Tôi đã để tiền vợ tiền chồng phân tán suốt 10 năm

02/11/2023 - 06:12

PNO - Người ta bảo 10 năm đầu trong hôn nhân là thời điểm tích luỹ tài sản, nhưng vợ chồng tôi chẳng dư được gì. Lý do thì rất nhiều.

Vợ chồng tôi kết hôn khi tôi 24, chồng 26, đúng nghĩa 2 bàn tay trắng. Lúc ấy chồng đi làm được 1 năm, tôi thì mới ra trường. Vì sống chung với nhà chồng nên hồi đó vợ chồng tôi không mảy may nghĩ tới chuyện dành dụm mua nhà. Không có mục tiêu tài chính là sai lầm đầu tiên của vợ chồng tôi.

Nếu biết xác lập mục tiêu tài chính ngay sau khi cưới, có lẽ vơ chổng tôi đã có dư nhiều. Ành (Minh họa)
Nếu biết xác lập mục tiêu tài chính ngay sau khi cưới, có lẽ vợ chồng tôi đã có dư nhiều. Ành (Minh họa)

Sau khi kết hôn, chúng tôi đối mặt với bao nhiêu khoản phải lo: gia đình hai bên, sắm sửa cho nhu cầu cá nhân và việc quyết đinh có con quá sớm cũng khiến tôi chưa đủ thời gian chuẩn bị tài chính.

Khoảng thời gian chưa có con nên là khoảng thời gian chi tiêu thiết yếu để tiết kiệm, dành dụm, nhưng vợ chồng tôi dành quá nhiều cho chi tiêu hưởng thụ bằng việc mua sắm gia dụng, đồ công nghệ, xe cộ, du lịch… Dù không nợ nần, nhưng đây lại là lỗ hổng khiến tiền bạc thất thoát. Lúc ấy chúng tôi lương mỗi gười 10 triệu mỗi tháng cũng không thể dư, bây giờ lương 30 triệu một tháng cũng chẳng thấy thừa. Lệch chi tiêu là sai lầm thứ hai.

Vợ chồng tôi từ hồi cưới nhau tới giờ vẫn tiền ai nấy giữ. Thay vì phải nói chuyện rõ ràng chuyện tài chính, không ai trong chúng tôi không dám đề cập chuyện tiền bạc vì sợ ảnh hưởng đến tình cảm. “Tiền anh, tiền em" suốt khoảng thời gian dài cũng là lý do khiến "nguồn lực" bị phân tán. Chồng tôi thích chứng khoán, tôi thì thích mua vàng.

Cách đây vài năm, tôi nhận thấy cách này không ổn nên bàn với chồng nên có một khoảng chung. Sau khi chi tiêu, đầu tư, còn bao nhiêu chúng tôi góp vào quỹ chung. Nhưng mới thực hiện được vài tháng thì phương án ấy trục trặc. Tháng thì do chứng khoán trồi sụt, chồng không có tiền bỏ vào quỹ chung, tháng thì vàng lên giá nên tôi tự ý “bớt xén"... Vợ chồng nặng nhẹ, không khí gia đình nặng nề nên cả hai quyết định xóa sổ quỹ chung. Tiền góp vào mấy tháng được “hóa kiếp" thành chuyến du lịch nước ngoài. Thế là chúng tôi trở lại thói quen tiền ai nấy giữ. Tài chính bị phân bổ, không có qũy chung là sai lầm thứ ba.

Lẽ ra với thu nhập của cả 2 sau 10 năm, chúng tôi có thể sở hữu một căn nhà nhỏ vùng ven, nhưng những sai lầm tài chính đã khiến tiền vợ tiền chồng bị phân tán, không rõ ràng. Đến bây giờ tôi cũng không biết chồng tôi có bao nhiêu tiền, chỉ đoán được rằng, nếu tiền của cả 2 cộng lại, ráng lắm mới mua được một mảnh đất ở quê. Nhưng nếu mua đất, vợ chồng tôi lại hết sạch tiền tiết kiệm mà đất thì vốn khó bán nên không dám rủi ro.

Tôi giật mình hình dung: 10-20 năm nữa, khi con cái lớn, vợ chồng già sẽ ra sao? Tôi nghĩ dẫu muộn, vợ chồng tôi cần ngồi lại bàn bạc để sửa chữa từng sai lầm. Có lẽ cần bắt đầu bằng một bản kê tài chính công khai của cả 2 vợ chồng, rồi xác định mục tiêu tài chính chung cho những năm tới.

Tôi tiếc mình đã mất 10 năm, nhưng tôi càng không để mất thêm 10, 20, 30 năm sắp tới. Ước gì tôi nhận biết những điều này từ năm 24 tuổi, nhưng cũng may tôi kịp nhận ra ở tuổi 34 chứ không phải 44.

Minh Thu

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI