuối sức. Trong tôi mang mặc cảm nặng nề về mối quan hệ với cha mẹ chồng. Mâu thuẫn gia đình không ngừng nảy sinh, vợ chồng lục đục, tôi và mẹ chồng chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Từ những chuyện nhỏ đến chuyện lớn, chúng tôi đều không thể giải quyết được.
Đỉnh điểm, có lần tôi bị la mắng vì con gái khóc giữa đêm. Vì không thể chịu đựng thêm, tôi viết đơn ly dị, yêu cầu chồng ký đơn.
Trong lúc lời qua, tiếng lại, tôi đập bàn với mẹ chồng, khiến bà suýt ngất xỉu. Sau đó tôi khăn gói cùng con gái ra ngoài ở trọ. Tôi bế tắc, rối rắm không có đường ra suốt thời gian dài.
Tôn trọng tự do cá nhân - chìa khoá hạnh phúc của tôi
Một ngày, đến bước đường cùng, để thoát khỏi "nhà tù tâm trí của mình", tôi quyết định sống cho chính tôi trước. Bắt đầu bằng việc tôn trọng chính cảm xúc của bản thân bằng việc lắng nghe, thấu hiểu mình và người khác. Tôi không cho mình quyền "bắt" người khác theo ý mình.
Tôi mạnh dạn nói ra ý kiến, không phải để hài lòng người khác mà để được sống thật và mong muốn các thành viên trong gia đình bàn bạc, chia sẻ. Với suy nghĩ cảm tính của tôi, điều tôi bày tỏ có thể đúng, có thể sai. Tuy nhiên, tôi tự nhủ mình cần dũng cảm chấp nhận sự khác biệt với mọi người, kể cả chồng.
Để hàn gắn với mẹ chồng, tôi xin lỗi bà một cách chân thành, bày tỏ sự cầu tiến rồi thành thật sửa đổi. Sự xin lỗi ấy, bắt đầu tự sâu thẳm trong trái tim; gạt bỏ đi những mặc cảm cá nhân, cầu mong điều tốt đẹp sẽ đến. Mẹ chồng tôi bắt đầu có cái nhìn khác về con dâu.
Mẹ chồng và tôi đã lắng nghe nhau. Những ý kiến của tôi dù không phù hợp với bà, nhưng miễn nó tốt cho gia đình tôi, đã được chấp thuận, khiến tình cảm giữa chúng tôi ngày càng ấm áp, tôn trọng nhau.
Tôi và chồng cũng tập tành xây dựng "gia quy" trong tiến trình hướng tới mục tiêu tốt đẹp. Cụ thể: trong gia đình nhỏ của tôi, vợ, chồng tôn trọng tự do cá nhân của mỗi người và tôn trọng cả quyền tự do của con cái. Chúng tôi phân định rạch ròi phần nào riêng tư, phần nào chung.
|
Con cái dù còn nhỏ hay đã lớn cũng cần được tôn trọng quyền cá nhân |
Khi xảy ra mâu thuẫn không giải quyết được, hai vợ chồng ngồi lại bàn bạc. Ai cũng phải chủ động tìm hiểu kiến thức để bảo vệ quan điểm của mình, tránh sự áp đặt. Trong trường hợp chưa thỏa thuận được, chúng tôi thống nhất thực hiện phương án tốt nhất cho con và gia đình. Quá trình dạy con được thực hiện trên cơ sở tôn trọng những mong muốn của bé, chứ không phải theo ý kiến chủ quan của người lớn.
Chồng tôi lúc đầu phản đối, vì anh cảm thấy mất vị thế, nhưng sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của tôi, anh ấy cũng đồng ý thực hiện "gia quy". Nhờ vậy, gia đình đã nhiều lần vượt qua những bất đồng và ngày càng gắn kết, yêu thương nhau.
Tôn trọng tự do cá nhân còn giúp tôi khi đứng trên bục giảng luôn tôn trọng học trò, tạo điều kiện để các em thể hiện mình. Tôi hạnh phúc vì làm được điều đó.
|
Tôn trọng tự do cá nhân là chìa khoá hạnh phúc của tôi |
Càng tôn trọng nhau, gỡ bỏ ràng buộc, "sở hữu" trong nhiều mối quan hệ, tôi thấy mình càng độc lập trong suy nghĩ và biết yêu thương nhiều hơn. Tâm trí tôi rộng mở, có khả năng sẻ chia với mọi người.
Quan trọng hơn, tôi được sống trong môi trường "dễ thở". Tôn trọng tự do của bản thân và những người khác, để rồi xây dựng nền tảng gia đình dựa trên nền tảng tự do, có lẽ là một sự giải phóng, là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc cho tôi.
Thanh Vạn